vĐồng tin tức tài chính 365

Ùn ứ hàng xuất nhập khẩu qua biên giới: Bán đổ, bán tháo

2021-12-15 09:34

Theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, vẫn trong tình trạng phía Trung Quốc ngày càng siết chặt công tác phòng dịch, tạm đóng một số cửa khẩu nên lưu lượng xe ô tô chở hàng nông sản, hoa quả đến từ các tỉnh miền Nam đến Lạng Sơn nhiều, đã kín địa điểm kiểm hóa, bãi tập kết hàng và đỗ tràn ra tuyến đường quốc lộ 1A thuộc địa phận huyện Cao Lộc và Văn Lãng.

Anh Nguyễn Văn Dũng, tài xế người tỉnh Bình Định cùng nhóm lái xe chở mít đến khu vực bãi trung chuyển Bản Liếp (xã Phú Xá, huyện Cao Lộc) 12 ngày nay, dự kiến một ngày nữa sẽ đến "nốt" để di chuyển đến cửa khẩu Tân Thanh làm thủ tục thông quan bán hàng sang Trung Quốc. Tưởng sẽ mừng vui nhưng anh lại không nói một lời, rồi dẫn chúng tôi đến cuối container của mình, mở thùng chứa mít chất đầy trong khoang.

 Ùn ứ hàng xuất nhập khẩu qua biên giới: Bán đổ, bán tháo - Ảnh 1.

Bán tháo khoán mít xuất khẩu với giá rẻ bèo Ảnh: Duy Chiến

Mùi mít thơm lựng phả ra. Tuy nhiên có mùi chua nhẹ. Anh bốc một quả mít đưa xuống đất, lấy dao bổ làm đôi. Màu quả mít vàng khê. Anh bảo: Mít đã chín quá rồi nên thay vì đi biên giới thì anh sẽ phải đánh xe rời bãi mang đến nơi nào đó ở xứ Lạng để bán không thì mít sẽ hỏng.

"Kể cả được lăn bánh lên được cửa khẩu Tân Thanh lại phải chờ thêm vài ngày nữa thì mít sẽ rũ chín hết. Khi đó, mang sang Trung Quốc mà quả thối, hỏng thì bị ngành chức năng và cả đối tác nước bạn phạt vì bị hỏng hàng và ô nhiễm môi trường.Thế thì tiền mất, tật mang", anh Dũng chua chát.

Một vài người đồng nghiệp hò nhau bổ mít ra, mỗi người cầm một góc, chia nhau móc múi mít ăn. Anh Dũng bảo, thôi thì ăn tạm chứ ngon bổ gì, vì tâm trạng không vui, nếm múi mít cảm thấy nhạt nhẽo pha chút cay đắng.

Anh Nguyễn Thành Đông, người Hải Dương, lái xe biển số 15C-210.80 cho biết, anh chở trái sầu riêng từ cửa khẩu Cha Lo, tỉnh Quảng Bình đến Lạng Sơn đã gần chục ngày. Anh cho biết, trái cây này chủ doanh nghiệp nhập khẩu từ Thái Lan, sang Lào rồi về Việt Nam. Nếu không ùn ứ thì số sầu riêng này không lo sợ bị hỏng. Nhưng với tình trạng ùn ứ này, anh như ngồi trên đống lửa.

"Hiện nay, chúng tôi thêm một nỗi lo nữa là một số xe container đã trả hàng xong ở bãi Khả Phong, Trung Quốc gần 20 ngày nay mà không hiểu sao lại bị lưu ở đó, chưa được trở về Việt Nam. Hiện nay, ở bên kia biên giới còn khoảng trên 1.000 xe ô tô rỗng (xe không hàng) chưa được "quay đầu" về với chủ xe đang ở Tân Thanh", anh Đông nói.

Hàng "quay đầu" - chấp nhận bán lỗ

Theo quan sát của phóng viên Tiền Phong, mỗi ngày có hàng chục xe ô tô chở mít, thanh long, sầu riêng buộc phải rời khu trung chuyển, bãi kiểm hóa đi ngược trở lại quốc lộ 1A, đến địa điểm nào rộng, có đông người thì đỗ lại, dỡ hàng xuống bán. Người dân địa phương quen gọi những hoa quả xuất khẩu phục vụ thị trường nội địa là hàng "quay đầu".

Ở thành phố Lạng Sơn có nhiều địa điểm bán trái cây xuất khẩu "quay đầu", nhưng đông nhất vẫn là khu vực bến xe phía Bắc và bãi đất nhà máy xi măng cũ. Người bán, kẻ mua khá nhộn nhịp.

“Không chỉ có hoa quả tươi xuất khẩu buộc phải quay đầu, mà chúng tôi còn ngóng chờ xe container đã nằm “chết” ở Trung Quốc gần 20 ngày nay vẫn chưa trở lại Việt Nam”. Tài xế Nguyễn Thành Đông

Tranh thủ lúc thưa khách, chúng tôi gặp chị Lương Thị Đằng, 34 tuổi và Nguyễn Thanh Xuân, 33 tuổi. Hai chị đều là người Lạng Sơn bán hàng hoa quả xuất khẩu, nay ngồi cạnh đống mít trong thùng xe container ngao ngán tâm sự: "Một xe ô tô này chứa hàng chục tấn hàng. Ngồi bán từng quả, từng cân thế này thì bao giờ mới giải phóng xong một xe hàng?. Thôi thì, mít quá chín, sắp đổ đi thì bán tháo, giá 6-7 nghìn/kg".

Nói đoạn, chị Đằng chỉ cho chúng tôi thấy một đống to trái mít nằm chỏng chơ góc đường và cho biết, đó là hàng thải loại, thối hỏng.

"Xót của lắm anh ơi. Cứ một xe container này là lỗ hơn 200 triệu đồng. Đó chưa kể những chi phí khác như tiền thuê lái xe, chi phí, lệ phí các loại. Đến nước này thì mất tết đến nơi rồi", chị Đằng tâm sự.

Ngồi bán mít ở khu vực bến xe phía Bắc, anh Vũ Văn Trung, 40 tuổi, quê Thái Bình là tài xế lái xe đường dài gần chục năm qua. Anh bảo, loại mít xuất khẩu này mua từ miền Tây nam bộ với giá trên 20 nghìn đồng/kg, mà nay bán sỉ với giá 10 ngàn/kg (loại 1), 6 nghìn/kg (loại 2). Vừa mất thời gian bán hàng vừa lỗ vốn vì khách ai cũng thích cân tươi.

Tôi được anh Trung tâm sự, gia đình có vợ, hai con luôn đau ốm lại không có công ăn việc làm ổn định. Cuộc sống trông cả vào công việc xuất nhập khẩu xuyên biên giới của anh.

"Nhà tôi thuộc hộ nghèo. Mỗi khi vợ điện thoại lên hỏi thăm, tôi đều phải giấu vì vợ tôi hay suy nghĩ, lăn ra ốm thì khó khăn lại càng chồng chất", anh Trung nghẹn lời.

Nắng chiều chợt tắt rất nhanh và màn đêm buông xuống. Những người bán hàng hoa quả xuất khẩu "quay đầu" nhanh chóng thu dọn hàng hóa rồi lên xe đi về hướng biên giới trong thẫm chiều xứ Lạng xa ngái.

Nguyễn Duy Chiến

Tiền Phong

Xem thêm: nhc.52482948051211202-oaht-nab-od-nab-ioig-neib-auq-uahk-pahn-taux-gnah-u-nu/nv.zibefac

Comments:0 | Tags:No Tag

“Ùn ứ hàng xuất nhập khẩu qua biên giới: Bán đổ, bán tháo”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools