Chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu Hong Kong Yuen Kwok Yung - Ảnh: SCMP
Ông Yuen Kwok Yung, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm và tác giả nghiên cứu từ Đại học Hong Kong, công bố kết quả nghiên cứu tối 14-12.
Theo đó, đối với biến thể Omicron, không ai trong số 25 người tiêm đầy đủ vắc xin CoronaVac do Sinovac phát triển có mức kháng thể đủ để phát hiện được.
Đối với 25 người tiêm đầy đủ vắc xin Pfizer, có 5 người trong số đó có mức kháng thể có thể phát hiện được, nhưng mức kháng thể của họ cũng thấp hơn 35-40 lần so với chủng SARS-CoV-2 ban đầu và giảm "đáng kể" so với 2 biến thể trước đó là Beta và Delta.
"Biến thể Omicron có thể làm giảm hiệu quả của 2 liều vắc xin COVID-19, đặc biệt là CoronaVac của Sinovac", ông Yuen Kwok Yung nói. "Do đó người đã tiêm vắc xin hay thậm chí bệnh nhân đã khỏi bệnh vẫn có nguy cơ tái nhiễm cao".
Nhóm nghiên cứu của ông Yuen cho biết phát hiện của nhóm chỉ xem xét một khía cạnh của hệ thống miễn dịch và cần phải nghiên cứu thêm mới có thể xác định cần tiêm liều vắc xin thứ 3 để tăng khả năng bảo vệ hay không.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cho rằng cần phát triển vắc xin thế hệ tiếp theo.
Theo báo SCMP, một số nghiên cứu trong thời gian gần đây cho thấy vắc xin giảm khả năng bảo vệ trước biến thể Omicron so với các biến thể trước đó, mặc dù các chuyên gia vẫn tin rằng vắc xin hiện tại vẫn có thể duy trì khả năng bảo vệ con người trước nguy cơ bệnh nặng hay tử vong.
Cùng với phát hiện từ nhóm nghiên cứu ở Đại học Hong Kong, Pfizer-BioNTech vào tuần trước đã công bố nghiên cứu sơ bộ chứng minh 3 liều vắc xin của họ có thể vô hiệu hóa biến thể Omicron.
Hãng dược Sinovac Biotech (Trung Quốc) hiện đang phát triển phiên bản vắc xin chống biến thể mới.
Cả Sinovac và Pfizer-BioNTech chưa đưa ra bình luận về nghiên cứu từ Đại học Hong Kong.
TTO - Ngày 14-12, Bộ Y tế Campuchia cho biết nước này ghi nhận ca đầu tiên mắc biến thể Omicron (lần đầu xác định tại nam châu Phi). Người bệnh là một phụ nữ vừa trở về từ Ghana.