Dịch bệnh khiến nhiều người phải chọn ăn Tết xa quê - Ảnh minh họa của QUANG ĐỊNH
1. Mấy hôm nay không khí nhà bác Tư buồn thiu như bầu trời sau những cơn mưa. Tôi chẳng biết và chẳng hỏi lý do là gì, chỉ thỉnh thoảng ghé sang nhà bác, không khí trầm lặng hẳn xuống.
Bà Tư chẳng buồn buôn chuyện với tôi như mấy hồi, cái bé Tí thấy mặt tôi như tiu nghỉu như ai lấy của nó que kẹo. Nó nói với tôi bằng cái giọng như sắp khóc tới nơi: "Năm nay anh cả không về được chị Mận nghe!".
Tôi dần dần hiểu ra câu chuyện.
Nhà bác Tư cách nhà tôi hai ba bước chân. Mọi năm trước giờ này nhà bác Tư nhạc Xuân rộn ràng cả lên. Những ngày sát Tết, bận gì thì bận, bác Tư cũng tranh thủ lặt lá mai vàng. Cái gốc hoa mai năm cánh mà bác Tư cùng đứa con trai lên rừng tìm về, trồng ngay trước sân.
Nhưng mà năm nay bác Tư chẳng buồn hái. Mấy chiếc lá mai khẽ rung rinh trong gió, như mỗi lần thấy tôi ghé qua đều như muốn được vuốt ve an ủi nỗi lòng. Buồn chứ sao không, anh cả của nó đã hai năm nay chưa một lần ghé quê.
Là bởi vì con nhỏ "Cô-vy" đáng ghét kia hay tại vì gì, tôi chẳng rõ!
Đầu năm ngoái, khi ca dịch bệnh đầu tiên xuất hiện tại Sài Gòn, nhà bác Tư đã lo lắng thế nào. Mọi cuộc gọi vào trong Nam đều kèm theo lời nhắc nhở, căn dặn đủ điều. Có những khi bác Bảy ngồi tâm sự với tía tôi cả đêm, về những mong ước, những lắng lo.
Anh cả khi ấy vẫn có một công việc ổn định, thỉnh thoảng anh cũng tham gia chạy Grab vào mỗi đêm để kiếm thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống. Nhưng rồi tôi chẳng biết vì lý do gì, Tết năm ngoái anh chẳng về. Để bác Tư ngóng trông đợi hoài.
Năm đó mai nhà bác Tư chẳng buồn thay lá, những bông hoa năm cánh nhẹ tênh trong sương gió. Đó là lần đầu tiên sau mười mấy năm tôi không nghe tiếng nhạc Xuân phát ra từ chiếc tivi cũ của bác, và con Tí chẳng thèm đoái hoài mỗi khi tôi sang chơi.
2. Cách đây hơn hai tháng, thành phố cho người xa xứ hồi hương.
Vợ chồng bác Tư mừng rỡ, hớn hở chạy sang khoe với tía má tôi rằng anh Ba sẽ về. Sau đó là những cuộc gọi hỏi thăm vào Nam, và khi thì bé Tí, khi thì tôi giúp bác Bảy chỉnh lại âm lượng, cài đặt 3G cho bác Tư gặp con… qua Internet.
Nhưng kết thúc cuộc gọi, anh cả khi nào cũng nói một câu thường trực: "Về quê lấy gì ăn ba? Tiền trả ngân hàng, tiền sắm sửa cho cái Tết sắp về, đợi Tết con về luôn thể…".
Hai vợ chồng bác Tư lặng người. Tôi nhìn thấy nơi khóe mắt kia ướt đẫm, những vết nhăn trên trán nhíu lại. Bác Tư quay đi, bờ vai gầy guộc và cái bước đi chậm chạp ấy khiến tôi một thoáng nhói lòng. Nếu anh cả nhìn thấy, liệu anh có về không?
Sáng sớm hôm ấy, tôi nghe má kể lại, vợ chồng bác Tư ra đầu đường đứng đợi. Những dòng người hồi hương trên chiếc xe máy lướt qua. Bác Tư kiên nhẫn nhìn từng đoàn xe này đến đoàn xe khác, từ ngày này sang ngày khác. Cho đến khi không còn những đoàn người hồi hương nữa mới thôi.
Tía tôi nói anh cả không về, bác Tư dẫu đã biết nhưng mà vẫn ra chờ như một thói quen. Hay là vì trong tim bác Tư vẫn ánh lên một niềm hy vọng, rằng trong những dòng người lũ lượt ấy, có thằng con trai của bác.
Thằng con mà hai vợ chồng bác thương hết mực, thằng con mà nó sẵn sàng nhường việc học cho mấy đứa em để vào Nam làm bưng bê bốc vác mấy chục năm trời.
Những năm trước đây, anh cả về mỗi năm 2, 3 lần. Mỗi lần về anh cả bọn tôi được thưởng thức quà ngon vật lạ, nào là chôm chôm, kẹo dừa. Rồi anh cùng bác Tư hái lá mai vàng trước sân để canh ngày nở rộ vào dịp Tết.
Nhưng rồi, dịch bệnh hai năm nay khiến cuộc sống ai nấy đều chao đảo. Công việc chạy xe ôm công nghệ cũng dừng hẳn. Đặc biệt vào mùa hè năm nay, cái nghề thợ nề tha hương cầu thực của anh cả lay lắt như ngọn đèn dầu trước gió.
3. Bác Tư và tía tôi ngồi trước hiên, nhấm nháp chút rượu trong cái giá lạnh ngày đông sau một chiều đi đồng về.
Khoảng trời phía trước ảm đạm và âm u không thấy nổi tia sáng. Gương mặt khắc khổ của bác Tư khiến tôi một thoáng mơ hồ. Chẳng lẽ mùa xuân năm nay như vậy sao?
Nói đoạn, tía tôi rút điện thoại ra gọi cho ai đó. Tôi nghe tiếng người nói sau một hồi lâu. Đầu dây bên kia lên tiếng: "Con nghe đây chú Sáu".
Ba tôi mở loa ngoài đằng hắng giọng: "Tao nghe ba mày nói năm nay không về hả? Rồi ở trong đó ăn Tết luôn hay sao con?" Tiếng anh cả thở dài: "Bao nhiêu khoản phải chi, con tính tranh thủ mấy ngày Tết kiếm thêm ít việc phụ, rồi gửi tiền về nhà".
Bác Tư lúc bấy giờ mới mở miệng. Tôi thấy bác mở miệng một cách khó nhọc: "Tiền lúc nào chả kiếm được hả con? Về có ba có má, có anh có em, dù ăn miếng rau húp cháo cũng vui mà".
Bác Tư nói xong rồi lấy tay chùi khóe mắt. Trên gương mặt vợ chồng bác Tư, những giọt nước mắt như chực chờ rơi xuống. Tôi nhìn mà sao chua xót.
Sự im lặng bao phủ vạn vật, trên những mái nhà, ngõ nhỏ và cả hàng cau rì rào trước gió.
Mãi một lúc lâu, anh cả mới trả lời: "Dạ ba má, con về hái lá mai". Rồi anh cả và bác Tư, cả tía tôi nói thêm gì đó tôi nghe không rõ. Chỉ thoáng thấy gương mặt bác Tư tươi tỉnh hơn những ngày vừa qua.
Tía tôi nâng chén rượu mời bác Tư, bác uống trọn một hơi, rồi đưa đôi mắt nhìn về cõi xa xăm.
Đời người mà được mấy năm! Năm này chẳng kiếm tiền được thì còn năm khác. Nhưng bỏ lỡ một lần đoàn tụ với mẹ cha, là mất đi một lần ở cạnh người thân nữa rồi.
COVID đáng ghét này sao cứ mãi quẩn quanh, để những người tha hương như anh chẳng biết đường trở về!
Đồ họa: NGỌC THÀNH
TTO - Nhiều năm trôi qua, tôi dần quen với Tết thành phố, nhưng vào ngày gió mùa ập đến bất ngờ, tôi vẫn không khỏi xao xuyến, nhớ nhung. Nhớ về ngôi nhà gỗ đơn sơ, về xóm núi heo hút với ngày mổ lợn Tết đầy tất bật mà ấm no vô cùng.
Xem thêm: mth.88252849141211202-noc-ah-coud-meik-ahc-oan-cul-neit/nv.ertiout