Pháp "tố" Anh và EU phản bội
Ngư dân Pháp đang đề xuất kế hoạch phá hỏng Giáng sinh của hàng triệu người Anh bằng cách phong tỏa cảng Calais và các cảng quan trọng khác để phản ứng với việc giải quyết tranh chấp về giấy phép đánh bắt cá thời hậu Brexit.
Các nguồn tin nội bộ chia sẻ với hãng tin Telegraph (Anh) vào ngày 12/12 rằng, ngư dân Pháp sẽ có các hành động trì hoãn hoạt động thương mại qua Channel Tunnel - đường hầm qua eo biển nối giữa Anh và Pháp - trong thời điểm lễ hội cuối năm vì nhiều ngư dân Pháp đã bị từ chối cấp giấy phép hoạt động trong vùng biển của Anh.
"Chúng tôi đã nói rõ, các cuộc biểu tình đã được lên kế hoạch, sau khi các cảng Breton và Norman bị phong tỏa vào ngày 26/11", ông Oliver Lepretre - lãnh đạo Uy ban nghề cá khu vực Hauts-de-France - cho biết. "Các hoạt động sẽ nhằm vào việc nhập khẩu các sản phẩm từ Anh. Các ngư dân Pháp hơn bao giờ hết đoàn kết chống lại nghịch cảnh và không có ý định khuất phục trước các khó khăn".
Tàu đánh cá của Pháp tại cảng Calais. Ảnh: Yahoo
Những lời đe dọa được đưa ra sau khi Anh và EU đồng ý cấp phép đánh cá cho 23 tàu của Pháp hoạt động trong vùng biển của họ để giải quyết tranh chấp kéo dài về giấy phép hậu Brexit. 7 chiếc tàu khác cũng được cấp phép thêm vào ngày 13/12 sau khi các chuyên gia EU và Anh sắp kết thúc một thời gian đàm phán chuyên môn kéo dài một tháng. Tuy vậy, ngư dân Pháp đã mong đợi nhận được hơn 100 giấy phép.
Các nguồn tin nội bộ cho biết, ngư dân Pháp cảm thấy bị Vương quốc Anh "phản bội" và Ủy ban Châu Âu "bỏ rơi". Họ cáo buộc Brussels đầu hàng trong các cuộc đàm phán, "bất chấp lời hứa sẽ cứng rắn hơn". Chính phủ Pháp dường như cũng đã từ bỏ việc theo đuổi hành động pháp lý thông qua EU để chống lại nước Anh.
Trong một nỗ lực để mở lại cuộc đàm phán, ngành ngư nghiệp Pháp sẽ lặp lại chiến dịch để "gây hại tới lợi ích của nước Anh" bằng cách nhắm vào hàng hóa được vận chuyển giữa cảng Calais và Dover.
Trả thù nhắm vào các lô hàng Giáng sinh
Chi tiết về kế hoạch hành động vẫn đang được thảo luận giữa các lãnh đạo công đoàn nhưng theo một nguồn tin trong ngành nói với tờ Telegraph rằng, các cuộc phong tỏa có thể sẽ diễn ra trước ngày 23/12, tập trung chủ ý vào các chuyến hàng Giáng sinh.
Tháng trước, hàng chục ngư dân Pháp đã ngăn phà và xe tải đi vào cảng Calais, hầm Channel và các cảng nhỏ hơn ở Saint-Malo và Ouistreham. Cuộc biểu tình của họ diễn ra sau khi Paris từ bỏ kế hoạch tạm ngưng hoạt động thương mại qua Channel Tunnel thông qua việc áp dụng các biện pháp kiểm soát gắt gao hơn đối với các phương tiện vận tải của Anh đến Pháp, do Pháp không nhận được sự ủng hộ từ EU.
Khi được hỏi liệu cuộc biểu tình mới nhất của họ có gây thêm gián đoạn hay không, một nhà tổ chức cho biết: "Chắc chắn là có, không nghi ngờ gì cả!"
Ngư dân Pháp tạo khói mù gây khó chịu cho các lái xe vận tải xuyên hầm Channel từ Anh sang Pháp. Ảnh: Yahoo
Để đối phó với xung đột ngày càng nghiêm trọng, Bộ trưởng Hàng hải Pháp Annick Girardin đã thông báo sẽ tiến hành xem xét tất cả các đơn xin cấp phép không thành công. Trước cuộc họp với các đối tác EU tại Brussels, bà Girardin nói: “Về vấn đề giấy phép đánh bắt cá với Vương quốc Anh, tôi sẽ thảo luận với Bộ trưởng các vấn đề Châu Âu Clement Beaune về các thỏa thuận pháp lý liên quan tới từng giấy phép được yêu cầu mà không được cấp phép. Chúng tôi sẽ không để sót một trường hợp nào".
Paris đã để ngỏ khả năng cung cấp hỗ trợ tài chính cho các tàu đánh cá không có quyền tiếp cận vùng biển của Anh và vẫn kêu gọi Hội đồng Châu Âu kích hoạt các hành động pháp lý chống lại Anh nếu không được cấp thêm giấy phép.
Các nguồn tin của Anh cho biết, nước này đã "nỗ lực rất nhiều" để giúp các tàu đánh cá của Pháp chứng minh rằng họ có quyền đánh cá trên vùng biển của Anh sau Brexit, bao gồm cả việc mua dữ liệu định vị thương mại. Họ nói thêm, quy trình cấp giấy phép, trong đó yêu cầu các tàu thuyền của EU chứng minh họ đã đánh bắt ở vùng biển ven biển của Anh trong 4 ngày từ năm 2012- 2016, phải căn cứ trên "bằng chứng chứ không phải thời hạn".
Cho đến nay, Vương quốc Anh đã cấp gần 1.800 giấy phép cho các tàu đánh cá Châu Âu hoạt động trong vùng biển của nước này, trong đó có hơn 800 tàu của Pháp theo thỏa thuận thương mại Brexit.
Theo Thu Ngọc
Doanh nghiệp và Tiếp thị