Người dân phường Bình Thọ (TP Thủ Đức) đồng lòng tham gia chương trình đổi rác lấy gạo trong tháng 11-2021 - Ảnh: THANH BÌNH
Khu dân cư gần nhà tôi những năm trước có hai khu đất trống để lâu ngày trở thành hai đống rác lớn vương vãi nào chăn màn, nệm, chai nhựa, hộp xốp, bao nilông, vỏ lon bia, tờ rơi quảng cáo, áo mưa tiện lợi, xà bần xây dựng...
Từ khi có ban quản lý mới, họ đã đề ra được những kế hoạch khả thi để vận động người dân không xả rác. Chuyện này được đưa ra bàn bạc sôi nổi trên nhóm Zalo của khu dân cư, ai cũng mong cải tạo không gian công cộng cho sạch sẽ.
Thế là hai thùng đựng rác chuẩn và lớn đều có ngăn phân loại được đặt ở góc sân là không gian sử dụng chung để ai cũng có thể bỏ rác, xe chở rác đến lấy cũng rất tiện. Hai đống rác được dọn dẹp và thay vào đó là mảng xanh hoa kiểng. Ai nỡ bỏ rác chỗ ấy!
Ban quản lý mới cũng đã phát động phong trào nói không với rác, hầu hết cư dân đều hưởng ứng cùng dọn dẹp vệ sinh khắp khuôn viên vào ngày chủ nhật đầu tiên trong tháng.
Nếp mới được phát huy tối đa, không chỉ hết thói quen xấu xả rác mà các gia đình còn phân loại rác tự hủy và rác tái sử dụng vào hai bao khác nhau. Trong khi trước đó, tình trạng xả rác khá phổ biến dù có giăng tấm bảng "Đừng xả rác vì môi trường xanh - sạch - đẹp".
Có dịp du lịch Singapore, tôi mới biết ngoài xử phạt nghiêm bằng tiền, quốc đảo này còn giáo dục, cảnh báo và răn đe về mặt tâm lý với hành vi xả rác bừa bãi trên đường phố, nơi công cộng.
Hướng dẫn viên bản địa nhắc nhở những người trong đoàn chúng tôi rằng: "Ở đây ai xả rác bừa bãi lần đầu tiên bị phạt theo quy định tối thiểu 1.000 đôla Singapore (khoảng 16,5 triệu đồng), tái phạm thì mức phạt tăng lên 2.000 - 5.000 đôla Singapore (82,5 triệu đồng).
Thậm chí người xả rác bị đánh roi, ngoài ra còn phải lao động công ích, phải làm sạch nơi công cộng hoặc nhặt rác tại công viên, quét dọn đường phố...
Những hình phạt này có thể được đưa lên mục sự kiện trên phương tiện truyền thông địa phương để tăng tính răn đe.
Một du khách đi cùng đoàn chúng tôi thắc mắc: "Phạt nặng quá! Chỉ xả rác thôi mà, nhắc nhở đủ rồi".
Hướng dẫn viên lý giải: pháp luật phải nghiêm thì xã hội mới yên, bởi ít có người dân nào tự giác thực hiện những hành vi tốt đẹp hoặc ít nhất là không vi phạm khi không có sự can thiệp của pháp luật.
Nếu không kiên trì đánh roi những người xả rác, phạt tiền những người nhả kẹo cao su thì Singapore không được như ngày nay.
Ở ta công tác tuyên truyền cũng thường xuyên nhưng vẫn xảy ra tình trạng xả rác bừa bãi, hiếm thấy ai bị phạt. Phải chăng luật định dù có sẵn nhưng chế tài hành vi xả rác quá nhẹ, xử lý chưa nghiêm hoặc không áp dụng nên mới có chuyện xem thường?
Việc áp dụng các biện pháp xử lý nghiêm khắc, phạt nặng đối với hành vi xả rác như Singapore đã làm, theo tôi, có thể là gợi ý cho nước mình mà trước tiên nên áp dụng ở các đô thị lớn như TP.HCM. Xử lý nghiêm một người vi phạm sẽ giúp răn đe, cảnh tỉnh nhiều người khác.
Xóa bỏ liền một thói quen đã tồn tại từ lâu không hề đơn giản, càng không phải chuyện một sớm một chiều. Điều quan trọng nhất của khâu tổ chức quản lý chính là tạo ra khuôn mẫu trước để người dân cùng chung tay cải tạo, giữ gìn môi trường xanh sạch đẹp.
Quan trọng không kém là chính quyền phải kiên quyết bảo vệ cái khuôn mẫu ấy bằng những biện pháp thích hợp, thật sự nghiêm khắc để ai cũng thực hiện đúng quy định.
Chính quyền cơ sở, phường, xã, khu phố nên chủ động tự quản lý, đề ra những kế hoạch thực tế để gìn giữ môi trường sao cho hiệu quả hơn là hô khẩu hiệu. Theo tôi, đây là những công việc thuộc về trách nhiệm quản lý cơ sở.
TTO - Rạch Xuyên Tâm, TP.HCM, với khoảng 1.600 hộ dân sống dọc dài gần 6,2km đoạn kênh nước đen ngòm và đầy rác bẩn. Gia đình tôi cũng như rất nhiều người luôn phải mỏi mệt vì tình trạng môi trường bị ô nhiễm trầm trọng suốt mấy năm qua.
Xem thêm: mth.16934830141211202-car-ax-maig-es-tot-os-oc-yl-nauq-gnos-iot-ion-gnourt-iom-nad-neid/nv.ertiout