Điều này gây đau đầu cho các nhà hoạch định chính sách trong việc đưa ra những đường hướng tiếp theo.
Các ngân hàng trung ương lớn nhất trên thế giới đều sẽ đưa ra những thông báo chính sách trong tuần này. Nhưng khác với giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19, khi các ngân hàng trung ương gần như đồng loạt hành động nhằm đảo ngược sự suy thoái kinh tế, những ứng phó với lạm phát và biến thể Omicron hiện giờ lại được dự đoán sẽ có nhiều khác biệt.
Các chuyên gia kinh tế hiện tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tuyên bố đẩy nhanh tiến trình cắt giảm chương trình mua trái phiếu để kiềm chế lạm phát. Giá tiêu dùng tại Mỹ đã ghi nhận mức tăng nhanh nhất gần 40 năm qua trong tháng 11.
FED dường như không bị lung lay bởi những lo ngại về sự lây lan của biến thể Omicron, vì đến nay Mỹ vẫn chưa phải ban hành các quy định hạn chế mới. Trong khi đó, chi tiêu tiêu dùng vẫn mạnh mẽ, và số đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp gần đây đã giảm xuống mức thấp nhất trong 52 năm qua. Ông James Knightley, trưởng bộ phận kinh tế quốc tế của tập đoàn tài chính ING, cho biết biến thể Omicron không tác động lớn đến hành vi tiêu dùng.
Trong khi đó, tại châu Âu, chính phủ nhiều nước đã nhanh chóng tái áp đặt nhiều biện pháp hạn chế. Đức đã tuyên bố phong tỏa toàn quốc đối với những người chưa tiêm vaccine, còn Anh một lần nữa yêu cầu người dân làm việc ở nhà nếu có thể.
Kể cả trước khi biến thể Omicron xuất hiện, sự phục hồi kinh tế ở châu Âu đã dần mất đà do những vấn đề trong chuỗi cung ứng và số ca mắc COVID-19 cao. Kinh tế Anh chỉ tăng 0,1% trong tháng Mười. Điều này đã đặt Ngân hàng trung ương Vương quốc Anh (BoE) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào tình thế khó khăn khi vẫn phải nỗ lực chống lạm phát. Nếu nhanh chóng rút lại chính sách hỗ trợ và cố gắng kiềm chế lạm phát, BoE và ECB có nguy cơ đảo ngược đà tăng trong việc làm và hoạt động kinh tế vốn đạt được một cách khó khăn.
Ông Knightley dự đoán BoE sẽ không nâng lãi suất trong tháng này như dự đoán trước đó, còn ECB có thể thông báo một chương trình mua trái phiếu chuyển tiếp để tránh sự "hụt hẫng" vào tháng Ba năm sau, khi chương trình mua trái phiếu thời kỳ đại dịch dự kiến sẽ kết thúc.
Còn Trung Quốc lại không hề nghĩ đến thời điểm thắt chặt chính sách tiền tệ, và tiếp tục quay lại chế độ nới lỏng chính sách khi nền kinh tế giảm tốc và nhiều nhà phát triển bất động sản vỡ nợ. Tuần trước, Trung Quốc thông báo sẽ giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc lần thứ hai trong năm nay, qua đó giải phóng thêm 188 tỷ USD vốn vay cho các doanh nghiệp và hộ gia đình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.96194321231211202-aoh-nahp-gnac-yagn-gnad-ioig-eht-et-hnik-nen/et-hnik/nv.vtv