Chiều 16-12, tại họp báo thông tin tình hình dịch COVID-19, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM đã có những lý giải về việc TP.HCM vừa kiến nghị Bộ Y tế xem xét, hỗ trợ bổ sung 1.000 bác sĩ và 2.000 điều dưỡng tham gia công tác phòng chống dịch COVID-19.
Theo bà Mai, hiện TP.HCM đang có nhiều lực lượng tham gia hỗ trợ công tác phòng chống dịch như hệ thống y tế tư nhân, dược sĩ hỗ trợ các trạm y tế lưu động, hệ thống mạng lưới thầy thuốc đồng hành gồm 1.500 bác sĩ hỗ trợ các trạm y tế chăm sóc theo dõi, phát hiện F0 chuyển nặng online.
Cạnh đó còn có đội ngũ giảng viên, sinh viên trường đại học lớn gồm Đại học Y dược TP.HCM và Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tham gia lấy mẫu, tiêm vaccine, chăm sóc F0 tại các cơ sở điều trị, các tình nguyện viên tôn giáo hỗ trợ, chăm sóc, nâng đỡ tinh thần F0 tại các các cơ sở điều trị...
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: TN
Vừa qua, TP.HCM đề ra 8 giải pháp ứng phó với biến chủng Ocmiron, trong đó giải pháp thứ 8 là xây dựng kế hoạch triển khai bệnh viện dã chiến hoặc cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 cấp huyện, sẵn sàng kích hoạt và đưa vào hoạt động ngay khi có yêu cầu. Do đó, việc kiến nghị bổ sung 3.000 y bác sĩ điều dưỡng nhằm phục vụ hiệu quả kế hoạch giải pháp thứ 8 này.
Bà Mai lý giải khi TP.HCM nới lỏng giãn cách, các ngành nghề sản xuất kinh doanh đã quay trở lại làm việc gần như hoàn toàn kéo theo F0 cũng gia tăng dù thành phố đã có nhiều giải pháp. Tuy nhiên, do đã chích ngừa đủ 2 mũi vaccine nên lực lượng lao động ít bị ảnh hưởng, có thể nghỉ làm 14 ngày và quay lại lao động bình thường.
Tuy nhiên, những người già, người có hệ thống miễn dịch yếu vẫn còn tử vong cao, gây gánh nặng lên hệ thống y tế. Thêm vào đó, hiện nay, các bệnh viện đã quay trở lại hoạt động bình thường để chăm sóc sức khỏe cho người dân nên đã rút dần nhân sự cắt cử người đến các cơ sở điều trị COVID-19 về nên có sự tương đối thiếu nhân sự ở các nơi điều trị COVID-19.
Tính toán trên số F0 nhập viện và số lượng người F0 cần chăm sóc, Sở Y tế TP ước tính cần gần 3.000 bác sĩ và điều dưỡng cần được bổ sung trong khoảng thời gian 1, 2 tháng giúp khống chế các ca F0 và giảm tỉ lệ tử vong thì đội ngũ này sẽ hoàn thành sứ mệnh của mình.
Trước đó, UBND TP.HCM có văn bản gửi Bộ Y tế kiến nghị Bộ Y tế xem xét bổ sung 1.000 bác sĩ (trong đó có 300 bác sĩ sĩ có chuyên môn hồi sức cấp cứu), 2.000 điều dưỡng (trong đó có 600 điều dưỡng có chuyên môn hồi sức cấp cứu), tiếp tục duy trì hoạt động của Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 thuộc Bệnh viện Trung ương Huế.
Theo UBND TP.HCM, hiện nay tình hình dịch ở TP đang có chiều hướng gia tăng, tỉ lệ bệnh nặng khá cao. TP vẫn đang tiếp tục duy trì các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19, Bệnh viện hồi sức COVID-19, Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 16, Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 thuộc Bệnh viện Đại học Y dược, Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 thuộc bệnh viện trung ương Huế. Tuy nhiên, một số bệnh viện, trung tâm hồi sức COVID-19 cần bổ sung thêm nhân lực để mở rộng quy mô giường bệnh. |