Hãng Reuters dẫn thông tin từ Cơ quan Khí tượng Indonesia cho biết, 10 giờ 20 sáng 14-12 (giờ địa phương), một trận động đất mạnh 7,4 độ Richter xảy ra ở đông Indonesia.
Tâm chấn động đất cách huyện Larantuka, phía đông đảo Flores thuộc tỉnh Tây Nusa Tenggara thuộc quần đảo Nusa Tenggara, ở độ sâu 12 km.
Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ sau đó đánh giá lại cường độ trận động đất mạnh 7,3 độ Richter. Kéo theo đó là một trận dư chấn mạnh 5,6 độ Richter ở Larantuka.
Hình ảnh chụp lại từ video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy một ngọn đồi ở thị trấn Nagekeo, tỉnh Đông Nusa Tenggara (Indonesia) sụt lở vì động đất ngày 14-12. Ảnh: REUTERS
Cảnh báo sóng thần đã được phát đi ở các khu vực quần đảo Maluku, tỉnh Đông Nusa Tenggara thuộc quần đảo Nusa Tenggara, tỉnh Tây Nusa Tenggara thuộc quần đảo Nusa Tenggara, khu vực đông nam và nam đảo Sulawesi thuộc quần đảo Sunda lớn.
Theo Trung tâm Cảnh báo Sóng thần Thái Bình Dương (Mỹ), dựa vào các thông số sơ bộ của trận động đất, có thể sẽ xảy ra các đợt sóng thần nguy hiểm đối với các bờ biển nằm trong phạm vi 1.000 km tính từ tâm chấn của trận động đất.
Ông Muhamad Sadly, một quan chức của cơ quan khí tượng kêu gọi trên đài Metro TV rằng mọi người nên tránh xa các bãi biển. Ông cũng cho biết nếu không có gì nguy hiểm thì cảnh báo sóng thần sẽ được dỡ bỏ ít nhất hai giờ sau khi được ban hành.
Hình ảnh chụp lại từ video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy người dân ở thị trấn Maumere, tỉnh Đông Nusa Tenggara (Indonesia) đổ ra đường sau trận động đất ngày 14-12. Ảnh: REUTERS
Lãnh đạo cơ quan giảm nhẹ thảm họa huyện Larantuka cho biết chưa có thông tin về thương vong và thiệt hại.
“Có cảm giác như có sóng, trào lên trào xuống” – một cư dân huyện Larantuka nói với Reuters.
“Tất cả mọi người chạy đổ ra đường” – một người dân ở thị trấn Maumere tại đảo Flores thuộc quần đảo Nusa Tenggara (hay còn gọi Lesser Sunda) ở phía đông Indonesia nói với Reuters.
Trên mạng xã hội, nhiều người cho biết rung chuyển từ trận động đất lan tới tận Nam Sulawesi.
Indonesia nằm giữa "Vành đai lửa Thái Bình Dương", một khu vực có hoạt động địa chấn cao nằm trên đỉnh nhiều mảng kiến tạo.