Mùa dịch COVID-19, nhiều nơi trong thành phố nổi lửa nấu bánh chưng để tiếp tế cho các khu vực bị phong tỏa - Ảnh minh họa của QUANG ĐỊNH
Mùa đông, chim thường di trú về phương Nam tránh rét, hễ cứ thấy cò về nhiều, màu trắng cánh cò dàn trải kiếm mồi trên cánh đồng là biết năm đã sắp hết, Tết đã sắp về.
Ba giúp mẹ chất thêm củi lên chạn bếp để dự trữ. Những cây củi dương to và chắc được ba chất riêng để dành nấu bánh chưng. Bà thi thoảng lại ra vườn sau ngó nghiêng mấy luống gừng có đủ để sên mứt Tết, dì ba rất thích mứt gừng ngoại làm, năm nào về quê đón Tết xong dì cũng gói ghém phần mứt còn để mang theo vào Nam.
Buổi tối, ngoại ngồi khâu lại chiếc khăn quấn đầu bị tưa chỉ, ông ở kế bên cời than cho đượm, để hơi ấm từ chiếc chậu bà đốt đủ ấm cho cả nhà. Bà bảo " không biết bao giờ cái Ba nó về!". Năm nay vợ chồng thằng út có về đón Tết được không?". Ông mắng " bà lại nữa rồi, đến Tết ắt chúng nó sẽ về mà!". Nói thế nhưng trong lòng ông cũng mong ngóng, sốt sắng lắm.
Tết quê nghèo ngày xưa, người lớn lo lắng đủ điều, có lẽ háo hức nhất vẫn là trẻ con. Giáp Tết, được bà, mẹ cho xuống chợ cùng, mặc sức ngắm nghía những con tò he, những chùm bóng bay đủ thứ màu xanh đỏ…
Chợ đông vui hẳn, trong lúc mẹ bán mua thì bà tranh thủ đến quầy bác thợ nhuộm, đánh lại bộ lư đồng trên bàn thờ tổ tiên. Cuối buổi chợ, bao giờ tôi cũng được mẹ và bà dẫn đi mua áo mới, dép mới.
Tết đến, nhà tôi và thêm nhà các cậu dì nữa, sẽ đụng chung một con lợn để ăn Tết. Trong lúc người lớn chia phần, xẻ thịt thì đám trẻ con sẽ tha hồ vui khi được ba bơm cho quả bóng bay làm từ chiếc bong bóng lợn. Cả chiều hôm ấy, đứa nào cũng vui đến quên cả mâm cỗ tất niên ngon ngọt ba mẹ đang dọn.
Nhớ sao cái khoảnh khắc mỗi lần ở xa về, vừa bước xuống xe chưa kịp kéo áo để che gió đã thấy bà đứng ngay trước mặt, đầu bà ướt mềm vì những cơn mưa phùn rả rích, chắp miếng trầu nhai dở sang một bên bà móm mém cười tươi " Bây về đến rồi, cháu tui về đến rồi, có say xe không con".
Thế rồi chẳng chờ gì nữa, chẳng nghe rét mướt gì nữa, sà ngay vào lòng bà " nội ơi, con nhớ nội", nước mắt rơm rớm, nội vỗ phịch một cái vào lưng " chà ơi, con gái nậy ( lớn) thế còn mít ướt. Đi mau, về nhà kẻo lạnh, bà nấu cháo gà cho bây rồi đó". Hai bà cháu lại dắt nhau đi tiếp một đoạn đường cát khá dài nữa mới về đến nhà.
Khi gót giày chạm cát bị lún sụt xuống và những âm thanh sột soạt phát ra mới là lúc cảm nhận rõ nhất rằng mình đã đứng trên quê hương rồi. Cảm giác những hạt li ti bé nhỏ ấy đang len chạm vào gót chân, êm và mềm lắm, êm như tuổi thơ chưa phải lo toan cái ăn cái sống chỉ biết sáng đến trường, chiều dắt trâu ra đồng, tối lại chui vào nách bà ngủ...
Tết đi xa về, bà nhắc siêu nước nóng đổ ra chậu bảo rửa mặt, bà lại quay sang gạt chậu than rực đỏ đặt xuống gầm giường vì sợ cháu xa quê lâu ngày không chịu được cái rét. Tôi chui vào nách bà thủ thỉ đủ thứ chuyện, mùi trầu từ tóc bà phả ra. Ấm áp và nồng nồng. Cứ thế, những thứ hương quen thuộc đó ru tôi ngủ đến say.
Phố núi Pleiku những ngày này chuyển lạnh, bấc đã len lỏi khắp các góc phố, ngõ nhỏ, người dân đang tập thích nghi "sống chung an toàn với dịch bệnh", mấy anh chị cùng cơ quan xúng xính nhận lương và tính chuyện mua sắm áo quần mới cho con cái, lên danh sách những món đồ cần phải chuẩn bị đón Tết.
Và tôi, hai năm dài ròng không được về quê vì dịch bệnh, năm nay, tôi sẽ về với mẹ, với bà, với những người thân yêu nơi quê nhà để nhìn bà móm mén nhai trầu, nhìn mẹ khom mình bên bếp lửa sên mứt, ngã vào vòng tay ba thầm thì một vài ngày nữa tôi sẽ lại ra phòng vé để đặt mua vé xe về quê.
Đó có lẽ là sự chuẩn bị đầu tiên trong hàng chục thứ cần sắm cho ngày Tết của những người con sống xa quê như tôi.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
TTO - Về vuốt ve lại cánh cổng gỗ phai màu vì nắng mưa, vị dịu ngọt nhánh mạ non, hương bưởi bên chái nhà, ngắm cánh én chao nghiêng báo hiệu mùa xuân sang trong sắc thắm hoa đào, vệt nắng hoa mai.
Xem thêm: mth.21464509041211202-euq-ax-iougn-gnol/nv.ertiout