"Làng/xã thông minh" trong xây dựng nông thôn mới là đưa công nghệ số vào cuộc sống, thu hẹp dần khoảng cách nông thôn - thành thị.
Ông Nguyễn Minh Tiến – Cục trưởng – Chánh văn phòng, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương nhấn mạnh: Đưa chuyển đổi số vào nông nghiệp nói chung và xây dựng nông thôn mới nói riêng là chủ trương của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) suốt 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Xác định vấn đề này, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương đã đẩy mạnh triển khai Đề án “Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 - 2025” nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành của Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, cải thiện phương thức, hiệu quả sản xuất kinh doanh của nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp. Đề án xây dựng 4 mục tiêu cụ thể đến năm 2025, bao gồm: Xây dựng chính phủ số; Kinh tế số; Xã hội số, và một Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới thông minh giai đoạn 2026 - 2030.
Ông Nguyễn Minh Tiến - Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương - chia sẻ, đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) xem xét đưa nội dung về công nghệ số trong nông thôn mới thành một nội dung trọng tâm, tập trung chỉ đạo thực hiện trong đoạn 2021 - 2025. Hạ tầng chuyển đổi số sẽ là hạ tầng thiết yếu, bao gồm hạ tầng kết nối băng thông rộng với cáp quang phủ sóng về tận nông thôn, tiếp theo hạ tầng kết nối 4G, tiến đến là 5G. Mục tiêu hướng tới mỗi người dân đều được tiếp cận kết nối internet qua các hệ thống kết nối căn bản với các chi phí hợp lý. “Trong Chương trình nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 cần thiết phải xây dựng Đề án Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 - 2025 để có được cách tiếp cận tổng thể và toàn diện” - ông Nguyễn Minh Tiến khẳng định.
Về kinh tế số trong xây dựng nông thôn mới, Đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2025, có 70% đơn vị cấp xã và 60% đơn vị cấp huyện hoàn thiện chuyển đổi số trong quản lý, giám sát và đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; 70% đơn vị cấp xã và 60% đơn vị cấp huyện áp dụng thương mại điện tử đối với sản phẩm OCOP; 70% đơn vị cấp xã và 60% đơn vị cấp huyện hoàn thiện ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý trực tuyến về du lịch cộng đồng. Đối với xã hội số trong xây dựng nông thôn mới, có 50% đơn vị cấp xã và 40% đơn vị cấp huyện hoàn thành hệ thống trực tuyến cung cấp các dịch vụ thiết yếu; 50% đơn vị cấp xã và 40% đơn vị cấp huyện hoàn thành hệ thống trực tuyến lấy ý kiến phản hồi về sự hài lòng của người dân/cộng đồng về chính quyền địa phương.
Theo ông Lê Anh Hoàng (HTX Nông nghiệp số), làng thông minh (Smart Village) hay nói rộng hơn là cộng đồng thông minh, ứng dụng công nghệ kết nối để có nông nghiệp thông minh, du lịch truyền thống phù hợp phong cách du lịch mới (đặt tour, homestay, du lịch cộng đồng, ẩm thực, thanh toán không tiền mặt… qua internet), môi trường được quan trắc, giám sát và báo cáo hàng ngày, sức khoẻ người dân và du khách được đảm bảo (y tế thông minh)…, và chắc chắn "Làng thông minh" cần một thiết chế được số hoá có khả năng quản lý và vận hành các đối tượng trong đó để đảm bảo được sự phát triển của mình bằng các giá trị truyền thống kết hợp với công nghệ.
Mô hình thí điểm "xã thông minh"
Theo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, "làng/xã thông minh" tổng thể là mô hình phát triển tối ưu, là đích phát triển của khu vực nông thôn trong tương lai. Tuy nhiên để có thể phát triển một mô hình toàn diện đòi hỏi nguồn lực con người, tài chính và thời gian chuyển biến, áp dụng, và thích nghi một cách phù hợp. Với thực tế nguồn lực tại Việt Nam trong thời gian trước mắt rất khó có thể phát triển một mô hình làng thông minh tổng thể mà phải thí điểm và triển khai các làng thông minh theo từng lĩnh vực cụ thể. Các địa phương tùy vào điều kiện, nguồn lực và tiềm năng địa phương có thể chọn triển khai một hay nhiều hợp phần.
Vì vậy, chiều 11.12, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương đã tổ chức hội thảo trực tuyến phối hợp với tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo trực tuyến "Xây dựng mô hình thí điểm "xã thông minh" trong xây dựng nông thôn mới".
“Làng thông minh là một cộng đồng xóm, thôn, xã ở các vùng nông thôn sử dụng các giải pháp trên nền tảng công nghệ kỹ thuật số, tận dụng các thế mạnh và cơ hội của địa phương để phát triển bền vững. Qua đó, thu hẹp dần khoảng cách nông thôn - thành thị, từng bước cải thiện các điều kiện kinh tế, xã hội và môi trường của khu vực nông thôn. Hội thảo lần này nhằm trao đổi kinh nghiệm, định hướng xây dựng làng/xã thông minh ở Việt Nam; đề xuất tiếp cận, nội dung xây dựng làng/xã thông minh trong xây dựng nông thôn mới và thảo luận, thống nhất một số đề xuất về tên gọi, nội dung xây dựng "xã thông minh" trong xây dựng nông thôn mới" - ông Nguyễn Minh Tiến cho biết.
Thừa Thiên Huế là địa phương đi đầu trong thí điểm triển khai xây dựng mô hình "xã thông minh", tại 2 xã: Vinh Hưng (Phú Lộc) và Quảng Thọ (Quảng Điền) trong giai đoạn 2016-2020.
Theo ông Nguyễn Đình Đức - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Thừa Thiên Huế, mô hình thí điểm đang ở những bước đầu tiên nhưng đã thể hiện được nhiều điểm ưu việt: Hỗ trợ được việc điều hành chính quyền cấp xã thông qua phòng giám sát điều hành xã thông minh, giúp cho chính quyền cấp xã bao quát được các vấn đề về an sinh xã hội, an toàn trật tự ở nông thôn; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, dự báo về môi trường, chia sẻ dữ liệu quan trắc, giám sát các dữ liệu phục vụ cho nuôi trồng, sản xuất tại địa phương phục vụ cho việc quản lý, điều hành một cách khoa học và chặt chẽ…
"Mục tiêu của việc xây dựng mô hình “xã thông minh” ở Thừa Thiên Huế là nhằm hoàn thiện chính quyền điện tử cấp xã và hướng đến chính quyền số, hỗ trợ việc điều hành chính quyền cấp xã “thông minh hơn”. Bên cạnh đó, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, an toàn trật tự ở nông thôn; ứng dụng khoa học công nghệ để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tăng giá trị nông sản và mở rộng giao dịch trên mạng Internet" - ông Nguyễn Đình Đức chia sẻ.
Phát biểu tại hội thảo chiều 11.12.2021, các đại biểu đều chung nhận định: Việc chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới là điều tất yếu, phù hợp với xu hướng chung của nước và thế giới, và mô hình "xã thông minh" ở Thừa Thiên Huế là mô hình điểm ưu việt, hiệu quả, cần sớm nhân rộng trên toàn quốc. Xây dựng mô hình "xã thông minh" trong xây dựng nông thôn mới sẽ góp phần ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số kết hợp công nghệ sinh học, công nghệ giáo dục... trong việc thử nghiệm các mô hình, sản phẩm, dịch vụ số cho cộng đồng.
Từ đó, tạo giải pháp nền móng, thiết thực giúp từng bước chuyển đổi, nâng cao nhận thức, kiến tạo thể chế cho cấp xã trong việc thực hiện chương trình chuyển đổi số, hướng tới hoàn thiện chính quyền điện tử cấp xã và hướng đến chính quyền số. Mô hình này hỗ trợ việc điều hành chính quyền cấp xã thông minh hơn. Qua đó đảm bảo an sinh xã hội, an toàn trật tự ở nông thôn; ứng dụng khoa học công nghệ để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, góp phần tăng giá trị nông sản và mở rộng giao dịch trên mạng Internet...