Theo hãng tin Reuters, EU vẫn chưa thống nhất được việc liệu có nên cùng với Mỹ, Canada, Úc và Anh tẩy chay Olympic Bắc Kinh hay không, vì lo ngại sự trả đũa của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến thương mại của khối.
Lithuania - quốc gia bị Trung Quốc phong tỏa thương mại vì mối quan hệ của họ với Đài Loan - là một trong những nước ủng hộ lập trường chung mạnh mẽ nhất, song cho biết đôi khi chúng rất khó đạt được.
Ngày 13-2, Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis cho biết ông sẽ không tham dự Olympic Bắc Kinh 2022 trong khi Pháp và Hà Lan đang tìm kiếm một lập trường chung về phản ứng của Liên minh châu Âu (EU) đối với các hành vi vi phạm quyền con người của Trung Quốc.
EU do dự về việc tẩy chay Olympic Bắc Kinh 2022. Ảnh: REUTERS
Các nhà ngoại giao EU cho biết Hungary - đồng minh thân cận nhất của Trung Quốc trong khối - sẽ không bao giờ ủng hộ tẩy chay ngoại giao, song vẫn có thể có sự đồng thuận giữa 26 thành viên còn lại.
Tuần trước, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho biết Paris nên có lập trường chung với nước khác trong EU và người đồng cấp Đức Annalena Baerbock đã ủng hộ quan điểm đó. Tuy nhiên, trước chính sách mơ hồ của Trung Quốc đối với châu Âu, Bộ trưởng Giáo dục Pháp hôm 9-12 cho biết nước này sẽ không tham gia bất kỳ cuộc tẩy chay nào.
Thủ tướng Áo Alexander Schallenberg cho biết ông "rất ủng hộ lập trường chung của EU" nhưng có thể sẽ không tham gia vào bất kỳ cuộc tẩy chay ngoại giao nào.
Ông nói: “Chúng tôi có quan điểm rõ ràng về các vấn đề liên quan đến quyền con người ở Trung Quốc, nhưng tôi nghĩ rằng sẽ không có lợi gì khi biến Olympic trở thành một sự kiện chính trị”.