Lãnh đạo các đơn vị nhấn nút khởi động, chính thức khai trương xe đạp công cộng ở TP.HCM - Ảnh: THU DUNG
Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Quang Lâm - giám đốc Sở GTVT TP - khẳng định giao thông công cộng là lĩnh vực mà TP quan tâm, phát triển sớm nhằm kéo giảm ùn tắc giao thông, góp phần làm cho TP thêm văn minh, hiện đại.
Ông Trần Quang Lâm - giám đốc Sở GTVT TP - kiểm tra ứng dụng TNGO trên điện thoại - Ảnh: THU DUNG
Thời gian qua, dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Sở GTVT TP cùng Tập đoàn Trí Nam đã chuẩn bị chính sách, phương tiện với 100% vốn xã hội hóa để đưa vào 500 xe đạp ở 43 vị trí khu vực trung tâm TP.
Xe đạp công cộng ra đời thêm sự lựa chọn đi lại cho người dân, góp phần giảm người đi xe cá nhân. Về lâu dài, loại hình này tích hợp với mạng lưới xe buýt và giao thông công cộng sức chứa lớn tạo môi trường giao thông văn minh, tiện lợi với chi phí hợp lý.
Đặc biệt, xe đạp công cộng là mô hình được quản lý bằng công nghệ, thiết bị hiện đại, được bố trí khu vực trung tâm tập trung nhiều điểm du lịch, văn hóa, lịch sử. Khi tiếp cận được với tuyến metro, buýt đường sông, buýt mui trần, xe buýt điện... hệ thống này còn phục vụ phát triển kinh tế, du lịch hiệu quả.
Ông Lâm cũng khẳng định, sau một năm thí điểm, các đơn vị tiếp tục nghiên cứu mở rộng dịch vụ ở nhiều quận, khu đô thị mới và triển khai tăng số lượng xe, tổ chức phần đường dành riêng cho xe đạp để tạo sự an toàn cho người dân.
"Cảm giác ngồi trên xe đạp công cộng để đi lại sẽ khác đi xe buýt, ôtô hay xe máy. Bởi vì đây là một trải nghiệm mới, người dân có thể vừa đạp xe vừa ngắm TP xinh đẹp, thêm yêu thương TP mình đang sống", ông Lâm chia sẻ.
Người dân đến trải nghiệm dịch vụ xe đạp công cộng - Ảnh: HOÀNG AN
Theo ông Đỗ Bá Dân - chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trí Nam (chủ đầu tư), TP.HCM là nơi đầu tiên triển khai dịch vụ xe đạp công cộng trong cả nước và bước đầu được người dân hưởng ứng tích cực. Chỉ trong vòng 3 ngày, có 941 tài khoản được lập với 320 chuyến đi. Trong đó chuyến đi dài nhất tới 15,2km.
Người dân ở nhiều lứa tuổi cho biết chọn xe đạp công cộng để đi lại ở nội đô trong tương lai - Ảnh: HOÀNG AN
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, từ 8h30 đến 10h30 sáng, nhiều người dân từ các quận, huyện đã đến trục đường Lê Lợi để trải nghiệm xe đạp công cộng. Hầu hết người dân rất hào hứng vì đây là lần đầu tiên họ đi xe đạp công cộng, một số người đăng ký chạy quãng đường vài kilômet.
Anh Ngô Việt Hải - một người dân ở quận 1 - cho biết dù xe đạp công cộng đã khá phổ biến ở nước ngoài nhưng ở Việt Nam là lần đầu tiên anh được thấy. TP nên tổ chức rộng rãi xe đạp công cộng ở quận 1, quận 3, quận 5 phục vụ đi lại, du lịch.
Trước đó, Sở GTVT TP kiến nghị UBND TP phát triển xe đạp công cộng theo hình thức xã hội hóa để kết nối các phương thức giao thông công cộng. Đây cũng là một nhiệm vụ quan trọng thuộc đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng, kết hợp kiểm soát xe cá nhân trên địa bàn TP.
Hệ thống xe được bố trí ở 43 vị trí trên vỉa hè một số tuyến đường quận 1, gần các trạm dừng, nhà chờ xe buýt, công viên để phục vụ đi lại với các chặng đường ngắn.
Người dân muốn sử dụng chỉ cần vài thao tác đơn giản, tải về miễn phí và cài đặt ứng dụng TNGO trên điện thoại thông minh.
Giá vé giai đoạn thí điểm được tính theo thời gian, cụ thể 5.000 đồng/30 phút, 10.000 đồng/60 phút... Doanh nghiệp khai thác tiếp tục nghiên cứu đa dạng các loại vé. Riêng thời gian đầu miễn phí 15 phút đầu để thu hút người dân sử dụng.
TTO - Ngày 15-12, UBND TP.HCM có văn bản chấp thuận thí điểm xe đạp công cộng ở quận 1, bắt đầu từ ngày 16-12.
Xem thêm: mth.5410131161211202-coun-ac-neit-uad-gnoc-gnoc-pad-ex-gnourt-iahk-cuht-hnihc-mchpt/nv.ertiout