Theo anh Nguyễn Tuấn Anh - môi giới bất động sản tại Hà Nội, hơn 3 tuần nay, anh liên tục phải làm việc với công suất lớn với cường độ 13 giờ/ngày. Thậm chí, nhiều ngày còn phải bỏ cả bữa trưa để tư vấn, dẫn khách đi xem nhà, buổi tối về tới nhà anh vẫn liên tục gọi điện hẹn lịch với khách hàng đi xem trực tiếp.
“Từ hơn 3 tuần trở lại đây tôi ngày làm việc của tôi bắt đầu vào lúc 7 giờ và kết thúc vào lúc 22 giờ. Lượng khách gọi điện đi xem nhà ngày càng nhiều, nhiều khi khách hàng đi làm và tranh thủ đi xem nhà vào buổi trưa nghỉ nên nhiều hôm tôi phải bỏ cả bữa hoặc ăn tạm cái bánh mì để đi cùng khách hàng. Tôi đang cảm tưởng phải vắt chân lên cổ chạy cho kịp Tết Nguyên đán khách hàng có nhà mới, tôi cũng nhận được tiền môi giới”, anh Tuấn Anh cười nói.
Theo người môi giới cho biết, hiện nay đã vào giữa mùa mua nhà cuối năm nên người mua đang chủ động đi xem nhiều để kịp nhận nhà trước Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, trong năm 2021 do giãn cách gần 3 tháng, nên lượng khách đổ dồn về dịp cuối năm.
“Thực tế, khi đợt dịch thứ 4 bùng phát nhiều người sợ ảnh hưởng thu nhập nên đã tạm dừng việc mua nhà. Tuy nhiên, đến nay khi đã thấy dòng tiền của khách hàng vẫn ổn định nên họ quyết định mua, do đó nên lượng khách trong dịp này tăng mạnh”, anh Tuấn Anh lý giải thêm.
Theo anh Tuấn Anh so sánh, nếu so sánh lượng khách hàng trong cả năm 2020 và 2021 thì năm nay có phần ít hơn rất nhiều. Điều này đến từ việc đến năm thứ 2 của dịch bệnh nhiều người mua đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng hoặc vỡ kế hoạch về tài chính.
“Khách chỉ có dồn vào đợt cuối năm này, còn cả năm vừa qua môi giới bất động sản như chúng tôi ngồi chơi dài, quả đúng là một năm hết hồn. Còn năm 2020, mặc dù có dịch nhưng lượng khách rải rác cả năm. Nên đợt này dù có mệt thì anh em chúng tôi vẫn cố động viên nhau cho kịp Tết”, anh Tuấn Anh nói.
Còn ở góc độ người mua, chị Nguyễn Thu Hà (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, với tầm tài chính khoảng 3,5 tỷ đồng, gia đình chị đang tìm một căn nhà thổ cư tại khu vực Nam Từ Liêm.
“Kế hoạch mua nhà của gia đình tôi đã có từ lâu, nhưng khi đợt dịch lần 4 bùng phát lo sợ vì dịch mà ảnh hưởng thiết kế nên chúng tôi tạm dừng. Đến giờ, công việc cũng đã ổn định, may mắn thu nhập vẫn đều nên chúng tôi đang cố gắng đi xem hy vọng sẽ tìm được nhà ưng ý. Thợ nội thất tôi cũng đã tìm được rồi chỉ còn tìm nhà rồi sửa qua loa là vào nhà mới, chỉ còn hơn 1 tháng nữa là tới Tết rồi”, chị Hà nói.
Không chỉ môi giới và người mua đang phải chạy đua cho kịp Tết mà ngay cả các chủ đầu tư cũng vậy.
Theo ông Võ Hồng Thắng, Trưởng phòng R&D DKRA Vietnam, nhiều chủ đầu tư đang "chạy nước rút" cuối năm, vượt thử thách do dịch bệnh. Khách hàng cũng đang tận dụng thời điểm này để tìm kiếm được bất động sản vị trí đẹp, chính sách kích cầu cuối năm từ các chủ đầu tư để gia tăng lợi nhuận. Thị trường hiện đã sôi động cảnh người bán – kẻ mua, các sàn môi giới, chuyên viên bán hàng cũng tăng tốc về đích cuối năm. "Thị trường bất động sản sẽ tăng trưởng nếu dịch được kiểm soát tốt, hoặc ít nhất là duy trì trạng thái như hiện nay", ông Thắng nhấn mạnh.
Theo vị chuyên gia này, ngay sau thời điểm nới giãn cách, thị trường bất động sản đã phục hồi mạnh mẽ ngoài dự đoán. Riêng tháng 11/2021, thị trường tích cực cả nguồn cung lẫn sức cầu ở hầu hết các phân khúc. Nguồn cung tăng mạnh so với tháng đầu tiên nới giãn cách (tháng 10/2021), nhưng so với cùng kỳ năm ngoái còn khiêm tốn.
"Thị trường bất động sản đang bứt phá mạnh mẽ những tháng còn lại của năm 2021. Đây là cuộc đua về đích của thị trường bất động sản trước khi Tết Nguyên đán sắp đến. Tuy nhiên, sự phân bổ nguồn cung không đồng đều giữa các địa phương. Mỗi địa phương đều có phân khúc bất động sản chủ đạo", ông Thắng nhấn mạnh.
Chia sẻ về nguyên nhân sức cầu và nguồn cung "bật tăng" sau giãn cách, ông Võ Hồng Thắng cho rằng, nguồn cung tăng mạnh trong tháng 11/2021 là nằm trong dự báo trước đó. Thị trường bất động sản như chiếc lò xo bị nén lại, nhiều chủ đầu tư có dự án nhưng vì giãn cách xã hội nên không đưa ra thị trường được. Vừa mở cửa lại nền kinh tế, hoạt động chào bán dự án tăng lên, sức cầu cũng ghi nhận khả quan. Thậm chí, nhiều dự án "cháy hàng".
Về sức cầu, theo vị chuyên gia này, ngoài vấn đề mở cửa kinh tế, tâm lý người mua tích cực thì còn một số nguyên nhân như, thị trường chứng khoán liên tục phá đỉnh, nhiều nhà đầu tư chứng khoán có lợi nhuận đã chuyển một phần lợi nhuận sang kênh bất động sản khiến sức cầu tăng. Chưa kể, hiện lãi suất ngân hàng thấp, nhiều nhà đầu tư phân vân giữa gửi tiết kiệm và mua BĐS, đa số họ cũng hướng vào kênh sinh lời tốt hơn, bất động sản được hưởng lợi.
Ngoài ra, nhiều người có thu nhập ổn định, mạnh dạn dùng đòn bẩy tài chính để mua bất động sản, chính sách hỗ trợ tài chính của chủ đầu tư cũng kích cầu thị trường bất động sản ở giai đoạn này.
Tuấn Minh
Nhịp sống kinh tế