Với tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hiện nay, CEO James Gorman của Morgan Stanley cho rằng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nên sớm tăng lãi suất để chống lại đà suy giảm trong tương lai.
Trong cuộc phỏng vấn với CNBC, người đứng đầu một trong những ngân hàng lớn nhất nước Mỹ chia sẻ rằng thực tế ông kỳ vọng các nhà hoạch định chính sách sẽ truyền tải thông điệp về thắt chặt tiền tệ trong năm 2022 ngay sau cuộc họp tuần này.
"Chúng ta đang tiến tới môi trường lãi suất gia tăng. Tôi thấy rằng Fed nên định sẵn một số lần tăng lãi suất để khi kinh tế suy giảm – điều không thể tránh khỏi – thì họ còn có đạn dược để mà chống đỡ".
Ông Gorman nói rằng Fed "phải thực hiện 10 đợt tăng" để lãi suất quay trở về bình thường, tức là mức mà chính sách tiền tệ không bị coi là quá lỏng hay quá chặt.
"Nếu là Fed thì tôi thà hành động sớm còn hơn muộn. Fed nên tích trữ đạn dược và chấp nhận thực tế".
Ông Gorman cho rằng việc tăng lãi suất sẽ không làm chậm cuộc phục hồi mà sẽ ổn định nền kinh tế, dù thị trường tài chính có thể sẽ xáo trộn trong một khoảng thời gian. "Tôi không nghĩ lãi suất tăng sẽ làm trật bánh nền kinh tế. Điều mà nền kinh tế cần là sự cân bằng".
Trong những ngày gần đây, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã ra dấu hiệu sẽ xoay chuyển chính sách.
Cho đến nay Fed sẵn lòng để lạm phát tăng nóng đến khi việc làm phục hồi hoàn toàn. Nhưng với lạm phát giá tiêu dùng ở mức cao nhất trong gần 40 năm, các quan chức cho biết họ đã sẵn sàng để cắt giảm một số chương trình tiền tệ siêu nới lỏng trong khủng hoảng COVID-19.
Đầu tiên Fed sẽ đẩy nhanh việc thu hẹp chương trình mua tài sản hàng tháng. Nhiều chuyên gia kỳ vọng Ủy ban Thị trường Mở Liêng bang (FOMC) sẽ nâng tốc độ giảm mua trái phiếu từ 15 lên 30 tỷ USD/tháng, đồng nghĩa với việc chấm dứt bơm tiền vào tháng 3/2022 thay vì tháng 6.
Ông Mohamed A. El-Erian, nhà kinh tế trưởng của công ty dịch vụ tài chính Allianz SE còn cho rằng Fed phải mạnh tay giảm bơm tiền hơn thế và thừa nhận khả năng sớm phải tăng lãi suất sau khi chấm dứt nới lỏng tiền tệ.
Ông cảnh báo nếu Fed tiếp tục "xử lý lạm phát một cách sai lầm" thì sẽ làm gia tăng nguy cơ kinh tế giảm tốc và thậm chí là suy thoái. Nhà kinh tế này chỉ ra rằng trong lịch sử, suy thoái là hậu quả của việc Fed phải "nhấn phanh" chính sách đột ngột và muộn màng nhằm kiểm soát lạm phát và khôi phục lại uy tín của mình.
Ít nhất một quan chức cấp cao của Fed đã công khai phát biểu rằng giờ là thời điểm ngân hàng trung ương cần chuẩn bị tăng lãi suất vì lạm phát nhiều khả năng sẽ duy trì trên mức mục tiêu 2% lâu hơn dự kiến trước đó.
Cụ thể, Thống đốc Randal Quarles nhận xét rằng nhu cầu đã tăng quá nóng và Fed cần phải tăng lãi suất để hạ nhiệt nền kinh tế cho đến khi doanh nghiệp tạo ra thêm năng lực sản xuất để đáp ứng.
"Chúng tôi chưa bao giờ nói sẽ để kẻ địch (lạm phát nóng) giẫm đạp lên mình. Giờ kẻ địch đã đến, chúng tôi sẽ bắt đầu khai hỏa", ông khẳng định.
Việc Fed phải tăng lãi suất để kiềm hãm lạm phát là điều mà Phố Wall đã chuẩn bị tinh thần từ trước. Câu hỏi quan trọng bây giờ là Fed sẽ tăng lãi suất cao đến đâu và đây là điều khiến giới chuyên gia chia rẽ.
Một số người cho rằng gánh nặng nợ nần kỷ lục của nước Mỹ sẽ hạn chế khả năng tăng lãi suất của Fed. Ông Torsten Slok, nhà kinh tế trưởng tại công ty quản lý tài sản Apollo Global Management nhận xét: "Chưa cần Fed tăng lãi suất thì kinh tế Mỹ cũng đã dễ tổn thương hơn bao giờ hết. Fed có thể tăng lãi suất lên bao nhiêu? Câu trả lời là không nhiều".
Tuy nhiên "người cũ" của ngân hàng trung ương Mỹ là ông Bill Dudley, cựu chủ tịch Fed chi nhánh New York thì cảnh báo rằng thị trường đang đánh giá quá cao năng lực khống chế lạm phát của Fed.
Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg, ông nói: "Suy nghĩ của mọi người là Fed chỉ cần thắt chặt ba hay 4 lần là lạm phát sẽ suy yếu. Nhưng tôi nghĩ đó không phải là điều sẽ xảy ra. Fed phải thắt chặt đủ để giảm tốc nền kinh tế và ngăn nền kinh tế quá nóng".
Ông Dudley cho rằng thay đổi lớn nhất trong cuộc họp chính sách ngày 14-15/12 sẽ là mức lãi suất mà các quan chức cho là cần thiết để kiểm soát lạm phát. Lần gần đây nhất, dự báo trung bình cho mục tiêu lãi suất ngắn hạn của Fed vào cuối năm 2022 là 0,3%; năm 2023 là 1% và 2024 là 1,8%. Theo ông thì lần này, lộ trình nâng lãi suất của Fed sẽ bắt đầu sớm hơn, dốc hơn và tăng cao hơn.
Ông Dudley kỳ vọng các quan chức sẽ dự báo ba lần tăng lãi suất 0,25 điểm % trong năm 2022, đẩy lãi suất lên khoảng 0,8%. Đến năm 2023, các quan chức sẽ vạch ra thêm 4 lần tăng lãi suất nữa và cuối cùng đưa lãi suất điều hành lên mức 2,5% vào 2024.
Ông cảnh báo sự thay đổi trong dự báo lãi suất của Fed có thể khiến nhà đầu tư bị sốc và dẫn đến một đợt hoảng loạn trên thị trường. Nhưng Fed khó có thể trì hoãn thêm nữa vì nhà đầu tư càng chậm trễ trong việc điều chỉnh kỳ vọng lãi suất thì cuộc hoảng loạn có thể càng khủng khiếp.