Phát biểu trên kênh Russia 1, bác sĩ Alexander Myasnikov, người đứng đầu Trung tâm Thông tin về Covid-19 Quốc gia Nga đã lên tiếng cảnh báo về mức độ nguy hiểm của cúm gia cầm và các biến thể của virus này.
Bác sĩ Alexander Myasnikov, người đứng đầu Trung tâm Thông tin về Covid-19 Quốc gia Nga. Ảnh: WikiCommons
Theo ông Myasnikov, hiện nay mọi người chủ yếu lo ngại về đại dịch Covid-19 và đó là lý do vì sao nhiều căn bệnh nguy hiểm hơn lại ít được quan tâm đến. Bác sĩ lưu ý rằng, với nhiều bệnh, trong đó có cúm gia cầm, việc kiểm soát động vật mang virus là điều không thể.
Trước đó, chuyên gia người Nga đã chỉ ra cách duy nhất để bảo vệ bản thân trước biến thể Omicron của SARS-CoV-2. Đó là tiêm chủng. Ông Myasnikov nhấn mạnh rằng, bất kỳ biến thể nào xuất hiện sau cũng sẽ lây mạnh hơn biến thể trước và diễn biến đó là thông thường đối với quá trình tiến hóa của virus.
"Tôi không biết trong trường hợp một biến thể cúm gia cầm mới xuất hiện, chúng ta có nhanh chóng phản ứng và bảo vệ bản thân bằng khẩu trang được hay không. Khi ấy có lẽ chúng ta sẽ phải đối mặt với một vấn đề lớn", bác sĩ Myasnikov nói.
Ông Myasnikov cho biết thêm rằng, tỷ lệ tử vong do mắc căn bệnh này rất cao.
Theo dữ liệu của WHO, từ năm 2003 đến 2021, có 863 ca H5N1 ở người được ghi nhận, trong đó 456 trường hợp tử vong (tỷ lệ tử vong gần 53%). Mặc dù tình trạng lây nhiễm là hiếm hoi nhưng nó vẫn xảy ra. Thông thường, người nhiễm bệnh là do tiếp xúc gần hoặc chạm vào gia cầm nhiễm bệnh, các chất dịch do chúng tiết ra hoặc ổ của chúng.
Cúm gia cầm (avian influenza) là bệnh truyền nhiễm ở động vật do virus gây ra, virus này có "họ xa" với virus gây bệnh influenza ở người.
Mặc dù rất hiếm hoi nhưng một số chủng có thể truyền sang người. Đã có nhiều chuyên gia y tế cộng đồng bày tỏ lo ngại về khả năng virus này đột biến thành các tuýp phụ gây bệnh cho người. Vì vậy, nhiều nhà khoa học đã cảnh báo về mối đe dọa bùng phát đại dịch influenza mới.
Tính tới thời điểm hiện tại, phần lớn các ca tử vong được ghi nhận ở châu Á, nơi môi trường sống của con người tương đối gần với gia cầm. Mặc dù không dễ lây sang người nhưng mỗi lần tình trạng lây nhiễm xảy ra thì tỷ lệ virus có thể đột biến thành dạng thức dễ truyền từ người sang người sẽ cao hơn. WHO lo sợ rằng tình trạng này có thể dẫn tới một đại dịch cúm khác.
Người mắc cúm gia cầm có những triệu chứng tương tự như cúm, bao gồm sốt cao, ho, đau họng, sổ mũi, đau người và có thể cả viêm kết mạc. Hiện nay chưa có vaccine phòng cúm gia cầm ở người.
Cảnh báo được ông Myasnikov đưa ra trong bối cảnh dịch cúm gia cầm nổi lên ở nhiều quốc gia châu Âu và châu Á.
Các chuyên gia Anh cho biết, dịch cúm gia cầm tại Anh đang bùng phát ở mức "đáng lo ngại". Trong khi đó, Nhật Bản và Hàn Quốc đều đã ghi nhận dịch cúm gia cầm ở 1 số nông trại chăn nuôi. Tại Chungcheongbuk-do, giới chức Hàn Quốc đã phải tiêu hủy toàn bộ 770.000 con gia cầm từ 1 nông trại do phát hiện ra bệnh dịch.
Một số khu vực bị phong tỏa ở Bắc Ireland do phát hiện dịch cúm gia cầm. Ảnh: PA
Theo Thi Anh
Doanh nghiệp và Tiếp thị