Mark Zuckerberg bán ra cổ phiếu Meta Platforms (trước là Facebook) gần như mỗi phiên giao dịch trong năm nay. Hai nhà sáng lập của Google bắt đầu xả cổ phiếu trong tháng 5, cùng lúc hai trong số ba nhà sáng lập của Airbnb bắt đầu đa dạng hóa danh mục.
Các giao dịch trên là một phần trong phong trào "xả hàng" của những người giàu nhất nước Mỹ. Tính đến đầu tháng 12, các tỷ phú Mỹ có tên trong danh sách Chỉ số Tỷ phú Bloomberg đã bán 42,9 tỷ USD cổ phiếu, gấp đôi lượng bán ra trong cả năm 2020.
Giới siêu giàu thường nắm giữ cổ phiếu những công ty đã tạo cho họ gia tài kếch xù, vì hiện thực hóa lãi thì sẽ làm phát sinh nghĩa vụ thuế. Nhưng nhiều người giàu Mỹ đang lựa chọn bán cổ phiếu bây giờ khi định giá chứng khoán đang ở đỉnh lịch sử và trước khi thuế có thể tăng vào đầu năm 2022.
Bà Elizabeth Sevilla, đối tác tại công ty tư vấn Seiler cho biết: "Rất nhiều khách hàng của chúng tôi đang bán cổ phiếu". Các nhà sáng lập và nhà đầu tư mạo hiểm quyết định đa dạng hóa danh mục tập trung của mình, hoặc "Họ nhìn vào thị trường và tuyên bố: "Chúng ta đang đứng trên đỉnh"".
Ngoài ra, việc chấp nhận hóa đơn thuế trong năm 2021 có thể giúp những khách hàng giàu có tránh được thuế suất cao hơn của những năm sau.
Lần đầu trong nhiều năm
Một số tỷ phú giàu nhất thế giới đã bắt đầu bán ra cổ phiếu sau khi khư khư nắm giữ trong vài năm, bao gồm Sergey Brin and Larry Page, hai nhà sáng lập Google. Trong năm nay, Larry Page đã sang tay khoảng 1,8 tỷ USD cổ phiếu Alphabet (công ty mẹ Google), còn Sergrey Brin là 1,7 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên một trong hai người thoái bớt vốn kể từ 2017.
Elon Musk, người giàu nhất thế giới, sang tay khoảng 12,7 tỷ USD cổ phiếu trong 2021, lần đầu tiên ông bán ra cổ phiếu kể từ 2016.
Michael Dell, nhà sáng lập và CEO Dell Techonologies, chưa bán ra bất kỳ cổ phiếu nào của công ty ông trong vòng ít nhất là hai năm qua. Nhưng đến 2021, ông đã chia tay với khoảng 500 triệu USD cổ phiếu Dell.
Dù tránh thuế có phải mục đích chính của những tỷ phú này hay không thì việc bán bớt cổ phiếu trong 2021 cũng sẽ giúp họ tiết kiệm được hàng tỷ USD.
Dự luật chi tiêu gần 2.000 tỷ USD được Hạ viện Mỹ thông qua tháng trước bao gồm nội dung về thuế phụ thu đối với triệu phú, cụ thể là thuế suất 5% đối với thu nhập trên 10 triệu USD và thêm 3% nữa đối với thu nhập trên 25 triệu USD. Ủy ban thuế của Quốc hội Mỹ dự kiến khoản thuế phụ thu này sẽ huy động được 228 tỷ USD trong 10 năm tới.
Thuế phụ thu đối với triệu phú áp dụng định nghĩa thu nhập rộng hơn so với trước đây, bao gồm cả lãi về vốn, khiến người giàu khó có thể tránh né thông qua các khoản giảm trừ.
Tuy nhiên khoản thuế này sẽ chỉ có hiệu lực từ năm 2022, do đó giới siêu giàu có cơ hội để bán ra bây giờ và trong hai tuần cuối năm, tiết kiệm tới 8% tiền thuế.
Bán nhiều, mua chẳng bao nhiêu
Bà Seiler của công ty tư vấn Sevilla khẳng định: "Giới siêu giàu không tháo chạy khỏi thị trường". Thay vào đó, các chuyên gia của công ty đang thảo luận với khách hàng để đánh giá tác động của thuế phụ thu và những đề xuất thuế khác, rồi tính toán giá cổ phiếu phải tăng đến bao nhiêu thì mới cần bán. "Nếu khách hàng biết rằng giá cổ phiếu không thể vượt qua mức đó, thì quyết định rất đơn giản".
Tổng giá trị ròng của 167 tỷ phú Mỹ trong chỉ số Bloomberg vào khoảng 3.600 tỷ USD, tăng 47% so với đầu năm ngoái. Của cải của họ tăng thêm chủ yếu nhờ vào giá cổ phiếu phi mã trong giai đoạn này, với chỉ số S&P 500 thêm 45% còn Nasdaq nhảy vọt 75%.
Tốc độ bán cổ phiếu của các tỷ phú hàng đầu còn lớn hơn cả tốc độ tăng của cải của họ. Năm 2019, những người giàu nhất nước Mỹ chỉ bán khoảng 6,6 tỷ USD cổ phiếu, tương tự như các năm trước đó. Các tỷ phú bắt đầu bán nhiều hơn trong năm 2020, khi các ứng viên tổng thống Đảng Dân chủ đề xuất tăng thuế đánh vào người giàu.
Yếu tố khác thúc đẩy các giao dịch bán là làn sóng IPO. Công ty lên sàn mở ra cơ hội để nhà sáng lập của các startup thành công chốt lời. Hai trong số ba nhà sáng lập Airbnb đã bán hơn 1 tỷ USD cổ phiếu kể từ cuộc IPO tháng 12 năm ngoái.
Tuy các tỷ phú Mỹ mạnh tay bán ra nhưng lượng cổ phiếu họ mua vào không mấy thay đổi. Từ đầu năm đến 3/12, các tài phiệt Mỹ trong Chỉ số Tỷ phú Bloomberg mua 543 triệu USD cổ phiếu trên thị trường mở, cao hơn năm ngoái nhưng thấp hơn một nửa giá trị trong năm 2018.
Lý do cá nhân
Các tỷ phú có thể có nhiều lý do cá nhân để bán ra vào bây giờ, bao gồm tài trợ cho các mục đích thiện nguyện.
Jeff Bezos, người giàu thứ hai thế giới, đã bán hơn 9 tỷ USD cổ phiếu của Amazon trong năm nay. Có thể ông dùng số tiền này để thực hiện cam kết chống biến đổi khí hậu qua quỹ Bezos Earth Fund.
Mark Zuckerberg bán khoảng 4,5 tỷ USD cổ phiếu Facebook trong năm nay, gấp 8 lần lượng bán ra trong năm 2020. Bloomberg cho biết phần lớn số tiền này được chuyển cho tổ chức từ thiện Chan-Zuckerberg Initiative.
Jack Dorsey, nhà sáng lập Twitter bán gần 500 triệu USD cổ phiếu của một công ty khác cũng do ông lập ra – Block. Năm ngoái Dorsey công khai hứa sẽ quyên góp lượng lớn cổ phần trong công ty này cho hoạt động cứu trợ COVID-19. Block là công ty thanh toán với tên gọi cũ là Square.