Sau khi Viện Kiểm sát (VKS) đã đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên phạt bị cáo Tuyến 7-8 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí, trong phần tự bào chữa bị cáo Trần Vĩnh Tuyến cho rằng, bản thân mình khi ký quyết định hoàn toàn không vụ lợi, đã chủ động có hành vi khắc phục thiệt hại này. Từ đó, bị cáo mong HĐXX xem xét, để có bản án có tình có lý, phù hợp pháp luật.
Ngày 13.12, TAND TP.HCM vào phần tranh luận vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí, tham ô tài sản xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI).
Bị cáo Lê Tấn Hùng mong xem xét toàn bộ bản chất vụ án
Sau khi VKS đề nghị mức án từ 14-16 năm tù về tội tham ô tài sản, từ 12-14 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí, tổng hợp hình phạt đề nghị là 26-30 năm tù, bị cáo Lê Tấn Hùng đã tự bào chữa cho mình tại phiên tòa.
Liên quan đến hành vi sai phạm khi chuyển nhượng dự án nhà ở tại phường Phước Long B, quận 9 (nay là TP.Thủ Đức) trên 3,75ha đất cho Công ty Phong Phú, bị cáo Hùng cho biết, lúc nhận nhiệm vụ tại SAGRI thì công ty còn rất thiếu thốn cả về vốn và nhân lực. Bị cáo đã cùng cán bộ công ty thực hiện nhiều chương trình hợp tác sản xuất và đạt những thành tích nhất định. Sau khi công ty bị thanh tra, bị cáo đã chủ động kiến nghị với UBND thành phố cho thanh tra SAGRI để phát triển toàn diện. Vì thế, không có chuyện bị cáo cố ý làm sai các quy định để hưởng lợi.
Về hành vi tham ô tài sản, bị cáo Hùng bị cáo buộc lợi dụng vai trò Tổng Giám đốc SAGRI chỉ đạo cấp dưới móc nối với hai công ty du lịch, sau đó "rút ruột" 13,3 tỉ đồng của SAGRI. Bị cáo Hùng khẳng định, mình không có động cơ vụ lợi, chia lợi. Việc chỉ đạo cấp dưới lập khống 10 hợp đồng nhằm lo cho người lao động, chia sẻ thành quả cho người lao động, cho người lao động ra nước ngoài để học tập kinh nghiệm
"Xin cam đoan với lương tâm, cả cuộc đời tôi không chỉ vì hành vi này mà phải đánh đổi. Sự việc ảnh hưởng tới gia đình tôi, mong tòa xem xét hình phạt phù hợp với sai phạm của tội" - bị cáo Lê Tấn Hùng khóc nghẹn.
Bị cáo Lê Tấn Hùng mong HĐXX xem xét mức hình phạt phù hợp với sai phạm của bị cáo.
Bị cáo Trần Vĩnh Tuyến mong một bản án có tình có lý
Về bị cáo Trần Vĩnh Tuyến, trước đó VKS đã đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Tuyến 7-8 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí.
Đại diện VKS cho rằng, bị cáo Tuyến với vai trò là Phó Chủ tịch UBND thành phố lúc bấy giờ, buộc phải biết dự án nhà ở 3,75ha tại phường Phước Long B, quận 9 (nay thuộc TP.Thủ Đức) là thành phố giao cho SAGRI quản lý, trước khi chuyển nhượng phải thẩm định giá theo giá thị trường, thực hiện đấu giá... Tuy nhiên, bị cáo vẫn ký quyết định chấp thuận khi SAGRI chưa đủ các điều kiện này. Điều này dẫn đến việc tạo điều kiện cho Lê Tấn Hùng và đồng phạm thực hiện hành vi sai phạm gây thiệt hại 672 tỉ đồng của Nhà nước.
Tự bào chữa tại tòa, bị cáo Tuyến cho rằng, suốt quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, bị cáo đã trình bày trung thực. Bị cáo không chỉ bào chữa cho mình mà còn bào chữa cho các bị cáo khác.
"Mức án 7-8 năm tù của VKS đề nghị đối với bị cáo, đã vượt qua suy nghĩ và nhận thức pháp luật của bị cáo. Bởi vì bị cáo cho rằng, đến giờ này, mình không có sai sót nào cố ý, hoàn toàn không vụ lợi, đã chủ động có hành vi khắc phục thiệt hại này. Mong HĐXX xem xét, để có bản án có tình có lý, phù hợp pháp luật" - bị cáo Tuyến trình bày.
Bào chữa cho bị cáo Tuyến, luật sư Phan Trung Hoài nêu tại phiên tòa, bị cáo Tuyến đã thừa nhận trách nhiệm khi ký Quyết định 6077 và do có phần nể nang, ơn nghĩa như đã trình bày với cơ quan điều tra trước đó.
Quá trình này cũng thể hiện trạng thái tâm lý và nhận thức theo áp lực của tiến trình điều tra, thời điểm ký Quyết định 6077 có căn cứ cho thấy, bị cáo Tuyến không thể hiểu biết đầy đủ về pháp luật, không thể biết sai mà vẫn ký. Khi cơ quan điều tra và điều tra viên phân tích qua các buổi làm việc, ông Tuyến đã có sự chuyển biến trong nhận thức, thừa nhận hành vi sai phạm của mình liên quan trách nhiệm được phân công khi ký quyết định này.
Như vậy, bị cáo Trần Vĩnh Tuyến khai nhận biết sai mà vẫn ký chính là nhờ sự phân tích của cơ quan điều tra và VKS vào thời điểm đã khởi tố vụ án và bị can, thông qua các buổi làm việc và hỏi cung, chứ không phải tại thời điểm ký Quyết định 6077. Do đó, khi đánh giá xem xét về động cơ của ông Tuyến, luật sư đề nghị HĐXX xem xét lời khai tại phiên tòa và diễn biến nhận thức về sai phạm trong giai đoạn điều tra để xem xét lại tội danh.
Ngày mai (14.12), phiên xử tiếp tục diễn ra với phần bào chữa của bị cáo và các luật sư.