Sáng 14-12, Diễn đàn Logistics Việt Nam năm 2021 đã được Bộ Công Thương phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức tại Hà Nội theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Chia sẻ về giá cước vận tải biển, ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cho biết, tầm này năm ngoái, giá cước container sang bờ đông nước Mỹ chỉ khoảng 3.500-4.000 USD/container. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn cung đường ấy, giá cước đã lên tới 15.000, thậm chí 18.000 USD/container.
Không chỉ vậy, giá vận chuyển container trên một số tuyến chính đều tăng trên 100%, có nơi trên 200%. Trong khi đó, có đến 80% hàng hóa trên thế giới vận chuyển bằng đường biển. Điều này tác động mạnh mẽ đến hoạt động xuất nhập khẩu của các công ty.
"Các hãng tàu lớn đang từ lãi rất ít thì trong sáu tháng sau đó, lợi nhuận có thể lên tới hàng tỉ USD. Trong nửa năm, họ có thể đạt lợi nhuận lên tới 6 tỉ USD" - ông Trung nói.
Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Công ty May 10 chia sẻ tại diễn đàn. Ảnh: AH
Không chỉ có tình trạng tăng container, tăng cước vận chuyển, ông Trung cũng thống kê hiện có hơn 10 loại phụ phí có thể ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời làm giảm cạnh tranh của doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam trên thị trường thế giới.
Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Công ty May 10 cũng cho biết, nguồn nguyên phụ liệu cho sản xuất của các công ty may, trong đó có May 10 đang phải nhập khẩu phần lớn từ Trung Quốc. Năm 2020, khi dịch COVID-19 mới bùng phát, các nhà sản xuất nguyên phụ liệu của Trung Quốc phải tạm dừng hoạt động nên công ty không có nguyên liệu để sản xuất.
"Sang đến năm 2021, thị trường Trung Quốc khôi phục trở lại thì lại không có container để các nhà cung cấp xuất khẩu nguyên phụ liệu, khi có container thì không có tàu, khi có tàu thì phải mất nhiều thời gian mới nhận được hàng. Không chỉ đầu nhập khẩu nguyên phụ liệu để sản xuất, mà sau khi sản xuất ra, việc xuất khẩu giao hàng cho đối tác cũng bị chậm tiến độ từ sáu tuần đến một tháng, gây ra thiệt hại nặng nề"- Vị này nêu thực tế.
Theo Việt, ngoài phí vận chuyển tăng lên, các loại phí khác cũng khiến doanh nghiệp khủng hoảng.
"Có rất nhiều loại phí, nào là phí mất cân bằng container, phí lưu huỳnh, phí cảng biển... đều rất cao. Mức phí thu của các đại lý, các hãng tàu cũng khác nhau. Ví dụ, tầm này, riêng phí CFS có đại lý thu 8 USD/m3, có đại lý lại thu 15 USD/m3; phí vệ sinh container, có hãng thì thu 200.000-300.000 đồng/container, có hãng lại thu đến 25 USD, tương đương trên 600.000 đồng/container. Rồi rất nhiều loại phí nữa thu không đồng nhất. Chúng tôi thật không hiểu hổi" - ông Việt cho biết.
Từ thực tế đó, Tổng giám đốc Công ty May 10 kiến nghị Chính phủ nên can thiệp và có sự thống nhất quy định về phí. "Cước có thể lên xuống theo thị trường, nhưng phí và phụ phí nên có sự thống nhất" - ông nhấn mạnh.