Dù phục hồi mạnh mẽ trở lại sau thời gian suy thoái vì đại dịch COVID-19, song kinh tế Trung Quốc đã xuất hiện tín hiệu suy yếu nhanh trong quý III/2021. Đà tăng trưởng chậm lại này là do cầu tiêu dùng yếu, nhiều ổ dịch COVID-19 xuất hiện trên cả nước, khủng hoảng điện năng quy mô toàn quốc và mới nhất là sự suy thoái của ngành bất động sản trước nguy cơ khủng hoảng nợ đến từ các tập đoàn lớn như Evergrande.
Các chuyên gia dự đoán, Trung Quốc sẽ bắt đầu bổ sung các biện pháp kích thích tài khóa và tiền tệ ngay từ đầu năm 2022 để ổn định nền kinh tế. Một chính sách tài khóa kết hợp tiền tệ chủ động, linh hoạt hơn cho năm tới là thông điệp đã được phát đi sau Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương thường niên kết thúc tuần qua tại Trung Quốc.
Theo đó, một chính sách tiền tệ nới lỏng đã được quan sát thấy sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của hầu hết ngân hàng thương mại khoảng 0,5 điểm phần trăm từ tuần này, giúp giải phóng khoảng 188 tỷ USD thanh khoản ra thị trường.
Đồng thời, PBoC cũng đã giảm lãi suất đối với chương trình tái cho vay (relending) khoảng 0,25 điểm phần trăm với lĩnh vực nông nghiệp và các doanh nghiệp nhỏ. Đây là lần giảm lãi suất đầu tiên kể từ tháng 7/2020.
"Việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc có lợi cho việc điều chỉnh chính sách theo chu kỳ. Nó giải phóng nguồn vốn trung dài hạn với chi phí thấp để phục vụ tốt hơn các công ty vừa và nhỏ, hỗ trợ nền kinh tế thực và giảm chi phí tài chính và hỗ trợ sự phục hồi kinh tế liên tục và ổn định", ông Guan Tao - Trưởng Bộ phận Chứng khoán, Ngân hàng Trung Quốc cho hay.
Công nhân làm việc tại một nhà máy ở Thâm Quyến, Trung Quốc. (Ảnh: Shutterstock)
Việc đẩy nhanh đầu tư công và nới lỏng nợ cho chính quyền địa phương cũng được xem là ưu tiên hàng đầu triển khai sớm từ đầu năm 2022.
Bên cạnh đó, Trung Quốc sẽ đặt "nhiều đèn giao thông" đối với vấn đề vốn, tăng cường giám sát vốn theo quy định của pháp luật và ngăn chặn sự tăng trưởng xấu của vốn.
"Vòng kim cô" thanh khoản do chính sách 3 lằn ranh đổ trên thị trường bất động sản sẽ được phần nào giảm bớt trong năm tới khi Cơ quan giám sát thị trường liên ngân hàng của Trung Quốc sẽ hỗ trợ các nhà phát triển đủ năng lực phát hành trái phiếu để cấp vốn cho hoạt động mua lại các dự án bất động sản và hoàn thiện các tòa nhà còn dang dở.
Ông Robin Xing Ziqiang - Nhà kinh tế trưởng, Ngân hàng Morgan Stanley chi nhánh Trung Quốc cho biết: "Ngành tài chính đang tăng cường nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp giảm thuế và chi phí, thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư cơ sở hạ tầng xanh. Tăng trưởng tín dụng được kỳ vọng sẽ phục hồi".
Theo các chuyên gia, nguy cơ lớn nhất mà kinh tế Trung Quốc gặp phải chính là bước dịch chuyển từ "tăng trưởng nóng" năm 2021 sang "tăng trưởng thấp" trong năm 2022.
Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc đề xuất chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 5%, lạm phát 3% cho năm 2022. Do vậy, tăng tốc triển khai nhiều biện pháp tiền tệ và tài khóa sẽ giúp Trung Quốc hóa giải "3 sức ép" gồm cầu tiêu dùng giảm, cú sốc về nguồn cung cũng như suy giảm kỳ vọng nếu muốn giữ được sự ổn định của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
VTV.vn - Chiều tối 10/12, Hội nghị công tác kinh tế Trung ương thường niên tại Trung Quốc đã kết thúc sau 3 ngày họp tại Bắc Kinh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!