Tôi đứng bên nhà mình nhìn sang nhà chú, những nhánh mai vẫn vươn mình từng ngày, chờ lúc Tết để thỏa sức khoe cánh hoa vàng đượm - Ảnh minh họa: GIA TIẾN
Tôi nghe những âm thanh phát ra từ nhà chú, tưởng tượng Tết này ngôi nhà nhỏ đó ấm áp và hạnh phúc biết bao!
1. Chú về từ hồi tháng bảy, lúc dịch lần đầu chạm chân sâu vô tới miền đất hiền hòa này. Quãng còn theo chân mấy con vịt rong ruổi hết cánh đồng này qua cánh đồng khác, nghe tin trên radio vẫn nghĩ dịch bệnh còn xa lơ xa lắc, đến lúc nó tới rồi trở tay không kịp. Chốt kiểm dịch mọc lên nhiều như nấm sau mưa. Giật mình nhận ra là khi dịch đang ở sát bên. Chú tôi bán bầy vịt, về quê.
Vịt chạy đồng không ở lâu một chỗ được. Đồng này ăn vừa hết là phải cuốn trại cuộn lưới di chân đến miền khác, liên miên suốt năm. Nhiều mùa Tết đã qua chú đứng ngậm điếu thuốc giữa đồng, chân ngâm trong mớ nước xăm xắp vừa bơm, rạ đâm lên mặt nước như cố tìm gan bàn chân người để làm một cuộc gặp gỡ đau nhói.
Đâu phải Tết ai cũng được về nhà! Nhấm nháp như mối mọt, nỗi nhớ nhà vẫn không chịu nguôi ngoai, mặn chằn đuôi mắt…
Đó là trước dịch, nỗi lo cơm áo gạo tiền lớn hơn những mong ước của bản thân. Bầy vịt đâu có cho chú nghỉ Tết như dân làm sở, nó có ăn mới có đẻ. Giữa đồng đón giao thừa là một cảm xúc khó tả lắm, đêm đó chắc buồn nhất trong năm, tôi nghĩ vậy. Lần này, chú về. Đó là một sự đặc biệt trong đời chăn vịt.
Hình như đã ba năm nay ăn Tết cùng sương, mùi cứt vịt, tiếng quàng quạc của vịt động chuồng… chú chưa quên hơi ấm, vẫn thèm nhớ nồi thịt kho tàu quanh mâm cơm nóng ngày đầu năm.
Hóa ra dịch cũng cho chú một niềm vui nho nhỏ, trong Tết này. Mặc dù phải tiêu xài tiết kiệm một tí, nhưng đón nhận nỗi mất mát chỉ bằng tâm thế đau khổ thì càng thấy mất mát nhiều hơn.
2. Hồi đầu tháng mười, con chú trở về nhà trong mong mỏi của chú và thím, thành phố mở chốt cho dân lao động hồi hương. Chị cùng chồng, đứa nhỏ một tuổi rưỡi cuốn hết đồ đạc, chất đầy trên chiếc xe cũ từ cổ cho tới yên xe.
Cũng không lạ gì, có hàng lũ lượt người nối nhau như thế, cũng lỉnh kỉnh đồ đạc như chiếc xe của vợ chồng chị. Dịch ở đâu cũng khổ, nhưng về nhà vẫn có niềm an ủi hơn. Chú nói: "Có rau ăn rau, cháo ăn cháo, có hột vịt ăn hột vịt".
Suốt mấy tháng đầu Sài Gòn bùng dịch, công nhân bị chôn chân trong phòng trọ. Không có đồng vô mà chỉ toàn đồng ra. Cầm cự hết ngày này sang ngày khác, số tiền được Nhà nước và nhà hảo tâm hỗ trợ chỉ đỡ được phần nào.
Ở quê, ra đồng bắt ốc luộc rau vậy mà rồi bữa. Chị về ngay khi nghe tin được về, mắt nắm vào đuôi xe trước mà đi, lũ lượt người nối nhau suốt chặng đường hàng trăm cây số.
Nên Tết này chị về sớm hơn mấy tháng để tránh dịch. Mọi năm thường đến cận ngày giao thừa chị mới có mặt ở nhà, mấy ngày tăng ca dịp Tết kiếm được nhiều tiền hơn ngày thường nên tranh thủ.
Cắc củm từng đồng xu mà lần này về chẳng có bao nhiêu trong túi. Nhớ những năm trước, cây mai chỉ do một mình thím lặt lá, nhà cửa cũng một tay thím dọn dẹp. Thím ở với bà, Tết này bà bảy mươi tuổi. Năm nay chị sẽ phụ thím làm những công việc này.
Nhà chú không phải khá giả mấy (nếu khá giả ai lại chọn kiếp tha phương). Trở về trong ngôi nhà nhỏ, ai cũng mừng. Những ngày dịch giã thập thò mọi ngóc ngách, chẳng biết đâu mà lần, gặp được nhau thế này hạnh phúc biết mấy. Chị dạy đứa nhỏ gọi ngoại, thím tôi sắp khóc tới nơi!
3. Tôi đứng bên nhà mình nhìn sang nhà chú, hình dung về một cái Tết đang gần. Tổ ấm ấy sẽ vui lắm, hơn mọi lần Tết đã từng ghé ngang qua, không chừng. Năm này có đủ mặt mọi thành viên, mỗi người một việc, hùn đút vào cho một cái Tết trọn vẹn nhất.
Đầu chạp, chú và chồng chị sẽ thay lại những tấm ngói bị vỡ, dựng lại mấy cây cột cặm ở chái bếp mọt đục đã mục như giấy. Tới khoảng rằm, chiều chiều thím với chị sẽ hái lá mai, đứa nhỏ chạy tung tăng trong khoảng sân trước nhà. Bộ lư đồng được mang xuống, bà ngồi chỉ việc trên võng còn chú ra sức kỳ cọ cho sáng bóng…
Những nhánh mai trên sân nhà chú vẫn vươn mình từng ngày, chờ lúc Tết để thỏa sức khoe cánh hoa vàng đượm. Dịch giã cách mấy cũng không thể ngăn được những chồi nụ bung tỏa, mùa sang đang gần.
Giữa những cơn gió bấc lạnh run, như một tín hiệu được gửi đến, không hiểu sao tôi lại thấy lòng mình ấm áp đến lạ. Nhưng có một điều mà tôi chắc chắn, rằng dịch không thể giết chết được một mùa xuân!
Đồ họa: NGỌC THÀNH
TTO - Ngày gió heo may, chị gọi từ Sài Gòn: "Em ơi, đi được rồi. Mai chị đưa ba về quê". Thương chị! Ba chị là bác ruột mình. Bác mất giữa những ngày Sài Gòn căng thẳng trong cơn đại dịch COVID-19.
Xem thêm: mth.79601150121211202-naux-aum-tom-coud-tehc-teig-eht-gnohk-hcid/nv.ertiout