Ảnh tác giả cung cấp
Má thì vừa ý lắm, ông đi đâu mà có kèm theo đứa con gái rượu thì chẳng thể có "mèo" theo đuổi được.
Hai cha con trên chiếc "ếch bà" lượn một vòng theo "đường xưa lối cũ", từ đường Pasteur theo chiều rẽ tay trái sang Lê Thánh Tôn, chạy chầm chậm qua đường Hàm Nghi thẳng hướng cột cờ Thủ Ngữ, rồi chạy dọc đường bờ sông Sài Gòn, ngắm những chiến thuyền đậu ở phân xưởng Ba Son, rẽ tay trái ngang qua khu nhà Nguyện, rồi bọc xuống thẳng hướng dinh, đảo vòng quanh hồ Con Rùa, rồi lại thẳng hướng nhà thờ Đức Bà về lại đường Catina, lại rẽ vào đường Lê Thánh Tôn về nhà...
Nhiều khi trời nóng quá thì ba lái xe đánh vòng xa hơn, đi tuốt lên Sở thú, thậm chí đi qua cả cầu Calmette hướng Tân Thuận... để hóng gió sông mát rượi sau những giờ làm việc mệt mỏi.
Đứa con gái ba, bốn tuổi ấy là tôi.
1. Giờ nhìn ảnh ba tôi trên bàn thờ, tôi rưng rưng nhớ lại kỷ niệm xưa đầu đời trong vòng tay bảo bọc ấm êm của cha mẹ và tự trách mình bất hiếu. Đúng y như câu người ta nói "cha mẹ nuôi mười con nhưng mười con không nuôi nổi cha mẹ".
Nhưng, nước mắt bao giờ cũng chảy xuống, bao nhiêu năm lo cho chồng, cho con, vì đời sống phải cạnh tranh vất vả, tôi đã không thể về thăm cha mẹ ở quê nhà trong một thời gian rất dài, lúc cha mẹ cần đến tôi.
Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng, mà đứa con gái ấy bỏ cha bỏ mẹ đi xa khi còn chưa đến tuổi trưởng thành, khi ấy là 21 tuổi. Ngày tôi đi, thời ấy phi trường Tân Sơn Nhất còn rất nhỏ, máy bay đậu ngang trước nhà hành khách, mọi người lục tục tay xách nách mang đi bộ ra sân, leo cầu thang lên máy bay.
Lúc cánh cửa máy bay đóng lại, trước mặt là không khí mát rượi trên máy bay, sau lưng là cái nóng hầm hập của Sài Gòn buổi trưa, tôi không biết là ba tôi đã té xỉu vì ông mất đứa con gái.
Má tôi không khóc, nhưng cũng buồn và lo lắm. Bây giờ làm mẹ, tôi mới hiểu được sự mất mát đó của cha mẹ. Không gì bằng được một gia đình quây quần với nhau, có mắm ăn mắm có muối ăn muối, không chia rẽ, không chia cắt.
2. Nạn dịch COVID-19 từ năm 2019 đến giờ làm cho tôi sống lại không khí "chiến tranh" chia cắt. Đời sống kinh tế sống lại dần dần, chậm chạp vì dân chúng thiếu thu nhập, thất nghiệp.
Mùa Noel đã bắt đầu từ giữa tháng 11 trong các siêu thị, chocolate chất đống, đồ chơi trẻ con chất đống, quần áo chất đống... Người mua thì ít, những tháng cuối năm cũng là những tháng đóng cho đủ tất cả các loại thuế, cái gánh nặng cơm áo gạo tiền cũng đè lên con người ở đây chẳng còn sức để tiêu thụ.
Những chợ phiên đặc biệt Noel ở những thành phố lớn, nổi tiếng thì thu hút người đông đảo đến chơi, xem chợ xem người. Giờ nếu mà thêm một đợt cách ly toàn diện xã hội nữa thì nước Pháp cũng phải oằn mình, kêu ca thêm.
Ba đợt cách ly toàn diện xã hội đã qua ở Pháp kéo dài cả tháng và những biện pháp cứng rắn vì dịch còn kéo dài đến tháng 7-2021 làm cho con người bị tổn thương tâm lý mạnh, một điều mà chưa thấy ai nói đến.
Mùa đông ở đây đã về từ lâu, năm nay lạnh và ẩm ướt hơn những năm trước, trời chỉ sáng đục vì sương và mưa từ 9 giờ sáng đến 4, 5 giờ chiều, càng làm cho tâm hồn con người âm u hơn, thèm có được cái nắng nóng chói chang buổi trưa ở quê nhà để tắm trong nắng.
Người ở nhà thì sợ nắng muốn chết. Ngang qua những cánh rừng thưa đầu mùa đông không có nắng chỉ là một màu đỏ úa trong sương xám, những cây có lá vàng thì đã rụng hết lá. Người già, người bệnh... đều sợ xe cứu thương đến tận cửa, vì biết rằng một đi không về.
Những người già bị cô lập trong nhà, hay trong viện dưỡng lão không ai đến thăm. Những cái chết cô đơn, những đám tang vội vã không bạn bè, hoặc đông đủ cả người thân đưa tiễn... những điều ấy đánh mạnh vào trái tim đau đớn của người còn ở lại.
3. Tin tức trên truyền thông về bệnh dịch đọc không hết, cả chiều thuận lẫn chiều không thuận, chia rẽ thêm sâu sắc trong từng gia đình. Tôi cảm nhận cái khái niệm chiến tranh trên một quốc gia châu Âu đã có hòa bình từ năm 1945 được thể hiện trước nhất là sự chia cắt với thế giới và chia rẽ trong dân chúng.
Ở đây, nhà ai biết nhà nấy, tình hàng xóm láng giềng nếu có thì cũng chỉ hạn chế, chừng mực trong giao tiếp xã giao, không có cái lộc xộc xông tơ tới vào nhà, ồn ào chuyện làng trên xóm dưới, hay chia miếng cơm miếng canh bầu bí thương nhau, giúp đỡ nhau cho qua nạn dịch như ở Việt Nam.
Người châu Âu giữ thể diện cho mình bằng cách đóng cửa nhà, bên mình thì cửa nhà không bao giờ đóng.
Cùng với Noel ở đây là mùa Tết ở nhà cũng đã gần kề, nhưng hy vọng được về ăn Tết Nhâm Dần 2022 của vợ chồng tôi thì chưa tới. Tết ở đây chỉ là hai cái bánh chưng và hai ba quả xoài mua vội trong một siêu thị ở Paris, năm nào cũng như năm ấy, nếu tôi không về thăm nhà.
Và nỗi nhớ nhà của tôi thì hiện lên bằng hình ảnh của những con đường, góc phố, làng xóm, những cây me, cây bưởi, cây dừa... những khuôn mặt người quen, bè bạn, người thân, những kỷ niệm thời thơ ấu, những chuyến du lịch thăm đất nước.
Quê hương chỉ là chừng ấy cụ thể, tưởng chừng như chỉ là những hình ảnh cưỡi ngựa xem hoa, mà sao tình cảm ấy lại bàng bạc da diết thấm sâu tận đáy tâm hồn.
Nhìn những cánh máy bay đang lên ở phi trường Charles De Gaulle gần nhà, tôi như muốn mọc cánh bay theo, ước ao được về thăm lại quê hương một lần nữa. Kẻo trễ!
Đồ họa: NGỌC THÀNH
TTO - Ngày gió heo may, chị gọi từ Sài Gòn: "Em ơi, đi được rồi. Mai chị đưa ba về quê". Thương chị! Ba chị là bác ruột mình. Bác mất giữa những ngày Sài Gòn căng thẳng trong cơn đại dịch COVID-19.
Xem thêm: mth.10164801121211202-ev-yab-hnac-pahc-om-iot/nv.ertiout