dat bike weaver 200-breaking limits
Hơn mười năm trước, cậu học trò đã mang vinh quang về cho Đà Nẵng với tấm huy chương bạc Olympic Tin học quốc tế. Mười năm sau, chàng trai trẻ đã từ bỏ công việc đáng mơ ước trên đất Mỹ, trở về quê hương với tham vọng tạo ra dòng xe máy điện mang thương hiệu " made in Việt Nam".
Tháng 4/2021, startup của anh gọi vốn thành công 2,6 triệu USD trong vòng pre-series A từ Quỹ đầu tư Jungle Ventures. Bà My Trần, chuyên viên đầu tư của Quỹ nhận xét: "Đây là khoản đầu từ rất ngoại lệ, đầu tư rất sớm bởi chúng tôi thật sự mong muốn tiếp sức Sơn trở thành hình ảnh Elon Musk của Đông Nam Á cho mảng xe hai bánh tại thị trường này".
Nguyễn Bá Cảnh Sơn tin rằng giai đoạn sắp tới chính là cơ hội giúp Dat Bike mở rộng thị trường và quy mô sản xuất, tạo bước tiến mới cho doanh nghiệp sau thời gian thị trường "ngủ đông" do Covid-19.
Nhớ lại giai đoạn khi tôi còn làm việc ở Mỹ, công việc chính là quản lý kỹ thuật cho một vài dự án chuyên quản lý các quỹ hưu trí, quỹ đầu tư hay quỹ gia đình. Sản phẩm cuối của dự án là quản lý tài sản, một thuật ngữ mà tôi và những người thân trong gia đình không bao giờ dùng tới. Mỗi năm về nhà đón Tết, mẹ có hỏi tôi ở Mỹ làm công việc gì. Nhưng khi giải thích, không ai có thể hiểu rõ công việc này. Từ đó, tôi nhận ra bài toán mà mình đang giải quyết không liên quan đến người thân và bạn bè xung quanh. Ngay lập tức trong đầu tôi nảy ra ý tưởng: Tôi muốn làm ra một sản phẩm mà chính tôi và người thân phải sử dụng được.
Thời điểm tôi ở Mỹ, Tesla đã có chỗ đứng trong thị trường xe ô tô điện. Nhưng những startup về xe máy điện thường thất bại và đóng cửa sau vòng gọi vốn đầu tiên vì không có thị trường, mặc dù bài toán về công nghệ đã được giải quyết. Trong khi đó, Đông Nam Á có đến 250 triệu người dùng xe máy, tỷ lệ xe xăng chiếm gần 100%. Nghĩa là bài toán về thị trường đã được giải quyết nhưng chưa có công nghệ. Tôi nhận thấy, sự kết hợp giữa thị trường và công nghệ sẽ tạo giá trị cho xã hội. Vậy nên, tôi muốn góp sức và hơn nữa là người tiên phong cho xu thế này.
Tôi học lập trình phần mềm từ lớp 6, tính ra cũng gắn bó với khoa học máy tính gần 20 năm. Nhờ đó, tôi may mắn có được tư duy làm phần mềm và áp dụng vào Dat Bike.
Thế nhưng đây cũng là thiếu sót. Lúc bắt đầu làm xe điện tôi chẳng biết gì về công nghiệp chế tạo. Mọi thứ đối với tôi đều rất mới và cần phải học lại từ đầu, từ cơ khí, điện tử, thiết kế mạch, thiết kế công nghiệp, cho đến chuỗi cung ứng... Thời gian đó, tôi xem YouTube hơn 10 tiếng mỗi ngày và đọc sách về những kiến thức liên quan, đồng thời tham gia các khóa học dạy gia công cơ khí, thiết kế điện tử, vẽ công nghiệp.
Một sản phẩm phần mềm sẽ luôn được cập nhật liên tục, một ứng dụng có thể có vài chục, vài trăm lần cải tiến trong một năm. Nhưng đối với thị trường xe truyền thống, gần như khi bạn mua một chiếc xe, nó là như vậy và cũ hơn cho đến khi bạn không thể dùng được nữa.
Dat Bike thì khác! Các công nghệ trên xe luôn được cập nhật phiên bản mới nhất để đem lại trải nghiệm ngày càng hoàn thiện hơn đến khách hàng. Đó là lý do nếu người dùng tham gia vào nhóm Dat Bikers trên Facebook, họ sẽ đọc được khá nhiều chia sẻ của khách hàng. Mỗi lần đem xe đến cửa hàng của chúng tôi để bảo dưỡng, thậm chí chỉ để rửa xe, họ như nhận lại được một chiếc xe mới hoàn toàn.
Tôi nhớ, khi vừa làm xong prototype (xe mẫu), tôi đã chạy cả trăm cây số lên thành phố San Francisco, bang California, để gặp các nhà đầu tư. Lúc đó chưa có kinh nghiệm gọi vốn nên chỉ toàn nhận những cái lắc đầu từ họ. Tôi cứ loanh quanh ngoài đường đến tối mới nhớ ra cả ngày chưa ăn gì. Và từ những ngày đầu khó khăn đó đã rèn giũa cũng như tạo động lực cho tôi ở những lần gọi vốn tiếp theo, để có thể duy trì và phát triển Dat Bike như hiện nay.
Do đó, tôi nghĩ trong bất kỳ giai đoạn nào của công ty, làm ra sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của khách hàng luôn là điều quan trọng nhất.
Khi mới khởi nghiệp, phần lớn khách hàng là những người early adopters (nhóm khách hàng thích nghi nhanh). Họ thích thử những thứ mới, do đó họ chấp nhận rủi ro để mua một chiếc xe từ công ty mới thành lập chưa đầy một năm. Nhưng bây giờ, khách hàng mua xe vì nó đáp ứng được nhu cầu đi lại hàng ngày, do đó họ có những đòi hỏi khắt khe hơn về tính hoàn thiện sản phẩm và chất lượng dịch vụ.
Tôi đặt giả thuyết, nếu được lựa chọn giữa một chiếc xe điện và một chiếc xe xăng, khi mọi yếu tố khác ngang nhau thì tất cả mọi người sẽ chọn xe điện. Điều này đơn giản vì xe điện giúp giảm thiểu khói bụi gây ô nhiễm môi trường và ai cũng muốn trở thành một công dân tốt cho xã hội.
Vấn đề nằm ở phần "mọi yếu tố khác ngang nhau" vì hiện tại khoảng cách giữa xe xăng và xe điện vẫn còn lớn. Và bài toán cần giải là làm sao rút ngắn khoảng cách này. Khoảng cách càng nhỏ thì sẽ càng có nhiều người chuyển sang sử dụng xe điện và Dat Bike xứng đáng là lựa chọn hấp dẫn nhất.
Ai cũng hiểu xe điện thông thường còn nhiều điểm thua kém hơn xe xăng. Thứ nhất, khả năng vận hành của xe điện thường chỉ bằng 1/3 công suất so với xe xăng. Thứ hai, về thời gian sạc, chúng ta chỉ mất 5 phút để đổ đầy bình xăng cho quãng đường 200km, trong khi xe điện phổ thông cần đến 10 tiếng sạc pin cho quãng đường 50km.
Song, Dat Bike xem đây chính là chìa khóa để giải quyết bài toán về sự khác biệt giữa hai loại phương tiện. Mới đây, chúng tôi đã cho ra mắt chiếc Weaver 200 mới, loại xe điện đầu tiên tại Việt Nam chỉ một lần sạc có thể đi 200km. Điều này cũng một lần nữa chứng minh doanh nghiệp của chúng tôi là những người tiên phong tạo ra dòng xe điện đủ khả năng giải quyết bài toán này.
Tại Việt Nam có khoảng 50-60 triệu người sở hữu xe máy và hàng năm có khoảng 3 triệu chiếc được bán ra. Tuy nhiên, sau 15 năm kể từ khi xe điện gia nhập vào thị trường xe hai bánh, mới đầu chỉ có khoảng 2% người dùng xe điện và đối tượng chủ yếu là học sinh dưới 18 tuổi. Những năm gần đây, con số này đã tăng lên 20% trong khi tốc độ tăng trưởng hàng năm của thị trường xe máy xăng chỉ khoảng 3%, chứng tỏ người dùng đang có nhu cầu chuyển sang phương tiện thân thiện hơn với môi trường.
Qua đó, tôi nhận thấy Việt Nam là thị trường tiềm năng, tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, số lượng người dùng còn thấp là do khả năng vận hành (quãng đường đi được, công suất, thời gian sạc) của các xe điện hiện tại chưa đủ thuyết phục người dùng thay đổi. Nếu giải quyết được đúng vấn đề cản trở người dùng tiếp cận xe điện.
Một thách thức nữa không riêng Dat Bike mà còn của các nhà sản xuất xe điện tại Việt Nam chính là thay đổi nhận thức của người dùng về xe điện. Bởi từ lâu, người tiêu dùng Việt Nam đã quen với xe điện giá rẻ nhập từ Trung Quốc, chỉ sử dụng được 2-3 năm là hỏng. Nhiều người mặc định xe điện phải rẻ hơn xe xăng, trong khi trên thế giới xe điện đắt hơn xe xăng rất nhiều. Nếu thay đổi được nhận thức này, tôi nghĩ xe điện sẽ được đón nhận nhiều hơn.
Với mức sống ngày càng cao, ai cũng muốn mua những sản phẩm tốt nhất cho bản thân hay gia đình mình. Theo tôi, tâm lý "sính ngoại" có thể do trước đây hàng Việt chất lượng chưa cao nên người tiêu dùng thường ưu tiên sử dụng hàng ngoại nhập. Nhưng hiện nay, hàng Việt Nam dần đáp ứng được tiêu chuẩn của người dùng. Tinh thần "người Việt dùng hàng Việt" ngày càng được đề cao và ủng hộ mạnh mẽ.
Do đó, tôi nghĩ "sính ngoại" không phải là điều cần bận tâm, quan trọng là làm sao tạo ra một sản phẩm đủ tốt để thu hút người tiêu dùng.
Từ trước khi đại dịch xảy ra, Dat Bike đã đẩy mạnh các hoạt động bán hàng online. Trong thời gian đầu khi dịch chưa bùng phát mạnh, Dat Bike đem xe đến tận nhà để khách hàng có thể lái thử.
Đối với những khách ở xa không thể lái thử, Dat Bike có chính sách đổi trả trong vòng hai ngày. Nếu nhận xe và đi thử trong vòng hai ngày nhưng không thấy hài lòng, khách hàng hoàn toàn có thể trả lại xe và nhận lại 100% số tiền mua xe, tất cả các chi phí vận chuyển đều do Dat Bike chi trả. Hiện tại, chính sách này vẫn đang được áp dụng giúp khách hàng có thể tự tin mua xe hơn.
Ngoài ra, với tốc độ tăng trưởng sản lượng bán hàng 35% mỗi tháng, các hoạt động quản lý nội bộ sẽ có khá nhiều điểm cần được tối ưu hóa. Đại dịch đem tới cho Dat Bike cơ hội để điều chỉnh và cải tiến các phương thức quản trị hiệu quả hơn.
Thời gian qua, đội ngũ Dat Bike đã cập nhật liên tục cho xe của khách hàng cả về phần mềm lẫn phụ tùng. Việc cập nhật này không chỉ dành riêng cho khách hàng mới hay dòng xe mới, mà cả những chiếc xe của Dat Bike đã giao trước đó. Các phiên bản cập nhật đều được cải tiến về khả năng vận hành, độ an toàn và tính thẩm mỹ của xe.
Là một doanh nhân trong lĩnh vực công nghệ, đứng trước vấn nạn ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Chúng tôi luôn mong muốn có thể góp một phần vào công cuộc không để xe xăng "cày xới bầu không khí" quê hương mình.Chính vì thế, đội ngũ Dat Bike cho ra mắt Weaver, mẫu xe máy điện đầu tiên do Việt Nam sản xuất.
Mục tiêu tôi và Dat Bike xác định không phải cạnh tranh với xe máy xăng, mà là giúp người dùng chuyển đổi từ xe máy xăng sang xe điện. Để có thể hiện thực hoá được sứ mệnh này, chúng tôi phải xác định đúng bài toán cần giải quyết và tập trung 100% nguồn lực xử lý. Đó là vấn đề về công nghệ, tăng khả năng vận hành của xe với mức chi phí hợp lý nhất cho người tiêu dùng.
Khi mới ra mắt, nhiều người ủng hộ nhưng vẫn còn hoài nghi về khả năng vận hành. Họ mua xe của Dat Bike nhưng vẫn giữ lại chiếc xe máy đang sử dụng vì không chắc Dat Bike có thể đáp ứng được nhu cầu. Tuy nhiên, sau một vài tuần sử dụng, các Dat Bikers (những người đang sử dụng xe Dat Bike) đã bán xe máy xăng và sử dụng Dat Bike 100%.
Với tốc độ phát triển về sản lượng bán hàng 35% mỗi tháng, hiện tại Dat Bike đã có nhiều khách hàng hơn hai năm trước rất nhiều. So với sản phẩm hai năm trước, những chiếc xe hiện tại đã khác biệt và được cải tiến nhiều hơn. Nếu lái thử, bạn sẽ cảm nhận rõ điều tôi nói.
Dat Bike thu hút nhiều nhân tài hơn, những người dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực của họ. Công ty cũng có nhiều kết nối với các nhà cung ứng trong nước hơn, giúp cho việc tích hợp theo chiều dọc diễn ra trơn tru hơn. Từ đó, việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm sẽ nhanh hơn và giá thành cũng sẽ thấp hơn.
Trong tương lai, Dat Bike sẽ cho ra nhiều mẫu xe mới, với những công nghệ tiên tiến và thiết kế khác nhau phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng hơn. Chúng tôi mong muốn tạo ra những thế hệ xe có khả năng vận hành và thời gian sạc pin cấp tốc, giúp người dùng có thể di chuyển 200-300km chỉ trong một lần sạc nhanh 15-20 phút.
Đó là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của một doanh nghiệp khởi nghiệp trẻ như chúng tôi với kỳ vọng phá bỏ những rào cản của xe điện hiện tại để giúp nhiều người thay đổi từ xe xăng qua xe điện hơn.
Ánh Dương
Theo Trí Thức Trẻ
Xem thêm: nhc.71000716161211202-man-teiv-neid-ex-gnah-auc-dsu-yt-52-om-caig/nv.zibefac