Là một trong những hình thức cung cấp nội dung phổ biến và tạo ra nhiều ảnh hưởng trên mạng xã hội hiện nay, livestream (phát video trực tuyến) được dành khá nhiều nội dung tại dự tháo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP.
Một trong những điểm quan trọng trong quản lý hoạt động livestream là tính chính danh của người thực hiện.
Dự thảo Nghị định nêu rõ: Chỉ các mạng xã hội (trong nước) đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội mới được cung cấp dịch vụ phát video trực tuyến (livestream) hoặc cung cấp các hoạt động có phát sinh doanh thu dưới mọi hình thức.
Các mạng xã hội có số lượng người truy cập thường xuyên thấp có thể xin cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội nếu có nhu cầu cung cấp dịch vụ phát video trực truyến (livestream) hoặc các hoạt động có phát sinh doanh thu.
Chỉ những người sử dụng đã cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin cá nhân theo quy định mới được cung cấp thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội;
Đối với các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin qua biên giới dưới hình thức mạng xã hội thì: Các tài khoản, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng, kênh nội dung trên mạng xã hội cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam có lượng người theo dõi/đăng ký lớn hoặc có hoạt động phát sinh doanh thu dưới mọi hình thức phải thực hiện thông báo thông tin liên hệ với Bộ Thông tin và Truyền thông
Chỉ cho phép các tài khoản, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng, kênh nội dung đã thông báo thông tin liên hệ với Bộ Thông tin và Truyền thông mới được tham gia cung cấp hoạt động có phát sinh doanh thu dưới mọi hình thức (không bao gồm hoạt động thương mại điện tử).
Về quản lý nội dung livestream, dự thảo Nghị định yêu cầu các tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung vi phạm chậm nhất là 03 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông đối với video phát trực tuyến (livestream).
Các mạng xã hội trong nước cũng được yêu cầu “Có giải pháp kiểm duyệt nội dung đăng tải trên mạng xã hội và cơ chế phối hợp để ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung vi phạm pháp luật theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông và cơ quan chức năng có thẩm quyền; có biện pháp tạm khóa có thời hạn hoặc khóa vĩnh viễn các tài khoản, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng, kênh nội dung thường xuyên cung cấp thông tin vi phạm pháp luật”.
Xem thêm: odl.220489-uht-hnaod-hnis-tahp-uv-hcid-maertsevil-tahc-yl-nauq/et-hnik/nv.gnodoal