Hoàng Hải Thu (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, chưa kết thúc năm 2021 nhưng tổng số tiền giao dịch bất động sản của nhà đầu tư này đã lên tới hơn 50 tỷ đồng. Khoảng thời gian bùng phát dịch kéo dài không làm suy giảm đi tâm lý "săn" hàng của Thu. Trái lại, ngay sau khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, Thu đã bắt đầu thăm dò thị trường, lên hàng loạt kế hoạch tìm hàng mới, lựa chọn sản phẩm có khả năng sinh lời tốt.
Cũng không bỏ lỡ cơ hội đầu tư, từ nửa giữa tháng 10 đến nay, anh Hữu Tiến (Hoàng Mai, Hà Nội) tấp nập với loạt các giao dịch. Không chỉ đẩy bớt hàng cũ ra, anh Tiến đi khảo sát thị trường liên tục.
"Tôi đang ôm ít hàng, đợi chờ thị trường sẽ nóng mạnh vào giai đoạn sau Tết Nguyên Đán. Với tình hình hiện tại, tôi nghĩ, năm 2022, bất động sản sẽ rất tốt. Đây là cơ hội cho các nhà đầu tư", anh Tiến chia sẻ.
Sự lạc quan vào thị trường bất động sản 2022 của nhiều nhà đầu tư ngay cả trong bối cảnh dịch bệnh có thể bùng phát trở lại trước biến chủng mới là điều dễ hiểu. Theo nhiều chuyên gia, thị trường địa ốc đang có nhiều xung lực tốt cho kịch bản lạc quan năm 2022.
Các chuyên gia cho rằng, 2022 sẽ là năm đầu tư công được đẩy mạnh. Quá trình giải ngân tiền cho các dự án hạ tầng sẽ được đẩy nhanh và mạnh hơn nhằm hoàn thiện hệ thống đường, cao tốc. Khi hạ tầng được triển khai và hoàn thiện, giao thông trở nên thuận lợi thì việc đi lại trở nên dễ dàng. Giá bất động sản tăng là điều tất yếu. Các nhà đầu tư sẽ đổ bộ vào nơi có quy hoạch mới về dự án, đường xá.
TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra thị trường bất động sản đang có nhiều xung lực tốt.
Theo ông Phong, đầu tiên, Việt Nam đang và sẽ triển khai quyết liệt và thành công chiến lược bao phủ diện rộng tiêm vắc-xin để đạt miễn dịch cộng đồng vào đầu năm 2022. Đây chính là điều kiện quan trọng bậc nhất để giúp nhiều hoạt động kinh tế nói chung, sự cải thiện dòng vốn cho thị trường bất động sản nói riêng, dần hồi phục và tăng trưởng mạnh mẽ trở lạị ngay từ quý IV/2021 và cả năm 2022.
Mặt khác, tâm lý chờ đợi sẽ vẫn khá đậm trong cộng đồng nhà đầu tư nhưng khách hàng vẫn sẽ kỳ vọng và gửi niềm tin vào các dự án được quản lý bởi các thương hiệu vận hành quốc tế có uy tín.
"Đặc biệt, các doanh nghiệp, nhà đầu tư càng chịu nhiều tác động bởi dịch Covid-19 thì tâm lý muốn quay trở lại tái hồi phục và phát triển càng lớn. Vì vậy, năm 2022 chính là năm có nhiều xung lực cho sự phát triển của thị trường bất động sản", ông Phong nói.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn nhận định, thế mạnh của bất động sản Việt Nam là nhu cầu về nhà ở, về giao dịch mua bán trong dân vẫn rất lớn, không hề suy giảm vì dịch bệnh.
Theo ông Quốc Anh, trong thời điểm dịch bệnh, do việc hạn chế di chuyển và tiếp xúc nên các hoạt động mua bán nhà đất bị đình trệ tạm thời, dòng tiền có xu hướng chuyển dịch sang kênh chứng khoán. Tuy nhiên kết thúc giãn cách, một lượng lớn tiền không nhỏ rút từ các lĩnh vực khác đang có xu hướng đổ vào bất động sản để tìm cơ hội đầu tư.
"Dù kinh tế khó khăn nhưng nhu cầu nhà ở vẫn luôn cao, nhất là trong tình hình dịch bệnh, người dân càng mong muốn sở hữu một ngôi nhà riêng an toàn. Điều này sẽ tiếp tục là tiền để để thị trường bất động sản thu hút dòng vốn lớn từ trong dân", ông Quốc Anh nhấn mạnh.
Việt Khoa
Nhịp sống kinh tế