Được "Tổ độ", thu nhập khoảng 70 triệu tháng
Nghĩ đến nghề ve chai, đa phần người ta đều hình dung đó là một nghề cực khổ, thích hợp với những người lớn tuổi không có sức lao động, không có cơ hội phát triển... Nói cách khác, nó thuộc về nghề bị coi là "kém sang". Nhưng với Nguyễn Vạn Tiến thì khác.
Anh tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn (STU) năm 2014 và đã có hơn 9 năm gắn bó với nghề ve chai. Điều đặc biệt là, khác với những chủ vựa ve chai khác, Tiến mở công ty, đặt tên thương hiệu, lập fanpage, nhân viên mặc đồng phục có logo của công ty. Đó là cách Tiến nghiêm túc và trân trọng nghề nghiệp của mình.
Chân dung Nguyễn Vạn Tiến - cử nhân đi nhặt ve chai.
Phần lớn người Sài Gòn không biết Tiến là ai, nhưng công ty "Ve chai chú Hỏa" đã trở nên quen thuộc với nhiều người. Tiến tiết lộ, từ khi ấp ủ ý tưởng mở công ty, Tiến đã nghĩ nhiều cái tên và cuối cùng lấy tên chú Hỏa - người được coi là ông tổ của nghề ve chai ở Việt Nam.
"Chú Hỏa" là tên thân mật của tỷ phú Hui Bon Hoa - một đại phú gia trước năm 1975 tại Sài Gòn. Ông khởi nghiệp với nghề kinh doanh phế liệu, và chỉ trong 10 năm đã trở thành một người giàu có bậc nhất Sài Gòn. "Những cô chú thế hệ trước, nghe đến tên "chú Hỏa" là hiểu luôn, à thằng này (Tiến - PV) nó thu mua ve chai." - Tiến cho hay.
Không biết có phải do cái tên vinh danh tổ nghề và được Tổ thương, Tổ độ hay không, công ty của Tiến với thương hiệu "Ve chai chú Hỏa" đã phát triển khá ổn định, có hơn 200 đối tác thân thiết lớn, nhỏ. Thu nhập sau khi trừ thuế, lương nhân viên và các chi phí khác của Tiến khoảng 70 triệu đồng/tháng. Con số này không quá lớn, nhưng cũng là một mức lương mà nhiều dân văn phòng ao ước.
Tiến rất nghiêm túc với công ty, công việc của mình.
Điều quan trọng là, Tiến không bao giờ lo mình và các đối tác ế việc. Chỉ cần người dân gọi điện, nhóm của Tiên sẽ đến tận nhà để lấy và trả tiền mua ve chai chứ không vận động quyên góp hay ủng hộ.
Đặc biệt hơn, Tiến luôn trích 20% trong tổng doanh thu để làm công tác bảo vệ môi trường. "Bạn cứ tưởng tượng, 1/5 tổng doanh thu của một công ty nó lớn đến thế nào. Nhưng tôi tin rằng, trong nghề của mình, điều đó là cần thiết. Chúng tôi sử dụng nguồn tiền đó cho việc tuyên truyền, hướng dẫn khách hàng phân loại rác tại nguồn và chương trình đổi rác lấy quà.
Bình thường, người dân sẽ đợi người thu gom ve chai đi ngang, vẫy vào gọi mua. Còn chúng tôi tìm cách để họ chủ động thu gom mẻ lớn và mang đến điểm đổi. Khi những túi rác được gửi tới, người dân sẽ được đổi rau xanh, cây xanh hoặc nhu yếu phẩm như gạo, mì gói, dầu ăn... Họ sẽ ý thức hơn về việc giữ lại rác có thể tái chế và sự "có giá" của rác.".
Một trong những điểm đổi rác lấy quà của "Ve chai chú Hỏa".
Sau gần 1 thập kỷ, Tiến chưa làm được gì quá vĩ đại, cũng chưa trở thành phú gia như ông tổ nghề mà anh ngưỡng mộ, nhưng những thành quả hiện tại cũng đủ để anh lạc quan. Tiến tin rằng anh được "Tổ ve chai" dẫn đường. Quan trọng là, anh khởi sự từ cộng đồng và sẽ phục vụ lại cộng đồng, vừa kinh doanh vừa bảo vệ môi trường.
Gia đình phản đối, từng khóc giữa núi rác hàng tấn
Nguyễn Vạn Tiến là cán bộ Đoàn của Quận 5, thành phố Hồ Chí Minh. Từ những năm tháng làm công tác Đoàn, anh đã làm quen với việc gom ve chai để gây quỹ cho trẻ em nghèo ở địa phương.
Khi đi học Đại học, anh đã tự nhủ khi ra trường sẽ làm chủ, mở công ty riêng chứ không làm thuê cho người ta. Suy nghĩ, đánh giá các ngành nghề và cân nhắc thiệt hơn, Tiến thấy nghề ve chai quá tốt, có nhiều vấn đề cần được giải quyết, thị trường rộng lớn, anh quyết tâm chọn và làm nghề.
Không có gì khó hiểu khi ba mẹ anh phản ứng rất dữ dội. Tiến nhớ lại những gian nan thuờ đầu khởi nghiệp: "Khó khăn đầu tiên mình gặp phải là vấp phải phản đối dữ dội của gia đình. Thực sự là không có cha mẹ nào muốn con mình tốt nghiệp Đại học xong lại lấy cân đi mua ve chai, nắng nôi cực khổ. Gia đình không muốn điều đó.
Thứ hai nữa là mình là tay ngang, gia đình không ai kinh doanh về lĩnh vực này. Để bước vào nghề này, mình phải có kinh nghiệm thu mua rất nhiều. Để tích lũy kinh nghiệm, kiến thức, chỉ có cách phải kiếm xe đẩy, đi thu mua ve chai như các cô chú lớn tuổi, hoặc phải vô vựa làm 1 - 2 năm làm giúp việc để tích lũy kinh nghiệm.
Cái khó thứ ba là vấn đề nhân sự. Giới trẻ không mặn mà gì với công việc này, có thể học thấy việc cực nhọc quá, dơ bẩn quá!".
Gia đình từng phản đối khi Tiến khởi nghiệp ve chai.
Anh kể, nhiều khi bế tắc khi phải vận chuyển hàng hóa đi xa, anh ngỏ lời nhờ hỗ trợ nhưng hay bị cằn nhằn. Thậm chí, có khi người nhà còn... xúi nhân viên của Tiến "đừng theo thằng này, nghề ve chai cực mà không có tương lai". Nhiều nhân viên của Tiến đến làm vì đam mê, đến rồi bỏ đi cũng nhiều, không mấy người gắn bó quá 2 năm.
"Những ngày khởi nghiệp ấy, mình gần như không có ai đồng hành ngoài vợ. Mình biết ơn cô ấy, nhớ mãi cảnh vợ đang mang bầu 4 - 5 tháng vẫn chấp nhận chở giúp mình mấy bao giấy to trên xe máy cũ.
Rồi cũng có những ngày tủi thân lắm vì hàng hóa nhiều, mình nằm gục ở ngoài trời luôn, tự hỏi tại sao mình theo con đường này trong khi không ai hỗ trợ. Có lần thu gom đồ kế hoạch nhỏ ở một trường tiểu học, mình đến lúc 8 giờ sáng thấy một núi rác ở đó. Tới 8 giờ tối mà chưa dọn dẹp xong, mình với bạn nhân viên chân chưa được chạm đất luôn.
Cảm giác bất lực đến phát khóc. Nhưng rồi mình lại nghĩ, không hiểu sao phải khóc khi mình đang đứng trên một núi tiền. Với người ta rác là đồ bỏ, nhưng với mình rác là tiền. Mình đã lỡ theo nghiệp này rồi, công việc của mình cũng đang dang dở, mình tạo cho nhân viên một lời hứa về tương lai. Thế là quyết tâm làm, đã chọn rồi phải cố mà theo." Tiến tâm sự.
Vượt qua những gian nan ban đầu, Tiến đã thuyết phục được ba mẹ chấp nhận nghề của mình.
Trong những năm gần đây, mô hình công ty được nhiều người biết và chú ý đến. Tiến là cán bộ đoàn nên các cơ quan ban ngành địa phương cũng có hỗ trợ cho phát triển công ty. Từ đó, gia đình Tiến cũng thay đổi cách nhìn về công việc của anh.
Với Tiến, đó là ghi nhận quan trọng, là động lực để anh tiếp tục. Bởi làm nghề gì không quan trọng, quan trọng là sự đầu tư tinh thần, trí tuệ vào việc đó. Khi ấy, giá trị chúng ta mang lại không thể đong đếm đơn thuần bằng tiền bạc nữa.
Theo Bích Chi
Doanh nghiệp và Tiếp thị