Chỉ số S&P 500 tăng 0,95% lên kỷ lục mới 4.712 điểm. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 216,3 điểm, tương đương 0,6%, và kết phiên ở 35.971 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite thêm 0,73%.
Tính chung cả tuần qua, Dow Jones tăng 4%, chấm dứt chuỗi giảm 4 tuần liên tiếp trước đó. Theo CNBC, tuần vừa qua cũng là tuần tích cực nhất của chỉ số bluechip này kể từ tháng 3.
S&P 500 và Nasdaq tăng lần lượt 3,8% và 3,6% trong tuần, thành tích khả quan nhất kể từ tháng 2 của cả hai chỉ số.
Bộ Lao động Mỹ sáng 10/12 cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tỷ lệ lạm phát cao nhất kể từ tháng 6/1982 và nhỉnh hơn so với con số 6,7% mà các nhà kinh tế của Dow Jones dự báo. Nếu so với tháng liền trước, CPI tháng 11 tăng 0,8%.
CPI lõi (đã loại bỏ giá lương thực và năng lượng) tăng 0,5% so với tháng trước và 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái, khớp với ước tính của các nhà kinh tế.
Một số nhà đầu tư có thể đã dự báo tỷ lệ lạm phát cao hơn cả các chuyên gia kinh tế, vậy nên sau khi số liệu chính thức được công bố, thị trường chứng khoán Mỹ đồng loạt tăng mạnh.
Ông Jeffrey Gundlach, nhà sáng lập tập đoàn đầu tư DoubleLine, vài ngày trước đã dự báo tỷ lệ lạm phát có thể sớm vượt ngưỡng 7%.
CNBC dẫn lời ông Ryan Detrick, Giám đốc chiến lược thị trường tại LPL Financial nhận định: "Số liệu lạm phát hôm nay là mức cao nhất trong nhiều thập kỷ nhưng lại tương đương với dự báo. Đây là điều tốt vì thị trường đã phản ánh vào giá các kỳ vọng về lạm phát".
Một điểm sáng trong báo cáo CPI tháng 11 là mức tăng của giá xe ô tô cũ, dịch vụ khách sạn và vé máy bay đều thấp hơn so với dự báo. Giá trong các lĩnh vực này liên tục ở mức cao trong các tháng trước và số liệu tháng 11 có thể là dấu hiệu đầu tiên cho thấy lạm phát đang ở gần đỉnh, ông Detrick nói.
Khi lạm phát tăng mạnh, nhà đầu tư lo ngại Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ đẩy nhanh việc cắt giảm chương trình mua trái phiếu và sau đó tăng lãi suất. Fed đã duy trì chính sách lãi suất gần 0% liên tục từ tháng 3/2020 cho đến nay.
Giữa năm nay, các quan chức Fed từng đánh giá lạm phát cao chỉ là tạm thời và do một số nguyên nhân đặc biệt trong đại dịch gây ra như nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh và chuỗi cung ứng tắc nghẽn. Tuy nhiên cuối tháng 11 vừa qua, Chủ tịch Fed Jerome Powell không còn dùng từ "tạm thời" khi nói về lạm phát nữa.
Xem thêm: mth.46110956011211202-cos-gnat-tahp-mal-pahc-tab-iom-hnid-pal-ym-naohk-gnuhc/nv.zibmanteiv