Hong Kong (Trung Quốc) nhiều năm qua luôn thuộc nhóm thị trường bất động sản đắt đỏ nhất thế giới. Phần lớn người dân phải sống trong những căn hộ siêu nhỏ, có diện tích chỉ vài m2.
Có nhiều lý do khiến giá địa ốc tại Hong Kong đắt đỏ. Một là mật độ dân cư cao kéo theo nhu cầu lớn, trong khi nguồn cung lại eo hẹp. Hai là giá đất bị các doanh nghiệp đẩy lên cao trong các cuộc đấu giá của chính quyền.
Tháng trước, Henderson Land Development đã đánh bại 5 công ty khác để trúng thầu một lô đất tại khu Central (Hong Kong). Vụ đấu giá cũng lập kỷ lục tại thành phố này với 50,8 tỷ đôla Hong Kong (6,5 tỷ USD) cho lô đất rộng khoảng 48.000 m2 ở gần tòa nhà Trung tâm Tài chính Quốc tế. Giá này tương đương khoảng 135.000 USD (khoảng 3,1 tỷ đồng) mỗi m2.
Lô đất này có thể tạo ra diện tích sàn khoảng 148.000 m2. Chính quyền Hong Kong quyết định bên thắng thầu không chỉ dựa trên giá bỏ thầu, mà còn theo bản thiết kế đề xuất của dự án.
Việc đấu giá này "cho kết quả ngoạn mục, nếu xét đến tính phức tạp của khu đất, cách thức đấu thầu và số tiền đầu tư khổng lồ cả về chi phí xây dựng và các chi phí khác sau đó", Rita Wong – Giám đốc Tư vấn và Định giá khu vực Trung Quốc tại hãng dịch vụ bất động sản CBRE cho biết, "Đây là mức giá cao kỷ lục với một khu đất ở Hong Kong và cũng là con số khổng lồ nếu nhìn trên góc độ đầu tư".
SCMP cho biết Hong Kong đã quá quen thuộc với các vụ đấu giá đất có quy mô khổng lồ. Thị trường này thường xuyên lập kỷ lục về giá bán đất, với nhiều lô được dự báo sinh lời 5-6%.
Hồi tháng 2, một nhóm các ông trùm bất động sản Hong Kong giành mua được mảnh đất cao cấp rộng 5.067 m2 với mức giá 7,25 tỷ đôla Hong Kong (935 triệu USD) tại khu The Peak. Nhóm này gồm Wharf Holdings - tập đoàn bao gồm Wharf Development, thuộc sở hữu của Chủ tịch Robert Ng của Sino Land, Cheung Chung Kiu của CC Land Holdings, Chan Hoi Wan của China Estates Holdings và anh rể Thomas Lau.
Khu đất ở này có thể tạo ra diện tích sàn tối đa khoảng 13.500 m2. Với giá đấu thầu tương đương 50.011 đôla Hong Kong mỗi foot vuông, hay hơn 18.400 USD cho mỗi mét vuông, đây là mức cao nhất được ghi nhận đối với khu đất dân cư được bán trong các cuộc đấu thầu của chính phủ.
Tháng 11/2019, Sun Hung Kai Properties trúng thầu một lô đất ở West Kowloon với tổng diện tích sàn khoảng 295.000 m2 với giá 42,23 tỷ đôla Hong Kong. Dù vậy, giá trúng thầu tính theo m2 lại chỉ ở ngưỡng dưới của khoảng giá dự kiến. Dự án này vẫn đang trong quá trình xây dựng, với không gian bán lẻ, văn phòng cho thuê và khách sạn.
Trước đó, tháng 5/2018, hãng này cũng chi 25,16 tỷ đôla Hong Kong mua một lô đất ở Kai Tak với tổng diện tích sàn 132.000 m2. SHKP cho biết tổng đầu tư cho khu vực này có thể vào khoảng 40 tỷ đôla Hong Kong. Dự án sẽ có 29.000m2 cho bán lẻ và một phố mua sắm ngầm.
Rich Union của Nan Fung Development tháng 5/2017 thắng thầu một lô đất ở Kai Tak hồi tháng 5/2017, với 24,6 tỷ đôla Hong Kong cho 177.000 m2 diện tích sàn. Nan Fung đã bắt đầu việc xây dựng dự án phức hợp này, gồm một tòa nhà 47 tầng được quảng cáo là cao nhất Kai Tak.
Cũng trong tháng đó, Henderson Land giành được Murray Road Car Park tại khu Central với giá 23,28 tỷ đôla Hong Kong. Nơi này có thể được phát triển thành một tòa nhà thương mại với tổng diện tích sàn 43.200m2. Bất động sản này được gọi tên là The Henderson và tòa nhà 36 tầng dự kiến mở cửa năm 2023.
Patchway Holdings – liên doanh giữa Hysan Development và Chinachem Group – hồi tháng 5 cũng thắng thầu một lô đất tại vịnh Causeway với giá 19,78 tỷ đôla Hong Kong. Với diện tích sàn khoảng 102.000m2, công ty này phải tuân thủ việc xây kèm một phòng khám, một trung tâm chăm sóc trẻ em và một bãi đỗ xe với ít nhất 125 chỗ đỗ.
Bloomberg hồi tháng 2 trích báo cáo của Viện Cải cách Đô thị (Mỹ) và Trung tâm Tiên phong Chính sách công (Canada) cho biết Hong Kong (Trung Quốc) là thị trường nhà đất đắt đỏ nhất thế giới năm ngoái. Theo đó, giá nhà ở trung bình tại đây năm 2020 cao gấp 20,7 lần thu nhập trung bình của một hộ gia đình. Đây là năm thứ 11 Hong Kong đứng đầu danh sách này.
Còn theo báo cáo của Savills hồi tháng 3, giá bất động sản tại Hong Kong năm ngoái trung bình là 39.600 euro (khoảng 45.000 USD) một m2. Giá này đứng nhì thế giới, chỉ sau Monaco.
CNBC nhận định dù giá bất động sản đắt đỏ bậc nhất thế giới, giới chức Hong Kong trước đây không mấy quyết đoán trong việc kiểm soát. Nguyên nhân là nguồn thu từ các cuộc đấu giá đất từ lâu đã hỗ trợ cho chính sách thuế thấp của Hong Kong, giúp họ trở thành trung tâm tài chính quốc tế.
Tuy nhiên, sức ép gần đây từ Bắc Kinh đang phần nào thay đổi điều này. Chính quyền Hong Kong đang tăng tốc sung công đất của các tài phiệt và làm suy yếu quyền lực của họ. Hong Kong đã lấy lại khoảng 90 hecta đất trong 2 năm qua. Trong 5 năm trước, họ chỉ lấy lại khoảng 20 hecta. Mục tiêu của họ là 700 hecta.
Các đế chế bất động sản tại thành phố này cũng đang rất tích cực thực hiện trách nhiệm xã hội. Họ đang hỗ trợ xây gần 10.000 nhà ở xã hội trên số đất đã hiến tặng. Kể từ năm 2019, Henderson Land và Sun Hung Kai đã hiến ít nhất 185.000 m2 đất cho việc xây nhà ở xã hội. Trong tháng này, New World cũng công bố kế hoạch xây 300 nhà với giá bằng nửa giá thị trường.
Hà Thu