vĐồng tin tức tài chính 365

Trung Quốc và Mỹ đều bơm tiền và chịu lạm phát: Sự khác biệt là gì?

2021-12-15 03:02

Ai in tiền nhiều hơn ai?

Ngày 15/3/2020, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tổ chức cuộc họp bất thường và đột ngột hạ lãi suất điều hành từ khoảng 1 – 1,25% xuống còn 0 – 0,25%. Liên tục trong gần hai năm qua, Fed duy trì lãi suất gần 0 và bơm thêm hàng nghìn tỷ USD ra nền kinh tế thông qua các chương trình mua trái phiếu.

Quy mô bảng cân đối kế toán của Fed đã nhảy vọt từ khoảng 4.100 tỷ lên gần 8.700 tỷ USD, mức cao chưa từng thấy trong lịch sử hơn 100 năm của ngân hàng trung ương này.

Trung Quốc và Mỹ đều bơm tiền và chịu lạm phát: Sự khác biệt là gì? - Ảnh 1.

Cung tiền mở rộng (M2) của Mỹ tăng từ 15.470 tỷ USD vào tháng 2/2020 khi đại dịch mới xuất hiện lên kỷ lục gần 21.200 tỷ USD vào cuối tháng 10/2021, tương ứng tỷ lệ tăng 37%.

Tốc độ lưu thông tiền tệ tương đối thấp do người dân ít có cơ hội để chi tiêu. Tuy nhiên do lượng tiền tăng thêm quá lớn, lạm phát vẫn liên tục đi lên.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 vừa qua tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2020, mức tăng lớn nhất trong vòng 39 năm trở lại đây.

Trung Quốc và Mỹ đều bơm tiền và chịu lạm phát: Sự khác biệt là gì? - Ảnh 2.

Ở phía bên kia bán cầu, Trung Quốc cũng đang gặp phải vấn đề tương tự. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 tăng 2,3% so với cùng kỳ 2020, tuy chỉ bằng 1/3 so với Mỹ nhưng cũng là mức cao nhất trong hơn một năm trở lại đây.

Thực phẩm là một trong những nhóm tăng giá mãnh liệt nhất. Giá thịt heo vọt lên 32,7% so với tháng 11 năm ngoái, giá thịt gia súc nói chung tăng 19,7%, rau tươi tăng 30,6%, trứng tăng 17,6%, thủy hải sản thêm 8,5%, …

Giá trong một số lĩnh vực như y tế, thuốc lá, may mặc, … không đi lên mạnh đã giúp kiềm chế đà tăng của CPI nói chung.

Tuy nhiên, chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 10 và 11 vọt lên lần lượt 13,5% và 12,9%.

Trung Quốc và Mỹ đều bơm tiền và chịu lạm phát: Sự khác biệt là gì? - Ảnh 3.

Tại Trung Quốc, lạm phát giá sản xuất cao hơn hẳn lạm phát giá tiêu dùng, cho thấy áp lực tăng giá được chuyển cho các thị trường mà Trung Quốc xuất khẩu hàng hóa tới.

Có nhiều nhân tố khiến giá cả tăng như chuỗi cung ứng tắc nghẽn vì đại dịch, thiếu nguyên vật liệu đầu vào, nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh, … nhưng có một điều không thể phủ nhận là Trung Quốc cũng liên tục in thêm tiền để kích thích kinh tế.

Tính đến cuối tháng 10/2021, cung tiền M2 của Trung Quốc là 233.600 tỷ nhân dân tệ, tương đương với khoảng 35.900 tỷ USD (quy đổi theo tỷ giá 1 USD = 6,5 nhân dân tệ).

Như đã nói ở trên, cung tiền M2 của Mỹ tại thời điểm cuối tháng 10 là khoảng 21.200 tỷ USD. Nói cách khác, Trung Quốc đã in ra lượng tiền nhiều gấp 1,7 lần Mỹ.

Trung Quốc và Mỹ đều bơm tiền và chịu lạm phát: Sự khác biệt là gì? - Ảnh 4.

Mỹ và Trung Quốc in tiền làm gì?

Từ đầu đại dịch đến nay, quốc hội và chính phủ Mỹ đã thông qua nhiều gói kích thích tài khóa với tổng quy mô khoảng 5.200 tỷ USD.

Số tiền này được dùng cho loạt chương trình cứu trợ quy mô lớn như: Bổ sung trợ cấp thất nghiệp 300 USD/tuần cho hàng chục triệu người mất việc; phát tiền mặt cho hàng trăm triệu người dân theo ba đợt với giá trị lần lượt là 1.200 USD, 1.400 USD và 600 USD/người; hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động; hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp vay vốn; đầu tư nâng cấp hạ tầng, …

Fed không trực tiếp in tiền cho chính phủ Mỹ chi tiêu. Tuy nhiên, chính sách lãi suất thấp và nới lỏng định lượng (QE) của Fed khiến cho hệ thống ngân hàng Mỹ tràn ngập tiền rẻ, các nhà băng dư sức cho chính phủ vay bằng cách mua trái phiếu Kho bạc, sau đó đem số trái phiếu này bán lại cho Fed.

Nói cách khác, Fed đã gián tiếp tài trợ cho chi tiêu của chính phủ thông qua hệ thống ngân hàng.

Bắc Kinh cũng liên tục in thêm tiền tới mức quy mô cung tiền M2 hiện lớn hơn nhiều so với Mỹ, nhưng người dân Trung Quốc không được phát tiền mặt hay hưởng thêm trợ cấp thất nghiệp như Mỹ. Vậy tiền mà Bắc Kinh in ra đã chạy đi đâu?

Một trong những đích đến chủ yếu của dòng tiền là các dự án hạ tầng, và đây là một sai lầm khiến đất nước tỷ dân phải trả giá đắt.

Riêng trong năm 2020, Trung Quốc đã đầu tư khoảng 8.000 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng, Cục Thống kê Quốc gia của nước này cho biết. Cùng năm, chính quyền liên bang Mỹ chỉ chi 146 tỷ USD.

Trung Quốc và Mỹ đều bơm tiền và chịu lạm phát: Sự khác biệt là gì? - Ảnh 6.

Hạ tầng rất quan trọng và được coi như xương sống của nền kinh tế. Mỹ ít đầu tư cho hạ tầng dẫn tới tình trạng xuống cấp và lạc hậu. Báo cáo của Hiệp hội Kỹ sư Dân dụng Mỹ (ASCE) cho rằng nếu cứ tiếp tục bỏ bê hạ tầng, thiệt hại kinh tế sẽ vô cùng nghiêm trọng. Đến năm 2039, GDP của Mỹ sẽ thiệt hại khoảng 10.000 tỷ USD, cùng với đó là xuất khẩu giảm 2.400 tỷ USD. Hơn 3 triệu việc làm cũng sẽ biến mất.

Trong hàng chục năm, Trung Quốc mạnh tay đầu tư vào xây dựng cầu cống, đường xá, bến cảng, sân bay … . Bản thân các dự án này tạo ra nhu cầu tiêu thụ lượng hàng hóa khổng lồ và tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động, từ đó giúp Trung Quốc đạt được tăng trưởng kinh tế thần tốc.

Ngoài ra, các dự án trọng điểm được tính toán kỹ lưỡng sẽ trở thành động lực phát triển kinh tế trong nhiều thập kỷ về sau.

Thế nhưng cái gì nhiều quá cũng không tốt. Một số chuyên gia cho rằng lẽ ra Trung Quốc phải cắt giảm đầu tư hạ tầng từ khoảng năm 2005 thay vì kéo dài cho đến ngày nay.

Các địa phương vẫn thích đẩy mạnh đầu tư công tràn lan nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giúp giới lãnh đạo thăng quan tiến chức. Các dự án ngày càng ít giá trị chiến lược và thành ra lãng phí, nhiều cây cầu và con đường được xây xong mà không có ai đi.

Đầu thế kỷ 21, Trung Quốc chưa có tuyến đường sắt cao tốc nào. Đến cuối năm 2020, đất nước tỷ dân có 37.900 km, nhiều hơn tất cả quốc gia khác trên thế giới cộng lại. Một nửa trong số này được xây dựng trong vòng 5 năm trở lại đây, tiêu tốn hàng trăm tỷ USD.

Đường sắt cao tốc là niềm tự hào nhưng cũng là ví dụ điển hình của tình trạng đầu tư lãng phí của Trung Quốc. Ngoại trừ một số tuyến nối các siêu đô thị như Bắc Kinh – Thượng Hải hay Bắc Kinh – Quảng Châu, các tuyến giữa những thành phố nhỏ hơn đều rất vắng vẻ, có khi chỉ chạy dưới 10% công suất thiết kế.

Doanh thu từ vé không đủ để bù đắp tiền điện chạy tàu chứ chưa nói gì đến chi phí đầu tư cơ bản ban đầu. Để tồn tại, Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc phải nhờ sự trợ giúp của chính phủ và vay nợ gần 900 tỷ USD. Trong khi đó, tập đoàn bất động sản vỡ nợ mới đây là Evergrande có khối nợ chỉ khoảng 300 tỷ USD.

Nói cách khác, đường sắt cao tốc của Trung Quốc là một quả bom nợ với sức công phá tiềm tàng lớn gấp ba lần Evergrande. Sở dĩ đến nay tình hình vẫn có vẻ êm thấm là bởi vì tập đoàn đường sắt do nhà nước sở hữu 100% và nhà đầu tư, chủ nợ tin chắc sẽ được giải cứu.

Trung Quốc và Mỹ đều bơm tiền và chịu lạm phát: Sự khác biệt là gì? - Ảnh 7.

Đoàn tàu cao tốc chạy giữa Trừng Mại và Hải Khẩu (Trung Quốc) tháng 12/2021. (Ảnh: Nhân dân nhật báo).

Các tỉnh thành cũng gánh khối nợ lớn khi xây đường sắt cao tốc do chi phí thường cao gấp ba lần đường sắt thông thường. Tuy vậy, các lãnh đạo địa phương vẫn thích xây để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nhiệm kỳ của mình. Giá đất ở những nơi có đường sắt cao tốc đi qua thường cao hơn và do vậy địa phương sẽ có thêm nguồn thu từ việc bán đất.

Đường sắt cao tốc có điểm yếu là tải trọng thấp, chỉ có thể chở người chứ không thể vận chuyển hàng hóa.

Dồn hết tiền vào đường sắt cao tốc đồng nghĩa với việc không còn nguồn lực cho đường sắt thông thường và không có hệ thống giao thông để chở hàng đường dài trên đất liền, khiến cước vận tải lên cao và lạm phát thêm trầm trọng.

Ngoài các dự án hạ tầng tốn kém, Bắc Kinh còn phải chi tiền cho việc giải cứu làn sóng các doanh nghiệp nhà nước vỡ nợ trong đại dịch cũng như đẩy mạnh cuộc đua lên vũ trụ.

Lạm phát từ Trung Quốc chạy sang Mỹ

Chỉ số giá tiêu dùng (PPI) tháng 10 và 11 của Trung Quốc vọt lên lần lượt 13,5% và 12,9% trong khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng khoảng 2%. Nguyên nhân là chính phủ kiểm soát chặt chẽ giá cả trong nước nên các doanh nghiệp tư nhân không thể tùy ý nâng giá bán theo cơ chế thị trường.

Khi không thể chuyển phần tăng trong chi phí sản xuất cho người tiêu dùng trong nước, doanh nghiệp Trung Quốc sẽ phải trút gánh nặng cho khách hàng nước ngoài.

Mỹ là nước nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Trung Quốc và do vậy, việc lạm phát tiêu dùng của Mỹ lên cao kỷ lục có một phần nguyên nhân đến từ chính sách kinh tế ở Bắc Kinh.

Từ tháng 4 năm nay, ông Raymond Yeung, Kinh tế trưởng phụ trách khu vực Đại Trung Hoa tại ngân hàng ANZ đã nhận định: "Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy PPI của Trung Quốc có hệ số tương quan cùng chiều lớn với CPI của Mỹ. Số liệu PPI của Trung Quốc cao có thể ảnh hưởng tới đánh giá về áp lực lạm phát tại Mỹ và toàn cầu".

Xem thêm: mth.48133557141211202-ig-al-teib-cahk-us-tahp-mal-uihc-av-neit-mob-ued-ym-av-couq-gnurt/nv.zibmanteiv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Trung Quốc và Mỹ đều bơm tiền và chịu lạm phát: Sự khác biệt là gì?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools