Ảnh minh họa của Đình Cương
Những tia nắng cuối ngày hình như cũng rạo rực khi cảm nhận mùa xuân đang về hòa cùng trời đất vùng cao nên mây mới lang thang trêu đùa với gió vô tư đến vậy. Gió đẩy mây dồn về góc núi để nắng chiều hắt ngược từ dưới bụng mây lên không trung khiến những đám mây mỏng gần mặt trời chuyển dần từ màu trắng tuyết sang trắng đục rồi ửng màu gấc chín.
Lử lấy roi quất vào mông con ngựa đang thồ lỉnh kỉnh những chiếu, chăn, xoong nồi trên lưng. Hai bên hông là một tải thóc, một tải ngô hạt đều đã khô. Một người, một ngựa mải miết trong ánh chiều buông. Thi thoảng, có người vụt xe máy đi qua, bỏ Lử với con ngựa lại phía sau lẫn vào đám bụi đường mù mịt.
Tết này Lử tròn 30 nhưng cái mặt Lử không già theo tuổi. Đàn ông ở Làng Mô tầm tuổi Lử, đã thấy cái tuổi chạy theo thời gian. Trên mặt họ nếp nhăn nhiều hơn cả lông trên lưng con ngựa. Ừ thì, chúng nó cao hơn con ngựa cơ mà. Lử cố với tay cũng không chạm đến mông con ngựa, mặt mà nhăn nữa thì có khác con ma rừng.
Mà Lử là con ma rừng thật chứ? Đám phu ở cửa khẩu vẫn gọi Lử thế. Ngay cả khi hàng hóa bị đóng băng vì COVID-19, đám phu khuân vác ngồi vêu ở lán trại thì Lử vẫn kiếm được việc nhờ có ngựa. Khi thì thồ buồng chuối, khi tải thóc, tải ngô... miễn có cơm cho chủ, có cỏ cho ngựa là Lử làm.
Lử dự tính sát Tết mới về nhưng ở cửa khẩu Lử tiếp xúc với bao nhiêu người, trưởng bản bảo khi nào về phải khai báo y tế, phải cách ly thế nên Lử về sớm hơn dự định cả tháng và tự cách ly trên nương. Nương ngô sau vụ thu hoạch chỉ còn lại những cây khô quắt queo, xơ xác, sát góc lán là đống ngô bắp đã phơi khô được phủ bạt cẩn thận.
Vậy là Sùng Mỷ không bỏ đi, Lử nhìn đống ngô lại nhìn vào trong lán mà như thấy Sùng Mỷ đang ngồi đợi mình... Chỉ nghĩ đến thôi, Lử đã quên hết cả mệt nhọc. Tháo dây cương đuổi con ngựa đi vào rừng kiếm cỏ, Lử nằm một mình trong lán nương mà người cứ lâng lâng như lúc cùng đám bạn bắt Sùng Mỷ về làm vợ, khi dắt tay Sùng Mỷ đi qua cửa chính...
Đang đi, Lử chạy tót lên trước con ngựa một đoạn lấy cái roi gõ gõ vào hòn đá bên vệ đường rồi chỉ về phía có con đường nhỏ bên bờ suối. Con ngựa đang mải miết đi cũng chợn dừng chân rồi rẽ theo ám hiệu của Lử.
Con ngựa là món quà của bố cho khi Lử lấy vợ. Năm ấy, bố Lử ốm. Lúc sắp chết, ông còn cố đi hỏi Sùng Mỷ về làm vợ cho Lử rồi mới yên tâm nhắm mắt xuôi tay. Nhà Lử nghèo, nhà Sùng Mỷ cũng nghèo.
Lử nghèo, Lử xấu người nhưng Lử có bố, có mẹ. Sùng Mỷ nghèo nhưng bố mẹ Sùng Mỷ không biết thương con nên mới bỏ con từ khi chưa hết bú cho bố mẹ nuôi của Mỷ mà đi theo người ta vào tận Đắk Lắk, Kon Tum gì đấy.
Sùng Mỷ học xong cấp III rồi cũng không biết mặt, không biết giọng nói của bố mẹ đẻ thì người ta vẫn nói Sùng Mỷ mồ côi thôi. Nỗi buồn trong lòng không biết cất đi đâu được. Có lần đi nương Sùng Mỷ muốn ném nó trên nương nhưng khóc chán thì đêm về lại thấy nó về theo.
Nhà bố mẹ nuôi cũng nghèo nên Sùng Mỷ đi lấy chồng, bố mẹ nuôi sẽ có thêm đôi gà, một con lợn to với mấy bao thóc để qua những ngày giáp hạt. Mà trước lúc chết, bố Lử hứa cho vợ chồng Lử con ngựa mà làm vốn nên bố mẹ nuôi cũng ưng ý lắm. Thằng Lử nó nhỏ nhưng nó biết cuốc nương, nó cũng được học hết cấp III tử tế.
Thôi thì! Phận đàn bà cứ dựa vào nhà chồng thôi con ạ. Sùng Mỷ im lặng cả tuần rồi mới đồng ý. Ngày xuân, Sùng Mỷ cứ trốn biệt ở nhà. Ai người ta cuốc nương ngày Tết, thế mà Sùng Mỷ cứ cuốc, cứ gieo hạt, bón phân, giẫy cỏ ở nương gần nhà suốt từ khi ăn cơm mới cho đến hết rằm cũng chẳng chịu đi đâu.
Lử biết chứ! Biết trong đầu Sùng Mỷ không nghĩ đến mình. Biết nỗi buồn trong lòng Sùng Mỷ không ném đi đâu được nên cứ trút hết vào đất, vào đá đến nỗi cỏ không kịp mọc đã bị xới lên…Cái buồn làm cho vợ Lử cứ héo hon dần chứ có phơi phới như đám gái bản vừa lớn đâu.
Đàn ông lấy vợ, đêm đêm được ôm vợ mà ngủ, ngày tắm có vợ kỳ lưng, đằng này Lử có vợ mà như không. Tuy Sùng Mỷ ít hơn Lử gần chục tuổi nhưng nhìn vào cái giường buổi đêm người không biết lại tưởng Sùng Mỷ cho con ngủ.
Thằng đàn ông trong Lử có khi cũng thức giấc nhưng lại chẳng dám đụng vào người vợ, thế là mấy năm về ở với nhau, ngủ cùng giường với nhau nhưng cái tay còn không dám tìm nhau thì.... Cái thằng đàn ông trong người Lử, nó mạnh như con thú trong rừng hoang mà cứ để nó cô đơn, nó hậm hực thì khó chịu lắm.
Nghĩ chán, Lử nói với vợ: Cái bụng tôi thương Sùng Mỷ nhiều lắm. Mai tôi theo đám bạn sang cửa khẩu Ma Lù Thàng thồ hàng thuê. Ở nhà có ai thương, Sùng Mỷ cứ đi lấy chồng. Cái nhà của bố mẹ Sùng Mỷ cứ ở. Ngày tôi về, nếu Sùng Mỷ còn thương tôi thì Sùng Mỷ ra cho con ngựa ăn cỏ...
Dịch bệnh thế này thì đi đâu? Đi để xem cái bụng Sùng Mỷ có thương tôi không? Dù sao trước khi Sùng Mỷ không ở với tôi nữa, tôi cũng phải kiếm cho Sùng Mỷ cái váy mới, con ngựa mới làm quà....Trời còn chưa sáng, Lử đã dắt ngựa đi...
Dáng Lử ngồi vắt vẻo trên lưng ngựa lòe nhòe trong sương sớm. Sùng Mỷ đứng vịn tay ở bậu cửa nhìn theo mà nước mắt cứ túa ra như lúc đồng ý làm vợ Lử. Lử quyết định đi là vì Sùng Mỷ chứ đâu vì thiếu cơm, thiếu gạo... nhưng sao lại không thể mở lời mà nói Lử ở lại?
Nhìn cái dáng nhỏ thó của Lử trên lưng ngựa hất bao thóc, bao ngô xuống thì Sùng Mỷ không thể ngồi yên trong nhà nữa, liền chạy ra giữ cương ngựa, giữ thang để Lử xuống rồi dắt ngựa vào chuồng. Con ngựa thồ ngoan ngoãn bước theo Sùng Mỷ, thi thoảng lại dụi đầu vào người cô như đứa con nhỏ làm nũng mẹ sau thời gian xa cách.
Sùng Mỷ vừa vắt dây cương vừa thủ thỉ: Cỏ xanh vừa cắt, ngoan, nghỉ ngơi đi nhé! Con ngựa làm ra điều hiểu ý của cô chủ nên gật gù cái đầu rồi cúi xuống đưa từng nắm cỏ voi xanh vào miệng nhai ngấu nghiến. Đợi Sùng Mỷ vào đến sân, Lử lôi trong bao ra một bộ váy mới: Tôi tặng Sùng Mỷ.
Tết này, nhất định Sùng Mỷ phải đi chơi Tết đấy. Nói rồi, đặt luôn bộ váy màu đỏ, đính rất nhiều hạt cườm, hạt đá vào tay vợ. Sùng Mỷ nhìn Lử không nói nhưng lại cười thầm trong lòng. Đàn bà ở bản Mông này chỉ cần thế!
Chồng yêu thương là đủ chứ nhiều tiền, nhiều bạc chơi nhiều cũng hết. Ngoại hình thì quan trọng gì nữa đâu, vợ chồng sống với nhau vì tấm lòng mà. Tấm lòng của Lử dành cho Sùng Mỷ đến con ngựa còn thấy… Sùng Mỷ nghĩ thế lại tự trách mình...
Bữa cơm tối bên bếp lửa, chỉ có ngọn bí luộc chấm muối ớt mà Lử thấy ngon như ăn thịt cả con lợn rừng. Cũng phải, trong bóng chiều chập choạng, nhá nhem ấy. Lử gặp ánh mắt hạnh phúc, nhẹ nhõm của Sùng Mỷ khi Lử bước vào nhà…
Đồ họa: NGỌC THÀNH