Giáo viên Trường THCS Hồng Bàng, quận 5, TP.HCM tập huấn cho học sinh lớp 9 cách xử lý và tình huống trong lớp có F0 và cách phòng chống dịch - Ảnh: NHƯ HÙNG
Cô Lê Thị Thanh Giang, hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn, quận 1, cho biết: "Chúng tôi đã lắp đặt bốn máy đo thân nhiệt và xịt khuẩn tự động ngay tại cổng trường. Học sinh đã được giáo viên chủ nhiệm dặn dò khai báo y tế ở nhà, khi vào trường các em sẽ lần lượt đo thân nhiệt, rửa tay... bằng máy tự động.
Trường bố trí giáo viên trực ở cổng để phân luồng học sinh, đồng thời xử lý các vấn đề phát sinh. Giờ vào học và giờ ra về của học sinh các lớp đều lệch giờ với nhau để tránh tụ tập, ùn tắc.
Tất cả giáo viên, học sinh đều vào trường và ra về theo sơ đồ một chiều, đảm bảo quy định phòng chống dịch".
Trang bị phòng cách ly, dụng cụ test nhanh
Trong khi đó, ở Trường THCS Hà Huy Tập, quận Bình Thạnh, cô Hứa Thị Diễm Trâm - hiệu trưởng - thông tin: "Trường đã tổ chức diễn tập và hướng dẫn các em học sinh ngồi đúng bàn của mình.
Các lớp đều được tách ra làm đôi để học sinh ngồi giãn cách, cầu thang và nhà vệ sinh cũng được quy định cụ thể cho mỗi lớp chứ học sinh không được đi lung tung... Nhà trường đã chuẩn bị ba phòng cách ly F0, 125 dụng cụ test nhanh COVID-19 để dự phòng...".
Tương tự, thầy Nguyễn Vân Yên - hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương, quận 5 - chia sẻ: "Ban đại diện cha mẹ học sinh Trường THPT Hùng Vương đã hỗ trợ nhà trường mua 50 bộ test COVID-19 mẫu đơn và 50 bộ test mẫu gộp, bốn máy đo thân nhiệt và sát khuẩn tự động để đặt tại cổng trường và các đầu cầu thang dẫn lên phòng học.
Nhà trường không tiến hành tách lớp vì diện tích phòng học đã đảm bảo rồi, việc tách lớp sẽ gây khó khăn cho giáo viên trong giảng dạy. Tuy nhiên, chúng tôi xếp các lớp học cách phòng, tức là ở giữa các lớp là phòng trống".
Ở Trường THCS Thanh Đa, quận Bình Thạnh, giờ tan học nhà trường sẽ cho học sinh ra về tuần tự. Theo đó, chuông reo hết giờ nhưng tất cả học sinh sẽ ngồi tại lớp. Nhà trường sẽ gọi loa, đến lớp nào thì lớp đó lần lượt đi ra khỏi lớp từng học sinh một và giữ khoảng cách.
Theo ghi nhận của phóng viên Tuổi Trẻ, đến chiều 11-12 hầu hết các trường THCS, THPT trên địa bàn TP đều đã tiến hành khử khuẩn lần cuối để đón học sinh.
Trong đó, các nhân viên tạp vụ được quán triệt là phải thường xuyên khử khuẩn tại các vị trí thường xuyên tiếp xúc như tay vịn cầu thang, tay nắm cửa, máy tính, mặt bàn...
Ăn sáng ở nhà
Sáng 10-12, tại buổi diễn tập chuẩn bị cho học sinh làm quen với các biện pháp phòng chống dịch tại Trường THCS Thanh Đa, quận Bình Thạnh, cô Trần Thúy Loan - giáo viên chủ nhiệm lớp 9A2 - dặn dò học sinh: "Các em nhớ ăn sáng và khai báo y tế ở nhà rồi hãy đến trường. Mặc dù trong lớp luôn có chai nước rửa tay dùng chung nhưng cô khuyên mỗi em cần chuẩn bị 1 bình nước cá nhân và 1 chai nước rửa tay sát khuẩn riêng.
Ngoài việc đeo khẩu trang trong suốt thời gian ở trường, các em nhớ giữ khoảng cách khi giao tiếp với các bạn cùng lớp.
Cô sẽ trang bị cho lớp 1 hộp khẩu trang và luôn để sẵn trên bàn giáo viên, khi nào khẩu trang của các em bị dơ hay cần thay thì lên đây lấy khẩu trang để thay. Nếu các em có tình thương mến thương với bạn bè thì cũng không nên dùng vật dụng của nhau nha".
Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, kết quả khảo sát ý kiến phụ huynh về việc cho học sinh lớp 9, lớp 12 đi học có gần 80% phụ huynh đồng thuận.
Tuy nhiên, trong ngày diễn tập các phương án phòng chống dịch để chuẩn bị đi học lại vào ngày 10-12 thì số học sinh đến trường đạt tỉ lệ khá cao.
Ghi nhận tại Trường THPT Nguyễn Du, quận 10 có 93,33% học sinh lớp 12 đã có mặt. Tại Trường THPT Hùng Vương, quận 5 với 92% học sinh có mặt. Tại Trường THCS Hà Huy Tập, quận Bình Thạnh, hơn 91% học sinh có mặt...
Thầy Nguyễn Vân Yên - hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương, quận 5 - nhận định: "Tôi đoán rằng số phụ huynh còn lại chưa đồng thuận cho con em đến trường vì họ còn muốn nghe ngóng, thăm dò xem nhà trường chuẩn bị cho giáo viên và học sinh phòng dịch như thế nào, có đảm bảo an toàn hay không.
Thế nên, nhiệm vụ của nhà trường là thực hiện các khâu một cách chặt chẽ và khoa học, hy vọng phụ huynh sẽ đổi ý mà cho con em đến trường, bởi đi học là quyền lợi của học sinh".
* Em Đặng Khánh Trâm (học sinh lớp 9A2 Trường THCS Thanh Đa, quận Bình Thạnh):
Tự tin sống chung với dịch
Mùa dịch nên em rất ít đi ra khỏi nhà, kể cả khi TP đã hết giãn cách. Bởi vậy hôm nay được đến trường, gặp gỡ bạn bè và thầy cô em thấy rất phấn khởi.
Điều lo lắng nhất của em hiện nay là việc thi tuyển sinh vào lớp 10 sẽ như thế nào chứ em không lo lắng nhiều về dịch bệnh. Bởi em đã tiêm đủ hai mũi vắc xin, hôm nay em đã được nghe nhà trường thông báo về những biện pháp phòng chống dịch, em thấy rất yên tâm và tự tin sống chung với dịch. Em nghĩ phần còn lại chính là ý thức tuân thủ và thực hiện quy định 5K của bản thân mình mà thôi.
* Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh (phụ huynh ở TP Thủ Đức, TP.HCM):
Sẽ chuẩn bị kỹ cho con
Mấy hôm nay tôi lo lắng đến mất ngủ về việc đi học lại của hai con trai. Một cháu đang học lớp 9, còn một cháu đang học lớp 12. Tôi đã chuẩn bị sẵn cho con bình nước cá nhân, chai nước rửa tay móc vào quai cặp táp, bịch khẩu trang để trong cặp phòng khi cần thay cái mới...
Thực lòng tôi muốn con tiếp tục ở nhà, tiếp tục học trực tuyến cho yên tâm. Tuy nhiên, khi nói ra điều này, cả hai con tôi đều phản ứng. Hai cháu nói rằng được đi học lại chúng mừng vui không sao tả xiết, tiếp tục ở nhà nữa có nguy cơ bị bệnh về thần kinh...
Con tôi còn bảo chúng đã lớn và có ý thức bảo vệ an toàn cho bản thân, tôi không cần quá lo lắng như thế.
TTO - Ngày 10-12, nhiều trường THCS, THPT ở TP.HCM đã tổ chức cho học sinh, giáo viên diễn tập các phương án phòng chống dịch trước khi học sinh đi học lại vào ngày 13-12.
Xem thêm: mth.38880851211211202-gnourt-ial-ort-yagn-ohc-gnas-nas-mch-pt-o-tpht-scht-gnourt-cac/nv.ertiout