FED tăng lãi suất 3 lần trong năm 2022
Vào sáng 16/12 theo giờ Việt Nam, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã kết thúc cuộc họp kéo dài 2 ngày được thị trường hết sức trông đợi và công bố một loạt thay đổi lớn về chính sách tiền tệ.
FED thông báo sẽ bắt đầu cắt giảm chương trình mua tài sản kể từ giữa tháng 1/2022. Cụ thể, FED sẽ giảm mua trái phiếu kho bạc 20 tỷ USD mỗi tháng và mua trái phiếu thế chấp 10 tỷ USD mỗi tháng, nghĩa là cắt giảm 25% quy mô chương trình mua tài sản hiện nay. Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết FED dự định chấm dứt hoàn toàn việc mua tài sản vào giữa tháng 3/2022, sớm hơn nửa năm so với kế hoạch ban đầu.
Thứ hai, FED thông báo sẽ thực hiện 3 đợt tăng lãi suất trong năm 2022 để đưa lãi suất từ mức 0 - 0,25% hiện nay lên quanh ngưỡng 0,75 - 1% và sau đó sẽ thực hiện tiếp thêm 2 đợt tăng lãi suất trong năm 2023.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell. (Ảnh: Bloomberg)
Quyết định tăng lãi suất nhận được sự nhất trí tuyệt đối của Ủy ban thị trường mở liên bang, cơ quan hoạch định chính sách tiền tệ của FED, khi tất cả các thành viên của ủy ban đều ủng hộ việc tăng lãi suất, mặc dù một số ít thành viên trong Ủy ban đề xuất mức tăng thấp hơn cho các năm tới.
FED hướng đến mục tiêu gì khi siết chặt chính sách tiền tệ và tăng lãi suất trong năm tới?
Thứ nhất, tín hiệu của FED cho thấy nền kinh tế đang dần trở lại giai đoạn bình thường, tự vận hành được, không cần nhiều sự hỗ trợ.
Thứ hai, nếu tiếp tục bơm tiền vào nền kinh tế, lạm phát cao lại cản trở tới việc mở rộng kinh doanh của doanh nghiệp, mở rộng việc làm và người tiêu dùng giảm chi. Vì vậy, quyết định của FED cho thấy lạm phát đang đứng đầu trong danh sách "kẻ thù" của tăng trưởng đối với cơ quan này.
Thứ ba, cách thực hiện của FED có sự thống nhất, từng bước tuần tự. Điều này tạo nên tâm lý yên tâm cho các nhà đầu tư rằng mọi diễn biến của lạm phát hay tác động lên tăng trưởng kinh tế đều đang trong tầm kiểm soát của cơ quan có vai trò như ngân hàng trung ương của Mỹ, nghĩa là họ đang rất thận trọng, nhưng không hoảng loạn.
Mỹ bắt đầu cuộc chiến chống lạm phát
Như vậy, FED không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chấm dứt sớm các chương trình hỗ trợ tăng trưởng, siết chặt nguồn tiền đổ ra thị trường và tập trung các nguồn lực chống lạm phát, vấn đề nghiêm trọng nhất của nền kinh tế Mỹ lúc này.
Theo Bộ Lao động Mỹ, trong tháng 11, chỉ số giá tiêu dùng CPI của Mỹ đã tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2020, mức cao nhất kể từ năm 1982. Trong đó, giá thực phẩm tăng 4,9%, giá xăng tăng 6,1% và giá xe ô tô tăng hơn 11%.
Khi lạm phát trở thành một vấn đề dai dẳng chứ không nhanh chóng mất đi như các tính toán ban đầu, người dân Mỹ bắt đầu hình thành những kỳ vọng về lạm phát.
"Các nhà sản xuất sợ rằng lạm phát sẽ kéo dài và họ buộc phải thực hiện các biện pháp tự bảo vệ. Họ chủ động tăng giá sản phẩm lên, với tâm lý cho rằng giá nguyên liệu sẽ còn tăng mạnh nữa trong tương lai và việc tăng giá ngay thời điểm này sẽ giúp bảo toàn phần nào lợi nhuận", Giáo sư Stefano Bonini, Khoa kinh doanh, Viện công nghệ Steven, cho hay.
Người dân mua sắm ở Bradford, bang Pennsylvania, Mỹ. (Ảnh: Reuters)
Tâm lý kỳ vọng vào lạm phát được xem là chất xúc tác thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa vòng xoáy lạm phát, khi các nhà sản xuất buộc phải tăng giá bán hoặc giảm sản lượng. Theo các chuyên gia, điều này đã thúc đẩy FED hành động bằng cách phát đi tín hiệu về các đợt tăng lãi suất vào năm tới.
"Cục Dự trữ Liên bang có cam kết mạnh mẽ về việc phải đảm bảo tỷ lệ thất nghiệp thấp và mặt bằng giá ổn định. Nguyên nhân chính của lạm phát xuất phát từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng trong đại dịch và giờ đã lan sang nhiều loại hàng hóa, dịch vụ khác nhau. Chúng tôi rất nghiêm túc với các nguy cơ từ việc tiền lương thực tế tăng nhanh hơn năng suất, điều sẽ đẩy lạm phát càng cao hơn", Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell nhấn mạnh.
Trước đó, FED đã lưỡng lự trong việc siết chặt chính sách tiền tệ trong thời gian dài do lo ngại việc tăng lãi suất sẽ làm chậm đà phục hồi kinh tế.
Tác động của việc Mỹ cắt giảm chương trình mua trái phiếu và tăng lãi suất đến thị trường
Trước khi FED họp báo, hầu hết các cổ phiếu được giao dịch ở mức thấp, trừ nhóm tài chính, y tế, dân dụng, bất động sản là luôn cao.
Tuy nhiên sau cuộc họp, tất cả các nhóm cổ phiếu chính của chỉ số S&P 500 đều được mua vào, ngoại trừ năng lượng bị bán ra.
Quay lại lịch sử, các đợt thắt chặt của FED trước đây đều dẫn tới việc tăng giá nhẹ đối với thị trường chứng khoán trong năm tiếp theo.
Kể từ năm 1946, FED đã tiến hành 17 chu kỳ thắt chặt lãi suất. Trong mỗi chu kỳ như vậy, S&P 500 đã tăng giá tới 56%, kể từ ngày tăng lãi suất đầu tiên cho đến ngày tăng lần 3.
Vậy lần tăng lãi suất đầu tiên năm tới là khi nào? Có 2 cuộc họp đang được hướng tới là tháng 3 và tháng 5. Khả năng tháng 3, thị trường đang dự đoán là 50/50. Cuộc tháng 5 đang lên tới 90%.
ECB cắt giảm mua tài sản
Là nền kinh tế số một thế giới, những thay đổi về chính sách tiền tệ của Mỹ luôn có tác động mạnh mẽ không chỉ với riêng nền kinh tế Mỹ, mà còn với những quốc gia khác.
Ngay sau cuộc họp của FED, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng thực hiện một cuộc họp tương tự bàn về chính sách tiền tệ cho các nền kinh tế thành viên vào đêm (17/12) theo giờ Việt Nam.
Theo những thông tin mới nhất, nhiều khả năng ECB cũng sẽ cắt giảm chương trình mua trái phiếu khẩn cấp trong thời kỳ đại dịch trị giá 1.850 tỷ Euro (tương đương hơn 2.000 tỷ USD) ngay trong quý tới, sau đó giảm dần và kết thúc vào cuối tháng 3/2022, cùng thời điểm với việc FED chấm dứt chương trình mua tài sản.
Tuy nhiên, ECB vẫn từ chối đề cập đến khả năng tăng lãi suất do lo ngại các tiêu động tiêu cực đến nền kinh tế khu vực sử dụng đồng tiền chung Euro.
VTV.vn - Theo dữ liệu mới nhất do Bộ Lao động Mỹ công bố, lạm phát nước này trong tháng 11 đã chứng kiến mức tăng cao nhất trong vòng 39 năm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.11632530071211202-tahp-mal-gnohc-neihc-couc-uad-tab-ym/et-hnik/nv.vtv