Hãng DW (Đức) đưa tin Bộ Thương mại và Bộ Tài chính Mỹ ngày 16-12 đã công bố loạt trừng phạt nhắm vào những công ty Trung Quốc mà Washington cáo buộc sử dụng công nghệ sinh học và công nghệ giám sát vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.
Theo đó, Washington đã liệt một số công ty Trung Quốc vào danh sách đen bị cấm tiếp cận hàng xuất khẩu của Mỹ.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết các biện pháp trừng phạt "giải quyết các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Mỹ do Bắc Kinh đặt ra”.
Bảo vệ trước cổng một trung tâm giáo dục kỹ năng nghề nghiệp tại Tân Cương, Trung Quốc, năm 2018. Ảnh: REUTERS
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo hôm 16-12 cho biết: "Chúng tôi không thể cho phép việc hàng hóa, công nghệ và phần mềm của Mỹ, vốn để hỗ trợ khoa học y tế và đổi mới công nghệ sinh học, được chuyển hướng sang các mục đích sử dụng đi ngược với an ninh quốc gia của Mỹ" – bà Raimondo nói.
Theo hãng Reuters, các công ty Trung Quốc bị đưa vào danh sách đen gồm HMN International, Jiangsu Hengtong Marine Cable Systems, Jiangsu Hengtong OpticElectric, Shanghai Aoshi Control Technology và Zhongtian Technology Submarine Cable.
Mỹ liệt các công ty trên vào danh sách trừng phạt liên quan cáo buộc lấy hoặc tìm cách lấy công nghệ của Mỹ để hiện đại hóa quân đội Trung Quốc.
Ngoài ra, Viện Hàn lâm khoa học quân sự Trung Quốc và 11 viện nghiên cứu trực thuộc đã bị đưa vào danh sách những bên không được tiếp cận hàng xuất khẩu của Mỹ, với lý do liên quan vi phạm nhân quyền.
Theo DW, Bộ Thương mại Mỹ có thẩm quyền xử phạt các cá nhân, tổ chức và công ty gây rủi ro cho an ninh quốc gia của Mỹ hoặc xung đột với lợi ích chính sách đối ngoại của nước này.
Các công ty hoặc cá nhân Mỹ muốn kinh doanh với các pháp nhân bị trừng phạt phải thông qua sự cho phép của Bộ Thương mại Mỹ.
Trước đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 6-12 cho biết Mỹ sẽ không gửi các quan chức chính quyền đến dự Olympic mùa đông 2022 và Paralympic Bắc Kinh vì những vấn đề nhân quyền của Bắc Kinh ở Tân Cương.
Thượng viện Mỹ hôm 16-12 đã thông qua dự luật cấm nhập khẩu toàn bộ sản phẩm từ Tân Cương trừ khi các công ty chứng minh được hàng hóa không phải là sản phẩm được tạo ra từ lao động cưỡng bức.
Trung Quốc luôn bác bỏ các cáo buộc của phương Tây về vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.