Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen - Ảnh: REUTERS
"Số ca mới tăng gấp đôi sau mỗi hai hoặc ba ngày. Vào giữa tháng 1 biến thể Omicron sẽ thống trị ở châu Âu", bà Ursula nói với Nghị viện châu Âu vào ngày 15-12.
Tuy nhiên, bà Ursula cho biết châu Âu đang có vị thế tốt trước đại dịch. Cơ sở cho sự lạc quan đó chính là châu Âu đã chuẩn bị "đủ vắc xin cho mọi người".
"Giờ đây, chúng ta có thể sản xuất 300 triệu liều vắc xin mỗi tháng ở châu Âu - bà Ursula nói - Chúng ta có hợp đồng đảm bảo việc chúng ta sẽ nhận được vắc xin chống biến thể mới càng sớm càng tốt. Vắc xin hiện có sẽ mất khoảng 100 ngày để thích ứng với biến thể mới".
Bé Luna ở Frankfurt, Đức, tươi cười khi được tiêm vắc xin COVID-19, ngày 15-12 - Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin AFP, khoảng 66,6% dân số châu Âu đã tiêm hai liều vắc xin COVID-19 và có 62 triệu người đã tiêm liều vắc xin thứ 3.
Người đứng đầu châu Âu nói rằng "điều quan trọng nhất hiện nay" là tăng tỉ lệ tiêm chủng, bao gồm ở trẻ em và khối Liên minh châu Âu cần vượt qua "tâm lý hoài nghi vắc xin".
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết biến thể Omicron đã được ghi nhận ở 77 quốc gia.
Tính tới ngày 14-12, Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu cho biết có 2.127 trường hợp mắc Omicron, nhiều nhất là Anh, Đan Mạch, Na Uy, Pháp, Đức và Bỉ.
Một điểm tiêm vắc xin COVID-19 ở London, Vương quốc Anh, ngày 15-12 - Ảnh: REUTERS
Ngay lúc này tại Anh, tình hình đang tệ hơn khi biến thể Omicron chiếm tới 60% ca nhiễm mới ở thủ đô London. Tỉ lệ nhập viện cũng tăng lên ở một số khu vực và được dự báo sẽ sớm phá kỷ lục trong thời gian tới với mức tăng hiện tại, theo lời giám đốc y tế Anh Chris Whitty.
Người đứng đầu Cơ quan An ninh y tế Vương quốc Anh Jenny Harries đã gọi biến thể Omicron là "mối đe dọa đáng kể nhất" kể từ khi bắt đầu xảy ra đại dịch.
Đồ thị cho thấy số ca nhiễm Omicron mỗi ngày ở Vương quốc Anh tăng vọt - Ảnh: TWITTER
Khả năng của vắc xin tới đâu?
Bức vẽ trẻ em nắm tay ống tiêm vắc xin tại Bệnh viện Nuovo Regina Margherita, Ý. Nước này đang tiêm vắc xin cho trẻ 5-11 tuổi - Ảnh: REUTERS
Chuyên gia Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ (NIAID), cho biết hiệu quả của hai liều vắc xin COVID-19 của Moderna "thấp đáng kể" trước biến thể Omicron.
Ông Fauci nói liều vắc xin thứ 3 sẽ tăng cường hiệu quả hơn trước Omicron nhưng nhấn mạnh rằng không cần thiết phải tiêm liều tăng cường cho từng biến thể cụ thể.
Ngày 14-12, ông Yuen Kwok Yung, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm từ Đại học Hong Kong, công bố kết quả nghiên cứu cho thấy 2 liều vắc xin COVID-19 của Sinovac và Pfizer đều không tạo đủ kháng thể chống biến thể Omicron.
"Biến thể Omicron có thể làm giảm hiệu quả của 2 liều vắc xin COVID-19, đặc biệt là CoronaVac của Sinovac - ông Yuen Kwok Yung nói - Do đó người đã tiêm vắc xin hay thậm chí bệnh nhân đã khỏi bệnh vẫn có nguy cơ tái nhiễm cao".
Ngày 15-12, giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ Rochelle Walensky trích dẫn dữ liệu nghiên cứu ban đầu cho biết biến thể Omicron dễ lây truyền hơn biến thể Delta.
Bà Walensky cho biết có vẻ như Omicron cứ 2 ngày là tăng lên gấp đôi, nhưng tin tốt là những người đã tiêm liều vắc xin thứ 3 có tỉ lệ nhiễm thấp hơn 10 lần.
Tình hình dịch COVID-19 ở một số nước:
Mỹ: Ngoại trưởng Antony Blinken cắt ngắn chuyến công du Đông Nam Á sau khi một nhà báo đi theo đoàn mắc COVID-19.
Canada: Bộ trưởng Y tế Jean-Yves Duclos kêu gọi người dân không rời đất nước. "Giờ không phải là lúc đi du lịch", ông Jean-Yves Duclos nói.
Pháp: Cân nhắc bắt buộc du khách nhập cảnh từ Anh phải xét nghiệm PCR do lo ngại biến thể Omicron.
Ý: Xét nghiệm bắt buộc đối với tất cả người nhập cảnh từ EU kể từ ngày 16-12. Người không tiêm chủng phải cách ly 5 ngày khi nhập cảnh. Trước đây, người từ các nước EU tới Ý chỉ cần hộ chiếu vắc xin.
Hàn Quốc: Cân nhắc khôi phục giãn cách xã hội nghiêm ngặt do ca mắc mới gia tăng nhanh chóng. Số ca mắc hằng ngày vượt 7.000 ca vào tuần trước, chỉ vài ngày sau khi vượt mốc 5.000 ca.
Campuchia: Ngày 15-12, Thủ tướng Hun Sen kêu gọi đừng hoảng sợ mà hãy thắt chặt các biện pháp phòng ngừa sau khi nước này ghi nhận ca nhiễm Omicron đầu tiên vào ngày 14-12.
TTO - Ngày 15-12, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết đã có bằng chứng ban đầu cho thấy các loại vắc xin hiện nay có thể kém hiệu quả trong việc ngăn ngừa biến thể Omicron. Biến thể này cũng có nguy cơ gây tái nhiễm cao hơn.
Xem thêm: mth.95390901061211202-ua-uahc-irt-gnoht-mos-es-norcimo-21-61-ioig-eht-91-divoc/nv.ertiout