Trong các gia đình có quan điểm khác nhau liên quan đến COVID-19 và tiêm chủng, mối quan hệ giữa các thành viên có mức độ căng thẳng nhất định thậm chí rất nghiêm trọng, và không dễ giải quyết.
Lấy trường hợp cô Take Sarah làm ví dụ. Trong các anh chị em, cô là người trực tiếp chăm sóc mẹ. Bên cạnh sự vất vả chăm sóc mẹ, cô còn thường trực nỗi lo mỗi khi các anh chị em chưa chịu tiêm ngừa COVID-19 đến thăm mẹ.
Cô năn nỉ anh chị em đi tiêm ngừa COVID-19, cố gắng giải thích rằng họ có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe mẹ vốn có bệnh dị ứng. Tuy nhiên anh chị em của cô vẫn khăng khăng là vaccine không an toàn. Và điểm cuối các cuộc nói chuyện kiểu này luôn là sự tranh cãi, khiến quan hệ gia đình nặng nề, rạn nứt.
Quan điểm khác nhau về COVID-19 và tiêm chủng có thể khiến quan hệ giữa các thành viên gia đình căng thẳng, rạn nứt. Ảnh: ISTOCK
Rồi như trường hợp anh Mike hàng tháng trời cố gắng thuyết phục cha mẹ mình đi tiêm ngừa không thành vì cả hai cho rằng vaccine có hại. Chẳng những mục tiêu không đạt được mà quan hệ giữa anh và cha mẹ lại ngày càng căng thẳng.
Không giống như xung đột với bạn bè, xung đột trong gia đình rất gai góc và nghiêm trọng vì điều này xảy ra giữa những người cùng có quan hệ sâu sắc, chia sẻ những kết nối và trải nghiệm chung.
Theo TS tâm lý học lâm sàng Annabelle Chow tại Viện điều trị sức khỏe tâm thần Annabelle Psychology (Singapore), mặc dù không bỏ qua được sự khác biệt về thái độ, niềm tin, hoặc hành vi, nhưng sẽ hữu ích nếu chúng ta biết cách giải quyết các xung đột phức tạp để không phải hy sinh mối quan hệ. Vậy lời khuyên là gì?
Đầu tiên, không bác bỏ hay lên lớp
Nhiều xung đột trở nên khó giải quyết vì các thành viên trong gia đình không tiếp nhận nội dung thông tin giống nhau. Ví dụ, nhiều người lớn tuổi nghi ngờ về hiệu quả và rủi ro của việc dùng vaccine ngừa COVID-19, thường vì họ nhận thông tin này từ bạn bè cùng độ tuổi và có khuynh hướng bảo thủ.
Điều quan trọng là không bác bỏ hoặc chế giễu những thông tin họ nhận được là "thuyết âm mưu" hoặc "rác rưởi". Chịu khó lắng nghe sau đó cho họ xem thông tin từ các nguồn chính thức, sử dụng đồ thị, bảng biểu hoặc các hình ảnh trực quan khác nếu cần. Giải thích cho người thân thấy lý do tại sao thông tin họ nhận được không chính xác – có thể chỉ ra nguồn thiếu tin cậy hoặc thiếu chi tiết.
Tuy nhiên cũng cần chuẩn bị tâm lý chấp nhận một thực tế là việc cung cấp thông tin xung đột với quan điểm cá nhân một người có thể vô ích, và chuyện này có thể kết thúc bằng sự ăn miếng trả miếng mà chẳng đi đến đâu. Chuyện các cá nhân đưa ra các kết luận đối lập nhau ngay cả với cùng một tập hợp dữ liệu thông tin giống nhau là chuyện không hề hiếm.
Một nghiên cứu của Viện Công nghệ Massachusetts hồi tháng 3 cho thấy những người hoài nghi COVID-19 đã sử dụng bộ dữ liệu từ các nguồn chính thức của chính phủ Mỹ nhưng sắp xếp và trình bày lại các hình ảnh dữ liệu phức tạp để lập luận chống lại việc đeo khẩu trang để phòng lây nhiễm.
Nghiên cứu này là dẫn chứng cho thấy rằng chỉ dữ kiện thực tế thì không chắc đưa đến kết luận được, vì từng cá nhân có thể giải thích thông tin theo những cách rất khác nhau.
Tập trung vào lợi ích chung
Điều cần thiết và hữu ích là cần có sự trung thực và tôn trọng trong các cuộc đối thoại. Lắng nghe với sự đồng cảm, thiết lập điểm chung (tất cả chúng ta đều muốn những gì tốt nhất cho gia đình mình), và chỉ chia sẻ thông tin khi được phép.
Đề nghị người thân chia sẻ lý do vì sao họ có quan điểm như vậy. Cố gắng tích cực lắng nghe nhu cầu và mối quan tâm của người thân. Phải hiểu rằng quan điểm của người thân dù khác mình nhưng có ý nghĩa đối với họ.
Chấp nhận nỗi sợ của người thân. Việc người thân do dự tiêm hóa chất vào cơ thể hoặc lo lắng về các tác dụng phụ sau khi họ nghe nhiều chuyện đáng lo liên quan đến vaccine là điều hoàn toàn có thể hiểu được.
Tiếp theo, sẽ rất hữu ích nếu chủ động tìm hiểu những mối quan tâm và ưu tiên chung. Điều này giúp người thân hiểu rằng người một nhà không phải là đối thủ của nhau mà đều muốn điều tốt nhất cho gia đình. Khi cuộc thảo luận diễn ra theo chiều hướng xấu đi, có thể lùi lại một bước để thiết lập lại nền tảng chung, vì lợi ích của cả gia đình.
Với người lớn, nên xin phép trước khi chia sẻ thông tin. Nếu người lớn tỏ ý không muốn trò chuyện, hãy tôn trọng mong muốn của họ. Ngay cả khi bị từ chối, chúng ta vẫn có thể lịch sự nêu lý do hoặc động cơ đằng sau mong muốn chia sẻ thông tin, chẳng hạn như: Con lo ngại rằng cha mẹ có thể bị bệnh nặng nếu không tiêm phòng.
Nhất định phải nhớ rằng, chỉ trích hay chế giễu khiến người thân xấu hổ, gây áp lực hoặc lên lớp vì họ có quan điểm khác với ý kiến của mình là cách chắc chắn nhất để kết thúc mọi cuộc trò chuyện.
Chấp nhận từ bỏ
Chúng ta có thể phải chấp nhận rằng người thân yêu có quyền không đồng ý với mình ngay cả khi sự bất đồng của họ có vẻ phi lý.
Nếu chúng ta đã cố gắng hết sức mà vẫn không thuyết phục được người thân, khi đó nên hiểu rằng dù thiếu sự thỏa hiệp nhưng chúng ta vẫn có thể duy trì sự hòa thuận trong gia đình và đặt ra các giới hạn.
Việc để mỗi thành viên nói lên suy nghĩ của mình rồi cùng thống nhất những giới hạn nhất định giúp gia đình giảm bớt xung đột và duy trì mối quan hệ tốt đẹp.
Điều quan tâm trước tiên là đặt giới hạn tương tác. Trong bối cảnh đại dịch, giới hạn có thể bao gồm việc không tụ tập tại nhà để ngăn ngừa lây nhiễm, gia đình không đi ăn bên ngoài hoặc không đi du lịch cùng nhau cho đến khi mọi thành viên được tiêm chủng.