Số lượng người mua xe điện đang nhiều hơn bao giờ hết. So với nhiều khó khăn khi lái và bảo dưỡng xe động cơ đốt trong, xe điện có thể là niềm mơ ước của nhiều người đam mê ô tô.
Không chỉ dừng lại ở niềm vui thích, việc chuyển đổi sang xe điện còn hướng đến giải quyết những vấn đề môi trường. Giao thông vận tải chiếm khoảng ¼ lượng khí thải carbon trên toàn cầu và các phương tiện giao thông đường bộ chiếm ¾ tỷ lệ đó. Nếu thế giới có cơ hội để đạt mức phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050, xe điện sẽ sớm chiếm ưu thế.
Con số 6 triệu người tiên phong lựa chọn xe điện trong năm 2021 vẫn chỉ chiếm 8% tổng số người mua ô tô. Con số này cần tăng lên 2/3 trong năm 2030 và đạt 100% vào năm 2050.
Tuy nhiên, khi nhìn xa hơn về những chiếc xe ô tô công nghệ cao là hiện thân của cuộc cách mạng xe điện, một "trở ngại tàn nhẫn" đã xuất hiện. Ngay cả những người thường xuyên theo dõi những chiếc xe điện mới cũng không đủ nhận thức về vấn đề này. Nói một cách đơn giản thì tất cả ô tô điện sẽ được sạc như thế nào?
Tình trạng thiếu trạm sạc xe điện
Số lượng trụ sạc công cộng hiện tại là 1,3 triệu. Con số này không thể đáp ứng nhu cầu của đội xe điện đang mở rộng nhanh chóng trên thế giới. Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), đến cuối thập kỷ này, thế giới sẽ cần 40 triệu điểm sạc công cộng, đòi hỏi số tiền đầu tư hàng năm là 90 tỷ USD mỗi năm cho đến năm 2030.
Ngay cả khi việc chuyển đổi sang xe điện không nhanh như dự kiến, thế giới vẫn cần chi một số tiền vô cùng lớn cho cơ sở hạ tầng sạc xe điện. Theo viễn cảnh mà công ty nghiên cứu Bloomberg NEF dự đoán, khi doanh số xe điện tăng, giá pin giảm nhưng chỉ đạt 1/3 tổng số xe bán ra trong năm 2030, năm 2040 vẫn cần khoảng 600 tỷ USD đầu tư cho trạm sạc xe điện.
Bên cạnh việc lắp đặt quá ít trạm sạc công cộng, hoạt động của ngành công nghiệp sạc cũng yếu kém. Ủy ban Châu Âu cho biết cứ 10 chiếc xe điện thì cần một trạm sạc. Trong khi đó, số liệu của Boston Consulting Group (BCG) cho biết 1 trụ sạc ở EU và Trung Quốc cung cấp được cho 5 xe điện và ở Mỹ là 9 xe.
Trên thực tế, một cuộc khảo sát của Volkswagen về trạm sạc tại Trung Quốc đã phát hiện nhiều bộ sạc không hoạt động. Chỉ có 30-40% trong số 1 triệu điểm sạc công cộng ở Trung Quốc hoạt động liên tục.
Người lái xe cũng có thể cảm nhận được một số những rắc rối. Lo lắng về phạm vi và tính khả dụng của các điểm sạc công cộng là một vấn đề lớn. Trong cuộc khảo sát gần đây của công ty tư vấn AlixPartners, tại 7 quốc gia chiếm 85% doanh số bán xe điện toàn cầu, mức giá cao của ô tô điện là lý do thứ ba trong danh sách 5 lý do hàng đầu không nên chuyển sang sử dụng xe điện. Bốn lý do còn lại đều liên quan đến vấn đề sạc pin.
Những người trong ngành chỉ ra rằng việc sở hữu và sạc xe điện đều ở giai đoạn sơ khai và sự bi quan là không có cơ sở. Song, chính xác cần bao nhiêu trụ sạc công cộng cho mỗi chiếc xe điện chạy trên đường vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ,
Một vấn đề khác là cơ cấu của ngành. Aakash Arora trong lĩnh vực ô tô của bcg gọi đây là "vấn đề rắc rối nhất trong mọi vấn đề". Việc triển khai các điểm sạc xe điện bị chậm trễ là do cần có sự phối hợp và sự phê duyệt của nhiều bên liên quan, bao gồm nhà sản xuất, chính quyền địa phương và các nhà cung cấp dịch vụ trung gian như thanh toán.
Lối đi nào cho ngành công nghiệp sạc xe điện?
Có ba loại công ty sắp thống trị ngành sạc xe điện. Một là các nhà sản xuất tự cung cấp mạng lưới sạc cho xe điện của mình. Tesla có lẽ đã chi hàng tỷ USD để lắp đặt 30.000 điểm sạc trên toàn thế giới. Các hãng xe hơi khác như BMW, Ford, Huyndai cũng đang mở rộng mạng lưới sạc xe của mình.
Thứ hai là các doanh nghiệp chuyên về sạc xe điện đang phát triển. Một số công ty đã được ra mắt. Hiện tại doanh thu của họ rất nhỏ, nhưng giá trị thị trường của họ đang tăng lên. Được đánh giá cao nhất là ChargePoint với trị giá khoảng 7 tỷ USD. Công ty kiểm soát 44% thị trường sạc công cộng tại Mỹ và đang mở rộng đến châu Âu.
Thứ ba là các công ty năng lượng. Với lo ngại việc kinh doanh các trạm xăng dầu sẽ bị thua lỗ, các công ty này đang phát triển các kế hoạch đầy tham vọng. Công ty dầu khí Royal Dutch Shell cho biết họ có kế hoạch triển khai 500.000 điểm sạc trên khắp thế giới vào năm 2025. Các chính phủ cũng sẽ hành động. Luật cơ sở hạ tầng mới của Mỹ dành 7,5 tỷ USD cho việc lắp đặt 500.000 điểm sạc công cộng vào năm 2030.
Một lý do để lạc quan là những cải tiến của pin sẽ giúp xe chạy được lâu hơn, không cần sạc thường xuyên. Pin mới cũng sẽ được sạc nhanh hơn và các trạm sạc sẽ cung cấp điện nhanh hơn. Tuy nhiên, nhiều người vẫn hoài nghi về số lượng điểm sạc so với quy mô mạng lưới rộng lớn mà thế giới cần. BCG dự đoán Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc, nơi tập trung của hầu hết xe điện trên thế giới, sẽ chỉ có 6,5 triệu điểm sạc vào năm 2030, không đủ để đáp ứng mục tiêu 40 triệu điểm sạc IEA đưa ra. Nhiều ô tô sẽ phải tranh giành chỗ sạc và người lái xe sẽ phải học cách kiên nhẫn.
Tham khảo The Economist