Một góc cảng container nước sâu Cái Mép - Thị Vải - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Một trong những điều kiện khách quan để các nhà đầu tư nước ngoài chọn Bà Rịa- Vũng Tàu làm "điểm đến" là bởi tỉnh vị trí thuận lợi, có cảng biển nước sâu lớn nhất VN và có hệ thống hạ tầng giao thông, điện, nước đồng bộ, thông suốt. Nhưng có một yếu tố chủ quan khác đặc biệt quan trọng là tỉnh này luôn xây dựng và hướng đến một môi trường đầu tư lành mạnh, thủ tục thông thoáng.
Chính quyền, các sở ngành chức năng luôn hỗ trợ và cùng với nhà đầu tư tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã bày tỏ cảm kích với lãnh đạo, chính quyền, ngành chức năng vì sự vào cuộc tháo gỡ cho họ trong quá trình đầu tư.
Điểm đến của những dự án bền vững, công nghệ cao
Nhìn lại quá khứ, khi Việt Nam bắt đầu mở cửa đón dòng vốn đầu tư nước ngoài thì Bà Rịa - Vũng Tàu là tỉnh có dự án liên doanh với nước ngoài từ năm 1991. Cũng từ đây, tỉnh này bắt đầu xây dựng và phát triển các khu công nghiệp (KCN) để đón những nhà đầu tư. Năm 1995-1996, những KCN tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã đi vào hoạt động.
Với những ưu thế, quan điểm về thu hút vốn đầu tư như đã nói ở trên, những KCN của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhanh chóng được lấp đầy. Những năm gần đây, "để lót ổ đón chim đại bàng" tỉnh này tiếp tục quy hoạch và cho phát triển xây dựng những KCN kiểu mới.
Hạ tầng giao thông trong các KCN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Đáng chú ý nhất, những năm qua, chủ trương thu hút đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thể hiện rõ quan điểm "phát triển bền vững". Đó là chỉ thu hút những dự án có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, có sức lan tỏa. Những dự án thâm dụng lao động, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ít được "chào đón".
Và chính từ việc có những dự án tạo ra sự thặng dư lớn, lan tỏa sâu rộng nên những năm gần đây, nguồn thu của Bà Rịa - Vũng Tàu không còn phụ thuộc quá lớn vào nguồn thu từ dầu khí. Sự "nhảy vọt" này, khác biệt này chính là kết quả của cả quá trình thu hút đầu tư.
Đáng chú ý, chủ trương và hành động nhất quán của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là thu hút đầu tư có chọn lọc, không thu hút tràn lan.
"Mục tiêu của tỉnh không phải tăng trưởng nóng mà là phát triển bền vững. Đó là câu giải thích tại sao, các KCN của Bà Rịa - Vũng Tàu chậm lấp đầy. Tại vì mục tiêu của tỉnh không phải lấp đầy KCN mà là thu hút có chọn lọc. Những dự án đã vô KCN của tỉnh phải đảm bảo những tiêu chí bền vững. Đó mới là quan trọng cho sự phát triển lâu dài. Tỉnh mong muốn sự vững chắc cho thế hệ sau này. Đó là làm sao, con cháu, thế hệ sau không phải trả giá vì sự phát triển theo kiểu không bền vững hôm nay", một lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chia sẻ.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm một nhà máy trong KCN Đông Xuyên vào năm 2015 - Ảnh: Đ.H
Tích cực tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư
Một lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, chủ trương của tỉnh là không thu hút dự án chất lượng kém mà không nổ lực thu hút dự án chất lượng cao thì sẽ không có nhà đầu tư nào đến với tỉnh. "Do đó, quan điểm của chúng tôi là bằng mọi giá phải thay đổi cách nghĩ, thay đổi cách làm để phục vụ doanh nghiệp tốt hơn, để DN tốt đến với Bà Rịa - Vũng Tàu" - lãnh đạo tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu nói.
Minh chứng của quan điểm trên là trong những năm qua, đã từng có nhiều cá nhân lãnh đạo của tỉnh phải đích thân đi thúc đẩy, đi gõ cửa làm việc với các cơ quan trung ương để triển khai nhanh các dự án lớn.
Điển hình là nhà máy sản xuất Polypropylene (PP) - Kho ngầm chứa khí hóa lỏng LPG tại thị xã Phú Mỹ của Công ty TNHH hóa chất Hyosung Vina thuộc Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc), dự án hóa dầu tại Long Sơn (TP Vũng Tàu) của Tập đoàn SCG (Thái Lan)... Đây là những dự án tỉ đô, sử dụng công nghệ cao và có tác dụng thúc đẩy các ngành khác phát triển theo điển hình tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Kho ngầm chứa khí hóa lỏng LPG của Công ty Hyosung Vina là kho ngầm lớn nhất Đông Nam Á- Ảnh: Đ.HÀ
Từ vài năm trở lại đây, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục quyết tâm cải cách bộ máy, cải cách hành chính để tiếp tục xây dựng, hoàn thiện một nền hành chính công tận tụy phục vụ cho người dân và doanh nghiệp. Trong đó yêu cầu đội ngũ cán bộ phải cùng chia sẻ, cùng tháo gỡ với DN khi gặp khó khăn, vướng mắc.
Có ý kiến khẳng định rằng, Bà Rịa- Vũng Tàu là vùng đất tuyệt vời để thu hút đầu tư, còn rất nhiều dư địa để phát triển. Thực tế không sai. Đó là bởi 40 năm qua, sân bay Tân Sơn Nhất và cảng Sài Gòn là 2 tâm của khu vực trọng điểm kinh tế phía Nam. Nhưng bây giờ đã và đang hình thành hai cái tâm mới là sân bay Long Thành và cảng Cái Mép. Trong bối cảnh này, vùng đất Bà Rịa- Vũng Tàu càng trở nên đắc địa và là điểm nhấn rất hấp dẫn để thu hút đầu tư có chọc lọc.
Cái Mép - Thị Vải đang trở thành tâm phát triển mới của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - Ảnh: Đ.HÀ
"Quá trình triển khai dự án ở Bà Rịa - Vũng Tàu chúng tôi nhận được sự ủng hộ của chính quyền địa phương. Những lãnh đạo của tỉnh này luôn lắng nghe, thấu hiểu và sẵn sàng hỗ trợ, cùng với chúng tôi tìm giải pháp tháo gỡ", Choi Young Gyo - Tổng giám đốc Công ty TNHH hóa chất Hyosung Vina.
Sau 30 năm thành lập, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu huy động được khoảng gần 650.000 tỉ đồng vốn đầu tư toàn xã hội, trong đó vốn đầu tư của DN nước ngoài, DN trong nước là chủ yếu với tổng vốn khoảng 550.000 tỉ đồng.
Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu trao giấy chứng nhận đầu tư cho DN nước ngoài - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Hiện toàn tỉnh này có 415 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 30 tỉ USD từ 30 quốc gia, vùng lãnh thổ. Bà Rịa - Vũng Tàu là tỉnh đứng thứ 5 cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI. Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đạt ra mục tiêu thu hút mới 150 dự án FDI, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 3,2 tỉ USD.
TTO - Đó là khẳng định của ông Trần Văn Tuấn, phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tại buổi họp báo cung cấp các hoạt động kỷ niệm 30 năm thành lập tỉnh này vào chiều 10-12.
Xem thêm: mth.56162326131211202-gnor-aot-nal-gnuv-neb-na-ud-gnuhn-auc-ned-meid-uat-gnuv-air-ab/nv.ertiout