Sáng 14-12, Ngân hàng Sài Gòn (SCB) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm tài chính 2020. Tại đây, các cổ đông với đa số phiếu tán thành đã thông qua các báo cáo tổng kết hoạt động năm 2020; định hướng và kế hoạch hoạt động năm 2021; cũng như các nội dung liên quan đến công tác điều hành và quản trị.
Trong năm 2021, do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nên SCB đã nhiều lần phải hoãn tổ chức sự kiện này.
Kết quả hoạt động kinh doanh năm 2020
Năm 2020, hoạt động kinh doanh của SCB tiếp tục đà tăng trưởng, đặc biệt là những kết quả vượt bậc trong hoạt động kinh doanh dịch vụ và kinh doanh tiền tệ với tổng thu nhập ngoài lãi (bao gồm thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ, hoạt động kinh doanh ngoại hối, hoạt động kinh doanh chứng khoán và từ góp vốn, mua cổ phần) đạt 2.698 tỷ đồng, tăng 761 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng 39,3% so với năm 2019.
Trong đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 1.994 tỷ đồng, tăng 40,43% so với năm 2019, chiếm tỷ trọng 73,9% tổng thu nhập ngoài lãi. Các dịch vụ chủ lực như thẻ và ngân hàng điện tử, bảo hiểm, thanh toán quốc tế tiếp tục phát triển mạnh và đóng góp trọng yếu vào kết quả thu dịch vụ. Ngoài ra, hoạt động kinh doanh tiền tệ và kinh doanh ngoại hối tiếp tục đóng góp tích cực vào thu nhập hoạt động của ngân hàng. Tính đến ngày 31-12-2020, tổng tài sản của SCB đạt 633.797 tỷ đồng; tổng số dư huy động thị trường 1 là 577.824 tỷ đồng; dư nợ cho vay của SCB đạt 351.386 tỷ đồng.
Năm 2020, huy động vốn của SCB tăng trưởng 18,38%. Đồng thời, trong năm 2020, SCB tiếp tục tăng trưởng tín dụng thận trọng, chuyển dịch cơ cấu cho vay sang trung và dài hạn, nâng cao tỷ trọng tài sản có sinh lời trong cơ cấu bảng cân đối kế toán.
Năm 2020, nợ quá hạn, nợ xấu tăng so với cuối năm 2019, do SCB thực hiện rà soát và đánh giá lại toàn bộ các khoản nợ của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ xấu vẫn nằm trong giới hạn của NHNN, lần lượt là 2,69% và 2,34%. SCB ưu tiên sử dụng các nguồn lực để trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. SCB đã trích lập tổng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng là 1.338 tỷ đồng và trích lập 99,6 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro đối với tài sản có khác. Các khoản trích lập dự phòng đều là nguồn tài chính tích lũy trong hoạt động xử lý nợ, sau khi hoàn tất việc xử lý nợ xấu, SCB sẽ được hoàn nhập các chi phí đã trích, giúp cải thiện thu nhập và lợi nhuận của ngân hàng. Tính tới 31-12-2020, tổng quỹ dự phòng rủi ro của SCB đạt 12.914 tỷ đồng.
Tình hình hoạt động kinh doanh năm 2021
Đại hội đã nhất trí thông qua kế hoạch hoạt động kinh doanh SCB năm 2021 với các mục tiêu chính: Tập trung triển khai các giải pháp cơ cấu lại, các giải pháp phát triển kinh doanh; Hoàn thiện cơ cấu tổ chức, ổn định nhân sự, tập trung công tác phát triển kinh doanh; Nâng cao hoạt động quản trị vận hành. Nhờ sự linh hoạt trong việc triển khai các phương án kinh doanh, lũy kế đến quý III-2021, SCB lãi trước thuế 784 tỷ đồng. Các hoạt động phi tín dụng như dịch vụ, kinh doanh ngoại hối, kinh doanh chứng khoán đạt kết quả ấn tượng với thu nhập hoạt động lũy kế đạt 3.949 tỷ đồng. Doanh số kinh doanh bảo hiểm 9 tháng đầu năm của SCB đạt hơn 900 tỷ đồng, duy trì vị trí dẫn đầu thị trường.
Tính đến 30-09-2021, tổng tài sản của SCB đạt 673.276 tỷ đồng; huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư của SCB đạt 605.466 tỷ đồng; dư nợ tín dụng đạt 352.913 tỷ đồng. Trong bối cảnh dịch bệnh, chất lượng tín dụng của Ngân hàng vẫn được kiểm soát chặt chẽ với tỷ lệ nợ xấu và nợ quá hạn lần lượt đạt 1,04% và 1,71%, đảm bảo duy trì dưới 3% theo quy định của NHNN.
Tại Đại hội, các cổ đông đã thống nhất miễn nhiệm 03 Thành viên HĐQT (gồm ông Đinh Văn Thành; ông Võ Tấn Hoàng Văn; ông Nguyễn Văn Thanh Hải) nhiệm kỳ 2017- 2022 do có đơn xin từ nhiệm vì lý do cá nhân. HĐQT SCB đang thực hiện các thủ tục bầu bổ sung thành viên HĐQT thay thế theo quy định.