Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định, đến năm 2025 kinh tế số đạt tỉ trọng 20% GDP, đến năm 2030 sẽ đạt khoảng 30% GDP.
Kinh tế số năm 2021 của Việt Nam dự kiến đạt 21 tỉ USD
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Võ Thành Thống, trên thế giới, kinh tế số đang tăng trưởng rất nhanh, trở thành chìa khoá cho không ít nền kinh tế vươn ra toàn cầu. Chuyển đổi số đang ngày càng trở nên cấp bách khi dịch COVID-19 đã tác động, thay đổi cuộc sống, thói quen của con người, gây ra những khó khăn, thách thức chưa từng có, buộc các tổ chức, cá nhân và cả cơ quan quản lý Nhà nước cũng phải thay đổi và thích ứng.
Theo nhận định của Bộ KHĐT, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh nhưng dự kiến nền kinh tế số năm 2021 đạt 21 tỉ USD, tăng 31% so với năm 2020, tương đương Malaysia và chỉ đứng sau Indonesia, Thái Lan.
Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định, đến năm 2025, kinh tế số đạt tỉ trọng 20% GDP, đến năm 2030 kinh tế số chiếm khoảng 30% GDP. Hiện tại, Việt Nam đã thu hút được trên 100 nhà đầu tư nước ngoài và Việt Nam đang là điểm đến của nhiều công ty công nghệ thông tin và công nghệ thông minh hàng đầu thế giới như Apple, Samsung, Ericsson, ABB, Qualcomm… Những cơ sở này cho thấy, Việt Nam đang sở hữu những điều kiện tốt để xây dựng kinh tế số.
Kỷ nguyên kỹ thuật số, đổi mới sáng tạo với 5G
Ngày 14.12, tại diễn đàn “Chuyển đổi số - Thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới sáng tạo với 5G” do Bộ KHĐT tư chỉ đạo tổ chức, đại diện cho các thành viên Tiểu ban Kỹ thuật số - EuroCham, ông Christophe Poisson nhấn mạnh: Thế giới đang trải qua một sự thay đổi lớn khi bước vào kỷ nguyên kỹ thuật số và Việt Nam đang tham gia vào kỷ nguyên này. 5G dự kiến sẽ mang đến nhiều cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp EU tại Việt Nam trong thời gian tới.
"Các thành viên của chúng tôi là các doanh nghiệp kỹ thuật số và chúng tôi tự hào đã tham gia vào hành trình chuyển đổi số của Việt Nam trên nhiều phương diện: Cung cấp dịch vụ tư vấn chuyển đổi số trong các lĩnh vực dịch vụ tài chính, giáo dục, các dự án thành phố thông minh. Các thành viên trong Tiểu ban Kỹ thuật số đã và đang theo sát sự phát triển của quá trình chuyển đổi số của Việt Nam. Rõ ràng, 5G sẽ đóng góp vào sự chuyển đổi cơ bản của kỹ thuật số" - ông Christophe Poisson nêu ý kiến.
Bày tỏ quan điểm, ông Denis Brunetti - Chủ tịch Ericsson tại Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar phát biểu: “Trong bối cảnh Việt Nam đang có hoài bão số hóa xã hội, chúng tôi kỳ vọng 5G sẽ đóng vai trò nền tảng thông qua tăng cường kết nối băng rộng, cải thiện vùng phủ sóng nông thôn, tạo điều kiện thu hẹp khoảng cách số, phát triển công nghiệp 4.0 và gia tăng đóng góp của lĩnh vực truyền thông số vào GDP của Việt Nam. Một thành phần quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam là phát triển nền kinh tế số, dự kiến sẽ đóng góp 7% GDP vào năm 2025 và 7,5% vào năm 2030”.
Theo Bộ KHĐT, từ tháng 1.2021, bộ đã chủ động ban hành và triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 với mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam thay đổi, thích ứng với những điều kiện mới, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng Cục Viễn Thông - Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ đã đặt mục tiêu sẽ chính thức cấp phép thương mại hoá 5G trong năm 2022 và sớm phủ sóng đến các khu công nghiệp công nghệ cao; khu vực cho nhu cầu, đây là quyết tâm của ngành thông tin và truyền thông trong việc đưa Việt Nam đồng hành với các nước đi đầu về 5G.
"Trong thời gian tới, Cục Viễn thông sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với các đơn vị, các doanh nghiệp viễn thông khẩn trương tổng kết đánh giá quá trình thử nghiệm mạng 5G, xây dựng tiêu chí về vùng phủ, chất lượng để cấp phép; giải pháp sử dụng chung hạ tầng để tiết kiệm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng, khai thác mạng đồng thời làm chủ công nghệ 5G thông qua việc sử dụng thiết bị Make in Vietnam" - ông Nhã khẳng định.
Xem thêm: odl.976489-0302-man-oav-03-av-5202-man-oav-pdg-7-pog-gnod-es-os-et-hnik/et-hnik/nv.gnodoal