Chung cư 42 Nguyễn Huệ xưa cũ nhưng vẫn lấp lánh màu sắc như khối rubik - Ảnh: LÊ VÂN
Màu thời gian ở "căn hộ lỗ cáo"
Sau bức hình gây bão trên kênh National Geographic, chung cư ở nơi "đắt giá như kim cương" số 42 Nguyễn Huệ còn là tâm điểm chú ý của những ai mê xê dịch trên toàn thế giới. "6 tháng thành phố giãn cách vì dịch, chung cư này trở nên im ắng đến hiu hắt. Giờ lại nhộn nhịp người ra vô, đục đẽo sửa chữa quán để chuẩn bị buôn bán rồi" - anh giữ xe ở cổng chung cư 42 Nguyễn Huệ hào hứng nói.
"Tại TP,HCM, một tòa chung cư cũ 9 tầng được biến thành nơi tập trung các quán cà phê, nhà hàng và không gian làm việc chung. Nó thú vị thật sự!" - lời nhận xét của nhiếp ảnh gia Samsara Tran được National Geographic, kênh truyền hình nổi tiếng của Mỹ, đăng chính thức lên fanpage khiến giới nhiếp ảnh thế giới trầm trồ vì sự sáng tạo của người Việt ở chung cư 42 Nguyễn Huệ.
Trước đó, chung cư 42 Nguyễn Huệ đã từng xuất hiện trong cuốn tự họa hồi ký của tác giả Marcelino Trương, một người Pháp có cha Việt, mẹ Pháp. Cuốn truyện tranh của ông Marcelino Trương có tên Such a lovely little War, Sài Gòn 1961 - 1963. Khi tác giả còn nhỏ từng sống ở chung cư 42 Nguyễn Huệ, cha ông Marcelino Trương được biết đến như một ông cố vấn của chính quyền Ngô Đình Diệm. Và theo lời kể của những cư dân ở đây, chung cư này trước năm 1975 là nơi làm việc và cư trú của quan chức cấp cao.
Chung cư 42 Nguyễn Huệ gây sửng sốt cho nhiều báo Tây khi giữa khu "đất kim cương" của TP.HCM vẫn còn một nơi chốn đầy hoài niệm. Nhưng dân cư ở đây còn sửng sốt hơn với những thăng trầm lịch sử của chung cư này suốt hơn 50 năm qua. Giá 1m2 đất ở chung cư đến nay theo bà con nhẩm tính đã leo thang từ vài trăm triệu đồng lên đến hơn 1 tỉ đồng. Số phận nó sẽ ra sao trong những năm tới cũng là một bí ẩn gây tò mò ngay với chính cư dân đang sống ở đây.
Một ngày đầu tháng 12, khi lang thang trong những tầng lầu của chung cư 42 Nguyễn Huệ, tôi tình cờ gặp một "cố nhân" của Sài Gòn xưa đã ở đây hơn 30 năm. Ở ngay lối đi của cầu thang từ tầng 7 lên tầng 8, tôi gặp bà Nguyễn Thị Để, 73 tuổi, cư dân chung cư hiện đang ở "căn hộ lỗ cáo" ngay tại góc cua của cầu thang bộ. Căn hộ của bà Để không có số vì đó vốn là cái kho của chung cư trước kia. Bà gọi là "căn hộ lỗ cáo" vì nó có những lỗ thông gió mà bà gọi là "lỗ cáo" ở căn phòng chỉ rộng chưa tới... 5m2.
"Thế mà 5 mẹ con tôi ở đây đã hơn 30 năm rồi đó, giờ tuy chỉ còn bà già này ở nhưng phòng này "ngon" lắm nghe, khối người muốn kiếm chuyện cho bà đi đó..." - bà Để kể và tâm sự thêm "khúc cua" của đời mình: "Đời có ai ngờ được gì đâu, trước năm 1975 bà ở villa cả ngàn mét vuông đường Nguyễn Bỉnh Khiêm ấy. Sau người ta bỏ đất, bỏ nhà đi vượt biên, chồng bà cũng đi rồi mất tích từ đó tới giờ. Còn 5 mẹ con bà thì lênh đênh mãi trên cạn từ ấy tới nay...". Câu chuyện ngắt quãng vì bà Để phải khép cửa căn phòng ở góc cầu thang lại, lấy đường cho khách Tây đi xuống mấy quán cà phê đang xập xình nhạc ở tầng dưới. Bà cụ cao tuổi leo lên căn gác gỗ ở "căn hộ lỗ cáo" đi ngủ. Tổ ấm của bà giờ chỉ còn mình bà vì con cháu đều có gia đình và ở riêng.
Niềm vui tuổi già mà bà Để chia sẻ là giờ dịch đỡ hơn, bà sắp quay lại bán nước dưới chung cư, ngay mặt tiền đường Nguyễn Huệ nên cũng đỡ lắm. Đó là cần câu cơm mưu sinh của bà ở tuổi bóng xế vẫn chưa nguôi mộng tưởng đoàn tụ cùng người chồng đã lưu lạc suốt mấy chục năm nay.
Bà Để với căn phòng chưa tới 5 mét vuông ở chung cư 42 Nguyễn Huệ - Ảnh: LÊ VÂN
Sự hấp dẫn kỳ lạ qua 2 thế kỷ
Không chỉ hấp dẫn như một "đặc sản" khó quên của thành phố, chung cư 42 Nguyễn Huệ còn khiến nhiều cư dân về đây rồi dù ăn nên làm ra có nhà đất khắp nơi, vẫn không thể rời đi. Cô Ngô Thị Thanh Tần, 60 tuổi, phó ban quản trị chung cư, là một người gắn bó với chung cư này đã lâu. Cô Tần quê Thanh Hóa, về chung cư này từ năm 1980, và hồi xưa làm thủ quỹ một phân xưởng của Cảng Ba Son.
Trước năm 2015 chung cư này cũ và không đẹp như bây giờ. Đứng từ dưới đường Nguyễn Huệ nhìn lên, chỉ thấy tòa nhà tông màu xám đơn điệu, bên trong nhiều góc hơi u ám. Đến khi có phố đi bộ, hàng loạt quán xá mở ra tại đây đã khoác màu áo mới cho chung cư cũ. "Trước cư dân chủ yếu đi thang bộ vì thang máy từ trước 1975 xập xệ quá không ai dám đi. Nước nôi có khi xách từ trên lầu xuống dưới hay xách ngược lên hằng ngày là bình thường. Rồi chúng tôi cho một đơn vị thầu làm thang máy khi cư dân bắt đầu cho thuê nhà làm quán xá, cũng hơn 5 năm rồi" - cô Tần chia sẻ.
Sự hấp dẫn của chung cư này với cô Tần có lẽ là do cô đã xem căn hộ 40m2 của mình như quê hương. Nhà cô có 6 anh em thì 5 người vào TP.HCM. Ngay ở chung cư này, cô còn có 2 người em ruột ở các căn hộ lô khác. Tuy cô Tần có 2 người con, có nhiều nhà từ quận 7, Cần Giờ, Bảo Lộc, nhưng vẫn chọn ở lại chung cư này để gần chị em ruột và chăm mẹ già. Cô chia sẻ: "Trước tôi cũng về quận 7 ở với con cháu được 2 năm, nhưng sau lại về đây vì đi nhiều nơi chỉ thấy ở đây là thích nhất. Tôi còn hoạt động dân phố, làm công tác bên phường vui lắm. Về quận 7 thấy buồn. Tuy gần con cháu thì vui mà về 2 năm tôi xuống ký, bị stress. Vì con tôi ở khu căn hộ cao cấp, chỉ có Tây không à, tôi thì không biết tiếng Anh tiếng U gì, không tiếp xúc với ai, chỉ ở trong nhà nên hai vợ chồng chán quá, lại dọn về đây, dù bình thường cho thuê được mấy chục triệu mỗi tháng cũng đỡ lắm".
Chung cư 42 Nguyễn Huệ có 3 lô. Lô A phía trước nhìn ra Nguyễn Huệ, lô B nhìn đường Mạc Thị Bưởi, lô C nhìn ra Đồng Khởi. Cả chung cư có 100 căn hộ từ 20m2 - 114m2, nhưng cư dân gốc ở đây chỉ còn gần 30 hộ với khoảng 80 nhân khẩu. Mỗi lầu của mỗi lô có 3 căn hộ. Căn hộ lô A là khu công ty - văn phòng thời Pháp, Mỹ, lô B là nơi ở của quan chức trước năm 1975, lô C là khu bếp. Sau năm 1975, chung cư được giao lại cho các sở ban ngành, khi cư dân về ở thì cơi nới, cải tạo thành từng căn hộ riêng biệt.
Cô Tần kể: "Người cũ trước 1975 giờ đi hết rồi, chỉ còn tụi cô là ở lâu nhất. Bữa có ông cụ 99 tuổi ở chung cư, có lẽ cư dân trước 1975 mới mất. Còn lại phải hơn 70 căn hộ đều cho thuê làm quán xá, công ty cho tụi trẻ làm việc gọi là văn phòng làm chung gì ấy".
Chung cư 42 Nguyễn Huệ hôm nay trở thành tòa nhà nhỏ bé nhất ở "phố kim cương" giữa trung tâm bên cạnh những tòa nhà cao ngất. Tòa nhà xưa cũ được xây dựng qua 60 năm đầy biến động của Sài Gòn - TP.HCM vẫn lấp lánh như khối rubik nhiều màu sắc giữa phố đi bộ hoa lệ và sẽ mãi khó quên với du khách khi ghé thăm...
"Lòng tốt là thứ ngôn ngữ mà người điếc có thể nghe và người mù có thể thấy" - chị Chung Ngọc, 46 tuổi, ở chung cư Lão Tử xưa cũ, kể lời mẹ dạy.
Kỳ tới: Chốn xưa trăm tuổi ở khu Chợ Lớn
TTO - Ở chung cư Tôn Thất Đạm xưa cũ 3 thế kỷ hôm nay chỉ còn bà Ba Kia đã 98 tuổi là 'cố nhân' hiu hắt ở lại.