Tổ chức gặp gỡ kiều bào (trực tiếp và trực tuyến) chiều ngày 14.12, TPHCM đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu, nhiều ý kiến đề cập đến chuyển đổi số. Tham dự có 130 đại biểu là chuyên gia, trí thức, doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài, kiều bào trẻ đến từ 21 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Sợi dây vô hình về tinh thần đoàn kết luôn luôn tồn tại
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho rằng, đại dịch COVID-19 trong 2 năm qua đã để lại nhiều đau thương, mất mát, và gây ra thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế của cả nước nói chung và TPHCM nói riêng.
Tuy nhiên ông Hoan nhấn mạnh, càng trong khó khăn càng thấy và cảm nhận được sợi dây vô hình về tinh thần đoàn kết luôn luôn tồn tại. Đặc biệt trong hoàn cảnh hiện nay, tình đoàn kết đã thắt chặt, gắn kết hơn nữa người Việt ở trong và ngoài nước.
Ông Phùng Công Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM – cũng cho biết, trong bối cảnh những mất mát, đau thương do đại dịch COVID-19 gây ra quá lớn và thiệt hại về kinh tế rất nặng nề, tấm lòng và tình cảm của người Việt Nam ở nước ngoài đã hướng về Tổ quốc một cách sâu sắc.
PGS-TS Vũ Minh Phương – hiện giảng dạy tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore) – bày tỏ rằng TPHCM là thành phố nghĩa tình. Ông không quên được ký ức những ngày tháng lang thang trên đường phố Sài Gòn tìm việc vào những năm 80 của thế kỷ trước. Và ông mong muốn đóng góp những ý kiến tâm huyết cho thành phố để phát triển thời thời hậu COVID-19.
Chăm lo cho dân và đẩy mạnh chuyển đổi số
Giáo sư Hà Tôn Vinh, kiều bào Mỹ và đã tham gia giảng dạy tại một số trường đại học tại Việt Nam, đưa ra phác họa TPHCM cần phát triển ở một số giai đoạn.
Giai đoạn 1 là Tết sắp tới, thành phố nên có món quà cho người dân, có thể đó là thuốc đặc trị COVID-19. “1 đồng thuốc bằng 10 đồng tiết kiệm”, vị giáo sư nói. Bên cạnh đó, TPHCM nên hỗ trợ người lao động các tỉnh phương tiện về quê ăn Tết, từ đó họ thấy tình nghĩa, gắn bó và quay trở lại.
Giai đoạn năm 2022 được giáo sư Vinh cho rằng là thời kỳ tăng tốc thúc đẩy chi tiêu tại thành phố. Trong khi đó, từ năm 2023-2025, TPHCM cần hồi phục, phát triển và chuyển đổi số toàn diện.
“Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp đưa sản phẩm, dịch vụ ra thị trường, đến người dân ít tốn kém chi phí, thời gian hơn. Amazon sớm chuyển đổi số nên doanh thu tăng hàng ngàn phần trăm, trong khi các doanh nghiệp không chuyển đổi số thì sụt giảm doanh thu, gặp nhiều khó khăn”, theo giáo sư Vinh.
Giai đoạn từ năm 2026-2030, ông Vinh cho rằng TPHCM cần chuyển từ nền kinh tế tiêu thụ sang kinh tế tuần hoàn để không để phí bất cứ thứ gì, và tái sử dụng mọi thứ.
PGS-TS Vũ Minh Phương cho rằng, cách mạng số vĩ đại hơn các cuộc cách mạng trước đó vì nó tác động đến tất cả các ngành nghề, người dân từ tầng lớp nghèo khó. Đồng thời, cách mạng số cũng tạo ra sự tiến bộ nhanh chóng và mang lại hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, ông Phương nhấn mạnh rằng về tư duy và ý chí, thành phố phải có đột phá, đặc biệt về mặt quản trị vì từ đó tác động đến nhiều vấn đề khác. Theo ông, xét về dự báo GDP, TPHCM có tiềm năng, triển vọng lớn, ở mức cao hơn Thái Lan tính đến năm 2026.
Trong phần góp ý của mình, chuyên gia CNTT-Viễn thông Lâm Việt Tùng (Hà Lan) - nhấn mạnh, TPHCM cần có 1 ứng dụng chung hỗ trợ doanh nghiệp; những lĩnh vực chuyển đổi số cần được ưu tiên trước hết là chính quyền số, phát triển hệ thống định danh, phát triển cơ sở dữ liệu mở như một dịch vụ thu phí…
Xem thêm: odl.536489-et-hnik-ioh-cuhp-os-iod-neyuhc-hnam-yad-mchpt-y-pog-oab-ueik/et-hnik/nv.gnodoal