vĐồng tin tức tài chính 365

Năm 2022, kỳ thi tuyển sinh riêng “lên ngôi”

2021-12-17 07:16

Năm 2022 tiếp tục là năm các trường đại học (ĐH) đẩy mạnh hơn tự chủ tuyển sinh đầu vào. Thay vì chỉ phụ thuộc kết quả thi tốt nghiệp THPT do Bộ GD&ĐT tổ chức, các ĐH quốc gia, trường ĐH đã chủ động mở ra các kỳ thi riêng làm căn cứ xét tuyển, vừa tăng cơ hội cho thí sinh (TS) vừa để tuyển được đối tượng phù hợp hơn.

Thi riêng, xét tuyển chung

Là năm thứ năm tổ chức, ĐH Quốc gia TP.HCM vẫn là đơn vị có kỳ thi đánh giá năng lực quy mô nhất khi hằng năm đều thu hút hàng chục ngàn TS cả nước tham gia.

Thông tin từ Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, ĐH Quốc gia TP.HCM, kỳ thi đánh giá năng lực năm 2022 cơ bản không có nhiều thay đổi so với năm 2021 về công tác tổ chức, hình thức thi, quy chế thi, cấu trúc đề thi…

ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ tiếp tục phối hợp với các trường ĐH, cao đẳng (CĐ) trong và ngoài hệ thống để tổ chức thi sao cho thuận lợi cho TS nhất. Ngoài bảy địa phương như năm trước gồm: TP.HCM, Bến Tre, An Giang, Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Nẵng, Bạc Liêu và Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), năm nay kỳ thi cũng dự kiến mở rộng quy mô đến địa điểm khu vực phía Bắc.

Về hình thức thi, TS sẽ làm bài thi gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm trong 150 phút. Đề thi tích hợp kiến thức ở nhiều lĩnh vực như tiếng Việt, văn học, kiến thức tiếng Anh tổng quát, toán học, khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học) và khoa học xã hội (địa lý, lịch sử).

Đề thi nhằm đánh giá khả năng suy luận và giải quyết vấn đề, từ đó đánh giá các năng lực cơ bản để học ĐH của TS.

Được biết theo công bố từ các trường, kỳ thi này tiếp tục được nhiều trường ĐH, CĐ sử dụng để xét tuyển trong năm 2022. Trong đó, với những đơn vị trực thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM, chỉ tiêu dành cho xét kết quả đánh giá năng lực chiếm tỉ lệ cao nhất, 30%-70% chỉ tiêu. Với các trường ngoài hệ thống, chỉ tiêu chỉ 5%-15%.

Tại khu vực phía Bắc, năm 2022, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội cũng dự kiến có quy mô khá lớn khi đến nay đã có gần 40 trường ĐH trong và ngoài hệ thống đăng ký xét tuyển từ kết quả kỳ thi.

Thông tin mới nhất từ Trung tâm Khảo thí của ĐH Quốc gia Hà Nội, kỳ thi dự kiến tổ chức đến 7-8 đợt, kéo dài từ tháng 2 đến tháng 8-2022, nhằm đáp ứng cho hàng chục ngàn TS dự thi. Địa điểm tổ chức có thể trên diện rộng tại nhiều điểm thi ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM...

Bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội cũng được xây dựng theo hướng đánh giá các nhóm năng lực chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông.

Năm 2022, kỳ thi tuyển sinh riêng “lên ngôi” - ảnh 1
Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức năm 2021. Ảnh: PHẠM ANH

Bách khoa thi tư duy, sư phạm thi chuyên biệt

Ngoài hai ĐH Quốc gia, năm 2022, nhiều trường ĐH khác cũng đã chủ động mở ra những kỳ thi riêng theo hướng tuyển được những TS phù hợp, có năng lực.

Cụ thể như kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Kỳ thi này thực tế đã lên kế hoạch tổ chức lần đầu vào năm 2021 nhưng vì dịch COVID-19 nên phải hủy và mở lại từ năm 2022.

Theo công bố của trường, kỳ thi là căn cứ để đưa vào một trong những phương thức xét tuyển đầu vào. Kỳ thi nhằm hướng đến việc tuyển chọn được những TS có đủ năng lực và phù hợp với yêu cầu đào tạo cụ thể của một số ngành học của trường những năm tiếp theo.

TS có thể lựa chọn đăng ký một hoặc một số bài thi gồm toán học, vật lý, hóa học, sinh học, ngữ văn, tiếng Anh để đăng ký xét tuyển vào các ngành học khác nhau. TS làm bài thi trên máy tính tại các điểm thi do trường tổ chức và có thể thi nhiều đợt để lấy kết quả của đợt cao nhất xét tuyển.

Theo kế hoạch dự kiến của trường, trong năm 2022, trường có thể tổ chức kỳ thi 3-4 đợt và đợt thi đầu tiên dự kiến diễn ra ngay tháng 2 sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán. Địa điểm thi sẽ tại TP.HCM và dự kiến tại một số địa phương lân cận nhằm thuận lợi cho TS.

Tương tự, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng sẽ khởi động lại kỳ thi đánh giá tư duy sau một năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Theo đó, trường dự kiến tổ chức sau kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Bài thi sẽ diễn ra trong 270 phút, nội dung gồm hai phần chính bắt buộc là toán (bắt buộc, 90 phút), đọc hiểu (trắc nghiệm, 30 phút) và hai phần tự chọn (khoa học tự nhiên, 90 phút và tiếng Anh, 60 phút).

Tổng chỉ tiêu xét tuyển của trường cho phương thức này lên đến 60%-70% trong tổng số 7.500 chỉ tiêu. Ngoài ra còn có gần 10 trường khác đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi này.

Ngành học có mức cạnh tranh cao chỉ dùng điểm thi tốt nghiệp để sơ tuyển

Theo văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, năm 2022, Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục ĐH, CĐ tiếp tục thực hiện quyền tự chủ trong tuyển sinh theo quy định của pháp luật và quy chế, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Bộ cũng yêu cầu các trường ĐH, CĐ phải tổ chức tuyển sinh đảm bảo an toàn, hiệu quả, công bằng; đổi mới công tác tuyển sinh, đề án tuyển sinh, xác định phương thức, hình thức tuyển sinh cần phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tính công khai, minh bạch theo quy định. Chủ động phối hợp với các địa phương xây dựng phương án tổ chức tuyển sinh trong bối cảnh dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp.

Bộ GD&ĐT khuyến cáo những trường ĐH, ngành học có mức độ cạnh tranh cao chỉ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để sơ tuyển, sau đó cần có thêm các hình thức chọn lọc bổ sung nhằm phân loại tốt hơn đối tượng tuyển chọn.

Bên cạnh đó cần có các động thái chuẩn bị, tiến tới hình thành các trung tâm khảo thí chuyên nghiệp của các cơ sở giáo dục ĐH và trung tâm khảo thí độc lập. 

Xem thêm: lmth.2604301-iogn-nel-gneir-hnis-neyut-iht-yk-2202-man/cud-oaig/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“Năm 2022, kỳ thi tuyển sinh riêng “lên ngôi””0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools