vĐồng tin tức tài chính 365

"Sập bẫy" kẻ gian từ màn kịch tráo hàng

2021-12-15 17:03

Vì chuyên kinh doanh các loại nước hoa đắt tiền nên việc khách đặt mua một lúc nhiều sản phẩm với số tiền lớn là điều bình thường, anh A. không chút mảy may nghi ngờ mà gom hàng đi giao ngay cho khách. Tìm đến địa chỉ nam thanh niên cung cấp, anh A. có mặt tại một tiệm game trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long và gọi điện cho khách xuống lấy hàng. Qua trao đổi, nam thanh niên xác nhận anh A. đã đến đúng địa chỉ, rồi đi ra trước cửa tiệm. Thấy nam thanh niên từ trên lầu bước xuống và mặc đồ ở nhà, cho rằng là chủ tiệm game nên anh A. càng thêm tin tưởng.

Sau khi kiểm tra đủ số lượng các chai nước hoa, nam thanh niên không thanh toán ngay mà yêu cầu anh A. đợi để vào nhà lấy tiền. Không đợi anh A. trả lời, nam thanh niên mang 3 chai nước hoa vội quay vào bên trong tiệm game. Vì phải trông chừng xe máy nên anh A. đành chấp nhận đứng bên ngoài đợi. Lát sau, nam thanh niên đeo chiếc ba lô quay trở ra trả lại gói hàng với lý do không có đủ tiền, yêu cầu anh A. đợi để sang nhà người thân gần đó mượn tiền thanh toán. Tuy nhiên, đợi mãi không thấy khách quay lại, anh A. bắt đầu nghi ngờ và kiểm tra lại hàng thì phát hiện các chai nước hoa đều là hàng nhái. Biết đã bị lừa, A. hỏi thăm người trông coi tiệm game mới hay vị khách "sộp" kia không phải là chủ tiệm.

Cùng thời điểm, chị L.T.P (ngụ TP.Vĩnh Long), là chủ tiệm cầm đồ cũng bị "sập bẫy" kẻ gian khi vào vai khách hàng cầm chiếc điện thoại. Theo lời nạn nhân, do chồng có việc đi ra ngoài nên một mình chị vừa dọn dẹp vừa trông coi tiệm. Thấy hai người đàn ông bước vào, chị đon đả tiếp khách. Một người lấy ra chiếc iPhone còn mới và yêu cầu cầm cố. Sau khi kiểm tra kỹ lưỡng, chị P. báo giá 7 triệu đồng. Người đàn ông tỏ ra do dự, nhưng vì người đi cùng cứ thúc giục nên anh ta liền đồng ý.

Ghi hóa đơn và thanh toán tiền xong, chị P. thông báo trong 15 ngày khách phải đến chuộc, nếu để quá hạn cửa tiệm có quyền thanh lý theo quy định. Hai người đàn ông nhận tiền và rời đi. Tuy nhiên, khoảng nửa tiếng sau họ quay lại và cho biết đã mượn được tiền nên muốn chuộc lại chiếc iPhone. Do tình huống này đã gặp nhiều lần nên chị P. xem là bình thường và vui vẻ làm các thủ tục trả hàng cho khách. Thế nhưng trong lúc chị P. đếm lại tiền thì người đàn ông giả vờ lấy điện thoại ra nghe máy. Sau khi nghe xong, anh ta muốn tiếp tục cầm cố chiếc điện thoại trên và được chủ tiệm vui vẻ đồng ý.

Lấy từ túi quần một chiếc iPhone cùng mẫu mã, người đàn ông đưa cho chị P. và đề nghị cầm luôn một lúc hai chiếc. Kiểm tra thấy 2 chiếc iPhone giống nhau, chị P. đồng ý với giá 14 triệu đồng. Lấy lý do trong điện thoại có lưu nhiều tài liệu quan trọng, người đàn ông ngỏ ý mượn lại cả 2 chiếc để dán lại với nhau vì sợ chủ tiệm đưa nhầm. Nghĩ rằng khách hàng kỹ tính, chị P. làm theo lời đề nghị mà không chút nghi ngờ. Khi người đàn ông lấy băng keo quấn 2 chiếc iPhone, tên đi cùng liền di chuyển sang phía khác hỏi giá các điện thoại để phân tán sự chú ý của chị P.

Chỉ chờ có thế, người đàn ông liền nhanh tay bỏ 2 chiếc iPhone vào túi quần và lấy 2 chiếc iPhone dỏm đã chuẩn bị sẵn để tráo đổi. Lúc này, do tiếp chuyện với người còn lại nên chị P. dễ dàng bị qua mặt. Sau khi dựng màn kịch để chiếm đoạt tiền, hai kẻ lừa đảo đã "cao chạy xa bay". Đã hết thời hạn 15 ngày, thậm chí hơn một tháng trôi qua vẫn không thấy khách trở lại chuộc 2 chiếc iPhone, chị P. quyết định thanh lý hàng. Khi mở ra kiểm tra, chị P. sững sờ bởi cầm phải điện thoại "dỏm".

Có thể thấy thủ đoạn lừa gạt của bọn tội phạm tuy không mới, song đây là bài học cảnh giác không bao giờ cũ dành cho tất cả mọi người, nhằm tránh cảnh "tiền mất, hận mang".

Hiếu Đức

Xem thêm: lmth.735421_gnah-oart-hcik-nam-ut-naig-ek-yab-pas/caig-hnac/na-uv/nv.moc.nagnoc

Comments:0 | Tags:Vụ án

“"Sập bẫy" kẻ gian từ màn kịch tráo hàng”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools