Hơn 100.000 học sinh (HS) lớp 9, 12 trên địa bàn TP.HCM đã đi học trực tiếp trở lại sau một thời gian dài học trực tuyến vì diễn biến phức tạp của dịch.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT, số HS lớp 9 đi học lại đạt tỉ lệ 90,69% trên 80.927 em; HS lớp 12 đạt 93,62% trên 60.566 em; HS lớp 9 giáo dục thường xuyên đạt 73,6%, HS lớp 12 giáo dục thường xuyên đạt 91,17%.
Ngày đầu đi học lại, TP chưa ghi nhận ca F0 trong trường.
Học sinh Trường THCS Hồ Văn Long, quận Bình Tân trong ngày đầu trở lại trường. Ảnh: KHÁNH CHI
Vui như ngày tựu trường
Trước khi đến trường, em Phan Kim Ngọc, HS Trường THCS Hồ Văn Long, quận Bình Tân, đã chuẩn bị sẵn kính chắn giọt bắn, khẩu trang và chai cồn xịt khuẩn. Vào lớp, em xịt khuẩn ngay bàn ghế của mình. Dù thường xuyên trò chuyện qua Facebook và những buổi học trực tuyến nhưng Ngọc và các bạn vẫn rất hào hứng khi được đi học lại.
“Được gặp lại thầy cô, bạn bè, em vui lắm. Em và các bạn cười suốt buổi sáng, nói đủ chuyện trên trời dưới đất như kiểu mấy năm không gặp. Vào tiết học, các thầy cô không dạy nhiều mà chỉ kiểm tra bài vở, giảng bài một phần và dành thời gian trò chuyện cùng chúng em”, dù còn lo lắng khi đến trường nhưng Ngọc cho rằng chỉ cần đảm bảo 5K thì sẽ an toàn.
Còn với em Huỳnh Bảo Trâm, HS Trường THPT Lương Thế Vinh, quận 1, cũng yên tâm với sự chuẩn bị của nhà trường khi học trực tiếp. Trường chia hai cổng cho hai khối lớp để tránh ùn ứ khi vào trường. Vào cổng, HS đo thân nhiệt và rửa tay bằng máy đo thân nhiệt khử khuẩn, quét mã QR và đi đúng cầu thang quy định để lên lớp.
“Ngày đầu tiên đến lớp, nhiều bạn còn đùa nhau còn nhớ cách chào không vì lâu rồi mới “hòa nhập”. Trong lớp, không cần ai nhắc nhở, các bạn đều đeo khẩu trang và rửa tay bằng nước khử khuẩn” - Trâm nói.
Sáng nay, cô Lại Thị Hải, giáo viên (GV) Trường THCS Hồ Văn Long, vui mừng vì được gặp lại HS sau một thời gian xa cách. Cô nói: “Khi học trực tiếp, GV phải ổn định tâm lý, không gây áp lực cho các em”. Với cô, học trực tiếp giúp cô và trò tương tác, giao lưu dễ dàng, GV dễ kiểm tra bài tập và nắm bắt biểu cảm của HS.
Còn thầy Nguyễn Viết Đăng Du, GV Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, lại có cảm giác vừa vui vừa lo lắng. Thầy nói: “Vui mừng vì đã đến lúc có thể tương tác trực tiếp với học trò. Lo lắng vì không biết việc dạy học trực tiếp sẽ kéo dài được bao lâu khi dịch vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc”.
Đối với thầy, trong hoàn cảnh hiện tại, kết hợp giữa dạy trực tuyến và trực tiếp là cách tốt nhất để đảm bảo việc ôn tập hiệu quả. Thời gian tới, thầy sẽ hệ thống hóa kiến thức khi học trực tuyến để tìm ra lỗ hổng kiến thức và giảng lại.
Sở GD&ĐT TP.HCM vừa có tờ trình gửi Thường trực UBND TP về việc cung cấp bộ tets nhanh cho ngành y tế địa phương để sử dụng xét nghiệm tầm soát F1 khi có F0 tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP. |
Đảm bảo an toàn
Tại Trường THCS Lý Tự Trọng, quận Gò Vấp, trước khi vào trường HS phải quét mã QR để khai báo y tế, đo thân nhiệt và xịt nước rửa tay. Để đảm bảo giãn cách, các em di chuyển theo một chiều lên lớp, xuống nhà vệ sinh, căn tin và khi ra về. Trường cũng đã chuẩn bị 100 bộ test nhanh COVID-19 để thực hiện khi phát hiện HS, GV có triệu chứng nghi nhiễm COVID-19.
Ông Dương Hữu Đức, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết trong buổi học đầu tiên với 534 HS, trường vắng 33 HS, trong đó có hai HS thuộc diện F0 và năm HS đang ở tỉnh. “Hy vọng trong những ngày tới số lượng HS vắng học sẽ giảm. Các em sẽ đi học tất cả buổi sáng, mỗi buổi năm tiết. Các tiết còn lại sẽ học trên phần mềm K12 Online vào buổi chiều. Thời điểm này, nhà trường chưa dạy kỹ năng sống, tiếng Anh bản ngữ, tăng cường tiếng Anh và tăng cường tin học” - ông Đức nói thêm.
Tại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, quận 1, HS vào trường bằng hai cổng, vào thẳng các lối lên cầu thang ở các khối nhà mới đo thân nhiệt nên không xuất hiện tình trạng ùn ứ ở cổng trường. Trong buổi học đầu tiên, nhà trường không phát hiện trường hợp HS sốt, thân nhiệt cao. Qua thống kê, lớp 9 vắng 20 HS, lớp 12 vắng 10 HS.
Ông Nguyễn Minh, Hiệu trưởng, cho hay nhà trường sắp xếp HS lớp 9 và 12 ở hai khu cách biệt nhau. Ngay cả phòng cách ly đối với các trường hợp nghi nhiễm cũng được bố trí riêng cho hai khối lớp.
“Trường Trần Đại Nghĩa không tiến hành tách lớp vì sĩ số HS/lớp không cao, tuy nhiên trường bố trí các lớp cách phòng nhau. Các phương án xử lý khi xuất hiện F0 cũng được nhà trường tập huấn kỹ càng” - ông Minh nhấn mạnh.
Theo ông Trần Tấn Tài, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Phong, quận 5, qua khảo sát với 366 HS, có 83 HS gia đình chưa đồng ý cho đi học. Do đó, những HS này sẽ lấy bài trên hệ thống của trường về học. Nhà trường cũng yêu cầu GV bộ môn hỗ trợ thêm cho các em.
“Trường sẽ dạy kiến thức cơ bản, sau khi học trực tiếp ổn định sẽ bồi dưỡng hoặc phụ đạo thêm cho các em, để các em yếu kém nắm được kiến thức cơ bản để thi lên lớp 10” - ông Tài nói thêm.•
Không phải tất cả học sinh lớp 9, 12 đều đi học trở lại Từng khu vực, từng trường sẽ được Ban chỉ đạo phòng chống dịch của TP Thủ Đức và các quận, huyện đánh giá kế hoạch thực hiện phòng chống dịch, đảm bảo an toàn mới cho đón HS. Chúng ta đang tổ chức cho các trường thích ứng với việc xử lý các tình huống nên trong hai tuần đầu tiên không đặt nặng vấn đề triển khai nội dung học tập, quan trọng làm cho việc đi học lại trở thành nề nếp để phụ huynh an tâm và HS đến trường được an toàn. Mặc dù các em đã tiêm hai mũi nhưng phải đảm bảo khoảng cách trong trường và các điều kiện an toàn khác thì mới thực hiện đầy đủ các kế hoạch của TP. Hằng ngày Sở GD&ĐT và Sở Y tế sẽ thu nhận thông tin, báo cáo từ các trường để tham mưu với UBND TP. Cuối tuần, Sở GD&ĐT và Sở Y tế sẽ họp và báo cáo UBND TP. Sau hai tuần thí điểm sẽ có kế hoạch mở dần các lớp học ở TP hoặc cho toàn bộ HS đi học lại. Ông NGUYỄN VĂN HIẾU, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM |