Theo tờ Nikkei, Ngân hàng Mizuho (Nhật Bản) dự kiến đầu tư tối đa 170 triệu USD để mua 7,5% cổ phần CTCP Dịch vụ Di động Trực tuyến (M-Service) vào cuối năm nay. Nếu như thương vụ này trở thành sự thật, định giá của M-Service, đơn vị sở hữu ví điện tử MoMo đạt mức 2,27 tỷ USD, đủ điều kiện được gọi là "kỳ lân công nghệ" của Việt Nam.
Mức định giá hấp dẫn của ví điện tử MoMo có thể khiến các nhà đầu tư sớm vào công ty này như "mở cờ trong bụng". Một trong số đó là CTCP Chứng khoán Thiên Việt (TVS). Theo dữ liệu của chúng tôi, tại thời điểm 30/6/2021, Chứng khoán Thiên Việt sở hữu 918.414 cổ phần M-Service, tương ứng gần 6% vốn cổ phần chủ sở hữu ví điện tử MoMo.
Trong trường hợp toàn bộ cổ phần Mizuho mua là phát hành mới thì tỷ lệ sở hữu của Thiên Việt sẽ giảm xuống còn 5,55%. Dựa trên mức định giá tạm tính từ giao dịch của Mizuho, giá trị cổ phần Chứng khoán Thiên Việt nắm giữ có thể lên đến hơn 120 triệu USD, tương đương khoảng 2.900 tỷ đồng. Xin lưu ý, Mizuho có thể mua cổ phần phát hành thêm hoặc mua lại cổ phần từ các nhà đầu tư khác (thông tin từ Nikkei không ghi cụ thể). Trong trường hợp mua phát hành thêm, tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư cũ có thể bị pha loãng.
Trên báo cáo tài chính tại thời điểm 30/9/2021, Thiên Việt cho biết giá gốc của hoản đầu tư vào M-Service chỉ là 27,85 tỷ đồng. Điều này có nghĩa, giá trị khoản đầu tư vào ví điện tử MoMo đã tăng gấp trăm lần.
Đáng chú ý là hiện vốn hóa thị trường của Thiên Việt chỉ ở mức 5.000 tỷ đồng, tức khoản đầu tư vào Momo hiện tương đương hơn 1/2 giá trị công ty như giá trị ghi trên sổ sách chỉ chưa đến 30 tỷ.
Cổ phiếu TVS tăng rất mạnh trong nửa năm qua. Tính từ đầu năm, cổ phiếu TVS tăng giá gần 260%.
Ngoài M-Service, Thiên Việt còn đầu tư vào một công ty fintech triển vọng khác là CTCP Finhay Việt Nam (sở hữu ứng dụng đầu tư Finhay) với giá gốc khoản đầu tư 19,8 tỷ đồng tại thời điểm 30/9/2021. Cuối năm 2020, giá gốc khoản đầu tư vào Finhay mới chỉ ở mức 9 tỷ đồng.
M-Service hay MoMo chính là khoản đầu tư mà ban lãnh đạo Thiên Việt tự hào khi nhắc về. Đầu năm 2021, MoMo hoàn tất vòng gọi vốn Series D với số tiền được cho là xấp xỉ 100 triệu USD.
MoMo hiện nay giới thiệu mình là siêu ứng dụng số 1 Việt Nam với 25 triệu người dùng, được chấp nhận tại 120.000 điểm thanh toán và có hơn 30.000 đối tác thanh toán…
Tại đại hội đồng cổ đông bất thường của Chứng khoán Thiên Việt tổ chức hồi tháng 3 năm nay, bà Đinh Thị Hoa – Phó Chủ tịch HĐQT công ty chia sẻ quan điểm MoMo là công ty có nhiều triển vọng phát triển trong tương lai nên TVS chưa muốn thoái vốn tại công ty này.
Quay trở lại với M-Service, tại thời điểm 20/4/2021, công ty này ghi nhận một số cổ đông quỹ nắm giữ cổ phần tỷ trọng lớn bao gồm cả cổ phần phổ thông và cổ phần ưu đãi.
Đó là: Affirma Capital (15,52%); E-Mobile VN Investment I B.V (30,48%); Emmonsite Ge Investors LLC (7,32%)...
Về phía MoMo, đây là đơn vị chịu chi nhiều tiền nhất cho cuộc đua thanh toán tại Việt Nam trong những năm qua. Phản ánh điều đó là việc công ty này luôn dẫn đầu về mức lỗ, lỗ luỹ kế trong 5 năm gần nhất gần 2.600 tỷ đồng. Thời gian trở lại đây, Zion thuộc VNG (chủ quản Zalo Pay) bắt đầu vươn lên một cách mạnh mẽ khi bạo chi hơn nhiều. Trong 9 tháng đầu năm, mức lỗ của Zion ghi nhận khoảng 840 tỷ đồng, ngang ngửa với MoMo trong cả năm 2020.
Đông A
Nhịp sống kinh tế