Ngoại trưởng các nước G7 và Cao ủy EU phụ trách đối ngoại và an ninh Josep Borrell Fontelles chụp ảnh gia đình tại Liverpool, Anh ngày 11-12 - Ảnh: REUTERS
Ngoài các nhà ngoại giao hàng đầu của Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Mỹ cũng như Liên minh châu Âu (EU), ngoại trưởng một số nước thành viên ASEAN và 4 nước Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ, Nam Phi cũng được mời dự hội nghị diễn ra trong hai ngày 11 và 12-12.
Cú ngả về châu Á
Hội nghị ngoại trưởng G7 lần này chứng kiến một cột mốc mới: lần đầu tiên ngoại trưởng các nước ASEAN, trừ Myanmar, tham gia thảo luận với các ngoại trưởng G7 trong phiên họp ngày 12-12. Họ thảo luận về nhiều vấn đề như vắc xin ngừa COVID-19, tài chính, bình đẳng giới...
Nhật báo The National của Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) bình luận hội nghị ngoại trưởng G7 ở Liverpool là nơi chứa "những khát vọng phương Đông" của Anh. Văn phòng Đối ngoại Anh cho biết việc Anh mời các ngoại trưởng ASEAN dự cuộc họp với các ngoại trưởng G7 phản ánh "nước Anh ngày càng ngả về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".
Ngoại trưởng Anh Liz Truss đã thể hiện sự quan tâm rõ ràng của bà đến châu Á. Trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị ngoại trưởng Anh vừa qua, bà đã đề cập đến các quốc gia ASEAN hai lần. Bà muốn các bên liên quan "xây dựng một mạng lưới tự do trên toàn thế giới nhằm thúc đẩy tự do, dân chủ và khuyến khích các quốc gia có cùng chí hướng hợp tác với nhau".
Trong năm nay, Anh đã trở thành đối tác đối thoại thứ 11 của ASEAN. Ngoài ra, ASEAN và Anh có quan hệ thương mại lâu đời, với thương mại hai chiều năm 2018 lên tới 52 tỉ USD. Hơn 3 triệu công dân Anh đến ASEAN mỗi năm, có hơn 40.000 sinh viên từ ASEAN đang học tập tại Anh.
Theo trang Foreign Brief, việc một số ngoại trưởng ASEAN được mời tham dự hội nghị ngoại trưởng G7 cho thấy nỗ lực nhằm xây dựng mối quan hệ kinh tế, chính trị và quốc phòng bền chặt hơn giữa các nước G7 và các quốc gia Đông Nam Á.
Đây cũng có thể là động thái ngoại giao để xoa dịu Indonesia và Malaysia - những quốc gia vốn chỉ trích quan hệ đối tác an ninh mới giữa Úc - Anh - Mỹ (AUKUS).
Tuy nhiên, bên cạnh những nhận định tích cực liên quan động thái này, cũng có một số lo ngại. Theo báo The Guardian, Trung Quốc có thể coi việc mời các nước ASEAN dự hội nghị ngoại trưởng G7 là nỗ lực nhằm khiến ASEAN ủng hộ AUKUS và đưa ra cách tiếp cận quân sự cứng rắn hơn với Trung Quốc.
Cú nghiêng (về châu Á) của Anh là một cú nghiêng chính trị, chứ không phải thứ gì khác. Họ muốn tạo ra các cuộc đối thoại tốt đẹp hơn với các quốc gia châu Á quan trọng.
Giáo sư Michael Clarke - Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) - nhận định, đồng thời cho rằng Anh cũng đang tìm cách đối phó ảnh hưởng của Trung Quốc.
Bàn nhiều vấn đề nóng
Theo Hãng tin AP, tình hình căng thẳng ở biên giới Nga - Ukraine là vấn đề thống trị các cuộc thảo luận của các ngoại trưởng G7. Một quan chức cấp cao Mỹ tham gia các cuộc thảo luận của G7 vào hôm 11-12 cho biết các ngoại trưởng G7 đều cho thấy "mối quan tâm cực độ" về những diễn biến ở biên giới Nga - Ukraine.
Quan chức này thông tin các ngoại trưởng G7 nhất trí rằng nếu Nga tấn công Ukraine, G7 sẽ có phản ứng khiến Nga chịu "hậu quả to lớn và những cái giá nghiêm trọng". Các ngoại trưởng nhóm G7 đã thúc giục Nga quay trở lại bàn đàm phán.
Tuy nhiên, trước đó Nga đã bác bỏ cáo buộc của phương Tây về việc có ý định tấn công Ukraine, đồng thời cảnh báo NATO đang bành trướng về phía đông. Matxcơva cho rằng Mỹ và Ukraine mới là các bên có hành vi gây bất ổn.
Ngoài tình hình biên giới Nga - Ukraine, các hoạt động "phô trương cơ bắp" của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cùng những vấn đề khác liên quan Bắc Kinh, và thỏa thuận hạt nhân Iran cũng nằm trong chương trình nghị sự. Bên cạnh đó là biến đổi khí hậu, các vấn đề phát triển, căng thẳng ở khu vực tây Balkan, Afghanistan và Triều Tiên...
Hôm 12-12, Ngoại trưởng Anh Liz Truss cho biết các nước G7 quan ngại về những chính sách kinh tế mang tính "ép buộc" của Trung Quốc. Bà Liz Truss cũng cho biết việc nối lại các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân Iran là "cơ hội cuối cùng" để Iran đưa ra lập trường "nghiêm túc".
TTO - Chiều 12-12, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dự Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN - G7 theo hình thức trực tuyến.
Xem thêm: mth.52771751131211202-7g-pac-gnod-gnuc-poh-ud-naesa-gnourt-iaogn-cac-oas-iv/nv.ertiout