Didi là tập đoàn lớn nhất trong lĩnh vực gọi xe tại Trung Quốc, tương tự như Grab và Uber mà người Việt Nam đều đã rất quen thuộc.
Tháng 3/2021, truyền thông Trung Quốc đưa tin Didi muốn chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại sàn chứng khoán Hong Kong vào quý III. Vậy nhưng trong thâm tâm, Didi lại muốn lên sàn New York (NYSE) vì các nhà đầu tư phương Tây có ví tiền dày hơn hẳn.
Ngày 8/6, Didi thông báo kế hoạch IPO tại New York. Chỉ hai hôm sau, vào ngày 10/6, Didi nộp hồ sơ để lên sàn chứng khoán Mỹ.
Theo Wall Street Journal và Financial Times, Cục Quản lý An ninh mạng Trung Quốc (CAC) đã bày tỏ quan ngại về một số vấn đề nhạy cảm liên quan tới dữ liệu và bản đồ của Didi, đồng thời khuyến cáo công ty tạm hoãn niêm yết ở nước ngoài để làm rõ vụ việc.
Mặc dù vậy, Didi vẫn tiếp tục với kế hoạch của mình.
Trên truyền thông, tập đoàn gọi xe tại Trung Quốc này thể hiện kỳ vọng niêm yết cổ phiếu ở Mỹ sớm nhất vào quý III/2021. Trong thực tế, Didi và các ngân hàng đầu tư Phố Wall đã âm thầm chuẩn bị để lên sàn ngay trong quý II.
Hồ sơ của Didi được phê duyệt với tốc độ nhanh chưa từng thấy. Ngày 30/6, tức chỉ 20 ngày sau khi hoàn tất nộp thủ tục IPO, cổ phiếu Didi đã được giao dịch tại New York.
Niêm yết ở Mỹ là sự kiện quan trọng và thường được doanh nghiệp làm truyền thông rất rầm rộ. Vậy nhưng Didi lại tỏ ra khá giấu giếm, lãnh đạo không tham gia lễ đánh chuông tại sàn NYSE. Ngay cả tài khoản mạng xã hội Weibo chính thức của Didi cũng không đăng tin mừng sự kiện. Rõ ràng là lãnh đạo của Didi không muốn thu hút sự chú ý của Chủ tịch Tập Cận Bình và giới quan chức ở Bắc Kinh.
Ngày lên sàn 30/6 là một thời điểm khá đặc biệt, vì ngay hôm sau – 1/7/2021 – Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức đại lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập. Có lẽ nào Didi cố tình lên sàn ngay trước sự kiện trọng đại này với hy vọng Chủ tịch Tập Cận Bình cùng các quan chức chính phủ vì bận rộn chuẩn bị cho đại lễ mà quên đi hành động "kháng lệnh" của mình?
Điềm gở với Didi xuất hiện ngay trong ngày đầu niêm yết ở Mỹ. Giá IPO của cổ phiếu này là 14 USD. Kết phiên chào sàn 30/6, giá cổ phiếu chỉ tăng 1% lên 14,14 USD. Trong tiếng Trung, số 14 đọc gần giống với từ "sắp chết".
Cỗ máy đốt tiền phiên bản Trung Quốc
Khi Didi gia nhập thị trường gọi xe năm 2012, Uber đã là một tên tuổi thành danh trên thế giới nói chung và ở đất nước tỷ dân nói riêng.
Chiến lược cạnh tranh của Didi là cắt giảm giá cước, mạnh tay trợ cấp cho tài xế và khách hàng, chấp nhận thua lỗ để chiếm lấy thị phần, hay nói đơn giản là "đốt tiền".
Uber China bị thiệt hại nặng nề trước đòn tấn công hung hãn của Didi và bị thua lỗ 1 tỷ USD mỗi năm. Đến tháng 8/2016, Uber chịu hết nổi và phải bán lại công ty con tại Trung Quốc cho Didi.
Uber China không phải là nạn nhân duy nhất, Didi đã đánh bại hơn 30 công ty đối thủ để giành vị trí độc tôn trong thị trường gọi xe ở Trung Quốc.
Cái giá mà Didi phải trả cũng không hề nhỏ. Từ 2012 đến 2020, Didi thua lỗ triền miên, vốn chủ sở hữu tại ngày 31/12 năm ngoái là âm 76 tỷ nhân dân tệ, tương đương âm 11,7 tỷ USD.
Quý I/2021, Didi báo lãi lần đầu tiên và ngay sau đó đã nộp hồ sơ IPO ở Mỹ. Mặc dù vậy, số lãi một quý này không thấm vào đâu so với khoản lỗ tích tụ trong suốt 8 năm đầu hoạt động, vốn chủ sở hữu tại ngày 31/3 vẫn còn âm 70 tỷ nhân dân tệ (10,7 tỷ USD).
Tạp chí tài chính nổi tiếng Trung Quốc là Caixin nhận định các số liệu kế toán trong bản cáo bạch của Didi có nhiều điểm được "tô hồng" để phục vụ cho cuộc IPO.
Chẳng hạn, Didi ghi nhận tổng doanh thu quý I/2021 là hơn 42 tỷ nhân dân tệ, tăng trưởng ấn tượng 106% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên quý đầu năm 2020 là giai đoạn mà Trung Quốc phong tỏa nghiêm ngặt để chống dịch, kinh tế đình trệ nên số liệu so sánh là rất thấp.
Đội hình toàn sao chống lưng cho Didi
Để có thể chiến thắng trên thị trường gọi xe cạnh tranh khốc liệt, Didi đã liên tục được bơm thêm vốn. Từ tháng 5/2015 đến hết 2016, các nhà đầu tư đã rót tới 8 tỷ USD vào Didi, trong khi đối thủ là Uber China chỉ huy động được 1 tỷ USD để rồi phải nhận thua, bị thâu tóm.
Trong ngành ngân hàng, nhiều nhà băng quốc doanh của Trung Quốc đã góp vốn vào Didi như China Merchants Bank, China Construction Bank và Bank of Communications.
Theo thống kê của CVSource, China Merchants Bank đã ba lần đầu tư cho Didi. Lần đầu tiên là khoản góp vốn chiến lược trị giá 200 triệu USD vào tháng 1/2016. Sau đó nhà băng này tiếp tục tham gia vào hai vòng gọi vốn lớn trị giá 4,5 tỷ USD và 5,5 tỷ USD vào tháng 6/2016 và tháng 4/2017.
Ngoài các khoản đầu tư trực tiếp, các ngân hàng nói trên còn hợp tác với Didi trong lĩnh vực tài chính, bao gồm phát hành thẻ tín dụng đồng thương hiệu.
Trong ngành bảo hiểm, hai công ty nhà nước khổng lồ là Ping An và China Life đều tham gia vào vòng gọi vốn trị giá 3 tỷ USD hồi tháng 7/2015 và 4,5 tỷ USD hồi tháng 6/2016. Khi Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo còn đương chức, người nhà của ông đã đầu tư vào Ping An.
Ở nhóm công ty chứng khoán và quản lý quỹ, hai đại gia là CITIC Capital và CICC đều tham gia vào vòng huy động vốn trị giá 1 tỷ USD của Didi vào tháng 2/2016. Ông Levin Zhu, cựu CEO của CICC chính là con trai của cựu Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ.
Vòng gọi vốn đầu năm 2016 này có thể coi là sân chơi của "đội tuyển quốc gia" vì rất nhiều tổ chức thuộc sở hữu nhà nước hoặc có quan hệ mật thiết với nhà nước Trung Quốc đã tham gia góp vốn cho Didi. Có thể kể đến những cái tên như China Investment Corporation (quản lý quỹ đầu tư quốc gia của Trung Quốc), BAIC Industry Fund, Aviation Investment Group và Shanghai SASAC.
Vào nửa sau năm 2016, Didi còn nhận được vốn từ ba tập đoàn đầu tư công nghiệp khổng lồ là Poly Capital, Sinomach, và China Post Capital. Trong số này, Poly Capital và Sinomach góp lần lượt 400 triệu USD và 200 triệu USD.
Các quỹ đầu tư vốn tư nhân (private equity - PE) tiếng tăm như Boyu Capital, Sequoia Capital, Hillhouse Capital và Primavera Capital cũng rót tiền vào Didi.
Các cổ đông nổi tiếng khác của tập đoàn gọi xe này còn có Alibaba, Tencent, Foxconn, Temasek, Apple và cổ đông lớn nhất là SoftBank của vị Chủ tịch "liều ăn nhiều" Masayoshi Son.
Chưa hết, bà Liu Qing, Giám đốc vận hành (President) của Didi từng là một quản lý cấp cao của ngân hàng Goldman Sachs và là con gái của doanh nhân Liu Chuanzhi, nhà sáng lập tập đoàn máy tính Lenovo.
Đứng trước Didi với đội ngũ hậu thuẫn hùng mạnh như vậy, Uber China cũng như các đối thủ khác hoàn toàn không có cửa thắng.
5 năm sóng gió trước khi tai họa giáng xuống
Đầu tháng 12/2021, Didi thông báo sẽ hủy niêm yết khỏi sàn New York rồi niêm yết lại ở Hong Kong. Nguồn tin của Bloomberg cho biết chính quan chức cấp cao của Trung Quốc đã yêu cầu Didi phải rời khỏi Mỹ và đưa cổ phiếu về giao dịch ở sàn Hong Kong hoặc Thượng Hải.
Nhiều người bị bất ngờ nhưng những ai theo dõi tình hình Didi từ lâu không hề cảm thấy ngạc nhiên. Điềm báo chẳng lành về Didi xuất hiện lần đầu không phải vào tháng 3/2021 khi tập đoàn này thông báo ý định IPO, cũng không phải vào tháng 6 khi âm thầm lên sàn ở Mỹ, mà là từ năm 2016.
Khi Didi công bố thâu tóm "bại tướng" Uber China vào tháng 8/2016, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết Didi chưa báo cáo thương vụ này, và vì vậy, Bộ đang mở cuộc điều tra theo quy định của luật chống độc quyền.
Didi và Uber dẫn đầu thị trường gọi xe ở Trung Quốc khi đó, việc hai ông lớn này về chung một nhà sẽ làm triệt tiêu cạnh tranh, những lo ngại về vấn đề độc quyền là có cơ sở.
Tuy nhiên, những động thái mạnh tay tiếp theo của Bắc Kinh khiến người ta phải đặt câu hỏi: Didi (hoặc các lãnh đạo và cổ đông của Didi) đã làm gì phật ý giới chức Trung Quốc? Vì sao nhà nước Trung Quốc lại tỏ ý thù địch với Didi đến vậy?
Năm 2019, Tòa án Tối cao của Trung Quốc truyền hình trực tiếp một phiên xử vụ án liên quan tới thế độc quyền của Didi. Tuy vậy dần dần, ồn ào dư luận cũng lắng xuống.
Năm 2018 tại một cuộc họp báo, Phó Giám đốc Sở Giao thông tỉnh Quảng Đông phàn nàn rằng Didi không chịu cung cấp dữ liệu và từ chối hợp tác với chính quyền trong việc giám sát hoạt động gọi xe.
Quan chức Trung Quốc ít khi "phàn nàn" về một doanh nghiệp tư nhân mà chỉ cần ra lệnh, nếu doanh nghiệp không làm theo sẽ bị trừng phạt, tước giấy phép, … Việc Didi vẫn có thể yên ổn làm ăn rồi IPO tại Mỹ bất chấp áp lực từ chính quyền Trung Quốc trong suốt 5 năm cho thấy đội ngũ các nhà đầu tư "cá mập" hậu thuẫn có sức ảnh hưởng rất lớn.
Bước tiến của Didi càng ấn tượng hơn khi so với tai ương của đế chế Jack Ma. Tháng 10/2020, Ant Group – công ty con của Alibaba – đã phải hủy bỏ thương vụ IPO trị giá hơn 300 tỷ USD vì bị điều tra chống độc quyền.
Tháng 4/2021, Alibaba bị kết luận đã vi phạm luật chống độc quyền của Trung Quốc và chịu án phạt kỷ lục 2,8 tỷ USD. Tỷ phú Jack Ma phải lui về ở ẩn, nhiều tháng liền không xuất hiện trước công chúng.
Rõ ràng là quy định chống độc quyền chỉ có tác dụng với Alibaba và Jack Ma chứ không bắt nạt được Didi và đội ngũ "cá mập" đứng sau.
Bắc Kinh quyết định "nâng độ khó của game" và ra đòn hiểm hơn. Hôm 4/7/2021, tức chỉ 5 ngày sau khi Didi lên sàn ngoại, Cục Quản lý An ninh mạng Trung Quốc (CAC) cáo buộc Didi đã vi phạm quy định về bảo mật dữ liệu cũng như an ninh quốc gia.
Ngày 5/7, CAC yêu cầu Didi không được đăng ký người dùng mới, đồng thời bắt buộc tất cả cửa hàng ứng dụng (app store) tại Trung Quốc phải gỡ bỏ ứng dụng gọi xe của Didi. Ngày 9/7, CAC tiếp tục ra lệnh gỡ bỏ 25 ứng dụng khác của Didi.
So với cuộc điều tra chống độc quyền trước kia, cuộc điều tra về an ninh quốc gia lần này rõ ràng nghiêm trọng hơn rất nhiều, Didi đã dính một vố đau.
Giá cổ phiếu Didi tại Mỹ cắm đầu giảm 20% trong phiên 6/7 và tụt xuống dưới mức giá IPO 14 USD vài ngày trước. Từ đó đến nay, Didi liên tục trượt dốc và hiện chỉ còn lại 6,49 USD, mất quá nửa giá trị kể từ khi lên sàn.
Didi sẽ sớm phải chia tay New York để niêm yết cổ phiếu ở Hong Kong – một thị trường ít hấp dẫn nhà đầu tư. Lệnh cấm vận mà nhà nước Trung Quốc áp đặt lên Didi vẫn chưa được gỡ bỏ, thậm chí có thể tăng thêm bất cứ lúc nào. Sóng gió với dàn cổ đông "cá mập" hậu thuẫn Didi vẫn chưa qua hết.