Kỳ bầu cử tổng thống Mỹ lần thứ 59 là cuộc đối đầu nghẹt thở giữa đương kim Tổng thống Donald Trump cùng "phó tướng" Mike Pence (Đảng Cộng hòa) và cặp đôi ứng viên Joe Biden - Kamala Harris (Đảng Dân chủ).
Công chúng phải nín thở theo dõi vì tỷ lệ phiếu bầu giữa hai ứng viên liên tục suýt soát nhau. Cuộc đua bùng nổ khi phe ông Trump cáo buộc Đảng Dân chủ gian lận, song hàng loạt tố cáo của phe Đảng Cộng hòa đều bị bác bỏ.
Tổng cộng, ông Biden đạt hơn 81 triệu phiếu bầu phổ thông và giành chiến thắng chung cuộc với tổng phiếu bầu đại cử tri là 306/538. Song, ông Trump không chấp nhận thua cuộc.
Đỉnh điểm của cuộc cạnh tranh là vào ngày 6/1/2021, khi ông Trump kêu gọi đám đông người ủng hộ tuần hành đến Tòa nhà Quốc hội, nơi hàng trăm nghị sĩ đang chứng nhận kết quả phiếu bầu đại cử tri.
Cuộc bạo loạn tại Điện Capitol hôm đó khiến các nghị sĩ tháo chạy tán loạn, khói lửa bao trùm một trong những biểu tượng của nền dân chủ thế giới và khiến ít nhất 4 người thiệt mạng.
Đối mặt với làn sóng chỉ trích từ tứ phía, cuối cùng ông Trump đã nhận thua. Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ lần thứ 59 trở thành một trong các kỳ bầu cử đáng ghi nhớ nhất lịch sử Mỹ.
Cuộc bầu cử này ghi nhận nhiều kỷ lục khác: tỷ lệ cử tri bỏ phiếu cao nhất từ đầu thế kỷ 19; ông Biden trở thành người cao tuổi nhất nhậm chức tổng thống; bà Harris trở thành người phụ nữ và cũng là người da màu đầu tiên vào chức phó tổng thống; và ông Trump là vị tổng thống duy nhất bị luận tội hai lần - lần thứ 2 vì dính dáng đến bạo loạn sau bầu cử.
Làm chủ Nhà Trắng ở tuổi 78, Tổng thống Joe Biden phải dọn dẹp đống ngổn ngang mà người tiền nhiệm để lại: đại dịch chết chóc, kinh tế đình trệ, thất nghiệp tràn lan. Dù vậy, trong toàn văn bài phát biểu nhậm chức, vị tổng thống Đảng Dân chủ vẫn rất tràn trề hy vọng về một tương lai xán lạn của nước Mỹ.
Sau một năm nhậm chức, ông Biden đã đạt được một số thành tựu nhất định. Trên mặt trận chống dịch, thành công lớn nhất có lẽ là chiến dịch tiêm chủng vắc xin. Đến nay, hơn 200 triệu người dân Mỹ đã tiêm được ít nhất một mũi vắc xin ngừa COVID-19. Ngoài ra, Mỹ còn chia sẻ hàng trăm triệu liều vắc xin cho thế giới, là nước đi đầu chiến lược ngoại giao vắc xin.
Ngoài ra, vị tổng thống Đảng Dân chủ còn xác lập hai thành tựu lập pháp khác, lần lượt là gói cứu trợ kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD và đạo luật đầu tư cơ sở hạ tầng 1.200 tỷ USD. Đây là các gói chi tiêu có thể giúp nền kinh tế vực dậy sau hơn hai năm bị COVID tàn phá, đồng thời giúp Washington cân bằng quyền lực với Bắc Kinh.
Trên mặt trận ngoại giao, ông Biden đã tái thiết lập quan hệ với các đồng minh thân cận cũng như mở rộng mạng lưới đối tác sang khu vực Đông Nam Á, qua đó giúp thay đổi bộ mặt của Mỹ sau 4 năm ông Trump nắm quyền.
Dù vậy, ông Biden cũng phải đối mặt với những áp lực nhất định, rõ rệt nhất là mối lo lạm phát và cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm tới.
Sau gần một năm ngược xuôi, cuối cùng các nhà khoa học trên thế giới đã điều chế thành công vắc xin ngừa COVID-19. Một số cái tên phổ biến nhất hiện nay có thể kể đến là Pfizer-BioNTech, Oxford-AstraZeneca, Moderna, Sinopharm,…
Bước sang năm 2021, quan chức y tế từ New York, London cho đến Thượng Hải chính thức triển khai chiến dịch tiêm chủng với hy vọng đạt tỷ lệ tiêm chủng 75% để hình thành miễn dịch cộng đồng.
Tưởng chừng vắc xin sẽ đem lại một năm 2021 tươi sáng, nhưng thực tế lại khá u ám. Các nước giàu nhanh chân gom mua vắc xin nhưng người dân e ngại tiêm chủng, còn những nước nghèo lại chật vật mua vắc xin và nhập cuộc trễ hơn.
Đến giữa năm, cùng với sự xuất hiện của biến chủng Delta, các nhà khoa học cảnh báo tỷ lệ tiêm chủng cần phải đạt trên 90% thì mới hình thành miễn dịch cộng đồng.
Làn sóng COVID mới bùng lên khắp các châu lục, khiến chính phủ các nước vừa phải lo kiểm soát dịch bệnh vừa phải đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin. Trường hợp của Việt Nam trong quý II và III vừa qua là minh chứng rõ nét.
Lũy kế từ khi đại dịch bùng phát đến nay, tổng số ca nhiễm trên toàn cầu là gần 268 triệu; còn tổng số ca tử vong đạt gần 5,3 triệu. Các số liệu vẫn tiếp tục tăng từng ngày.
Ở diễn biến khác, theo số liệu của Our World in Data, cho đến nay, khoảng 8,45 tỷ liều vắc xin đã được phân phát trên toàn cầu, quá thấp so với con số cần thiết. Ngoài ra, chỉ khoảng 56% dân số thế giới tiếp nhận ít nhất một mũi vắc xin và chỉ 7,1% người dân tại các nước thu nhập thấp được tiêm ít nhất một mũi.
Biến chủng Delta chưa lùi xa thì gần đây, WHO lại thông báo về sự xuất hiện của một siêu biến chủng mới mang tên Omicron. Hiện các nhà khoa học chưa thu thập đủ thông tin về biến chủng này, song các hãng dược đã cảnh báo rằng vắc xin có thể giảm hiệu quả đối với Omicron.
Dấu hiệu bất ổn trong chuỗi cung ứng đã lộ diện từ năm ngoái, khi cả thế giới chật vật tìm nguồn cung hàng hóa thay thế cho sản phẩm của "đại công xưởng" Trung Quốc.
Sang năm 2021, tình hình càng xấu đi. Trong bối cảnh nhu cầu vượt xa khả năng cung ứng container của thị trường, giá cước vận tải biển toàn cầu đã tăng nóng hơn 250% trong năm qua và gây ra tình trạng ùn ứ tại nhiều cảng biển lớn như Los Angeles - San Francisco (Mỹ) hay Rotterdam (Hà Lan), theo hãng tư vấn hàng hải Drewry.
Chuỗi cung ứng, vốn đang phải hứng chịu tình trạng thiếu hụt trầm trọng container và cú sốc giá cước, lại gánh thêm quả tạ khi siêu tàu Ever Given nặng 221.000 tấn mắc cạn và chắn ngang kênh đào Suez vào tháng 3.
Hệ quả là 10 tỷ USD hàng hóa bị mắc kẹt, hàng trăm con tàu phải tốn thêm thời gian và nhiên liệu để đi đường vòng cho kịp giao hàng,…
Trung Quốc cũng là một nút thắt cổ chai trong cuộc khủng hoảng, bởi chiến lược Zero COVID của Bắc Kinh đã buộc một loạt cảng lớn như Diêm Điền (Thâm Quyến), Ninh Ba - Chu Sơn phải tạm đóng cửa hồi giữa năm; thủy thủ đoàn nghỉ Tết Nguyên đán sớm dẫn đến thiếu công nhân trên diện rộng.
Làn sóng COVID mới tại các trung tâm sản xuất hàng hóa mới nổi như Việt Nam cũng dẫn đến nguy cơ thiếu hàng hóa cho Giáng sinh và dịp năm mới ở phương Tây khi hàng loạt nhà máy phải đóng cửa hoặc giảm công suất để dập dịch vào giữa năm. Một số đã tính đến chuyện dời cơ sở sản xuất khỏi nước ta.
Giới phân tích dự đoán, ít nhất phải đến năm 2023 thì các nút thắt trong chuỗi cung ứng mới được giải tỏa, đồng thời giá cước vận tải biển sẽ đi ngang và thiết lập một mặt bằng giá mới ở mức khá cao.
Hồi đầu năm, giữa lúc nền kinh tế toàn cầu khởi sắc, nhu cầu hàng hóa của Trung Quốc tăng cao, cước vận tải leo thang và các NHTW duy trì chính sách tiền tệ lỏng lẻo, giá hàng hóa liên tục phi mã.
Một số ngân hàng đã đồn đoán về sự khởi đầu của một siêu chu kỳ hàng hóa - một hiện tượng mà cầu vượt cung, dẫn đến tình trạng giá cả hàng hóa liên tục tăng trong nhiều năm, hoặc đôi khi là cả thập kỷ.
Tính từ đầu năm đến nay, giá dầu thô, nhiều nông sản và kim loại thế giới đã tăng từ 20% đến hơn 300%, riêng giá khí đốt tại châu Âu có thời điểm còn tăng hơn 600%. Chỉ số Commodities Index của Bloomberg tăng gần 30% so với đầu năm 2021.
Vốn là một "thế lực" lớn trên thị trường hàng hóa, Trung Quốc cũng toát mồ hôi hột và buộc phải đưa ra nhiều biện pháp để kiểm soát giá hàng hóa như xả kho dự trữ kim loại, trấn áp nạn đầu cơ.
Các biện pháp mạnh tay của Bắc Kinh quả thực đã có hiệu quả. Từ khoảng tháng 9, giá một số hàng hóa chính đã hạ nhiệt phần nào. Dù thị trường hàng hóa đã bớt nóng, một số nhà phân tích vẫn tin đây là dấu hiệu cho một siêu chu kỳ hàng hóa thực sự.
Trong bối cảnh thế giới đặt tham vọng giảm dần việc tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch và đưa mức phát thải khí nhà kính về 0, cuộc khủng hoảng năng lượng diễn ra tại Trung Quốc và châu Âu lại nêu bật lên những khó khăn trên hành trình này.
Từ cuối tháng 8 đến nay, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã xảy ra tình trạng thiếu điện nghiêm trọng do thiếu than và chính sách kiểm soát mức tiêu thụ năng lượng, khiến hơn 20 tỉnh thành chịu thiệt hại. Cùng thời điểm, châu Âu cũng vất vả tìm đường gom khí đốt để chuẩn bị cho mùa đông khắc nghiệt sắp đến.
Để giải quyết khủng hoảng, Bắc Kinh đã thúc giục các công ty trong nước khai thác thêm than, cắt giảm lượng điện năng cung ứng cho các nhà máy thâm dụng năng lượng như cơ sở luyện thép, sản xuất xi măng,…, đồng thời gom than, khí đốt và dầu thô từ các nhà cung ứng mới.
Châu Âu thê thảm hơn khi tồn kho khí đốt đã cạn kiệt từ đầu mùa hè và Nga không chịu bơm thêm khí đốt hòng ép EU thông qua dự án Nord Stream 2. Chính phủ các nước trong khu vực chỉ có thể vừa thương lượng với Điện Kremlin, vừa dốc sức mua thêm nhiên liệu hóa thạch để giải bài toán của mình.
2021 có thể là năm đáng nhớ nhất của các tài sản kỹ thuật số. Tính từ đầu năm đến nay, bitcoin - đồng tiền ảo lớn nhất thế giới, tăng hơn 67% và đã nhiều lần xô đổ kỷ lục cũ để leo lên mức cao nhất mọi thời đại là hơn 67.700 USD/BTC.
Bitcoin còn được ca ngợi là "vàng kỹ thuật số", sánh ngang với tài sản truyền thống trên phương diện chống lạm phát. Các tổ chức tài chính ngày càng coi trọng bitcoin và El Salvador đã trở thành nước đầu tiên trên thế giới công nhận bitcoin là đồng tiền hợp pháp.
Các đồng "memecoin" như dogecoin, shiba inu hay thậm chí là omicron (đồng tiền trùng tên biến chủng Omicron) cũng lên ngôi, tăng hàng trăm % chỉ trong vài tháng tháng, thậm chí vài ngày ngắn ngủi.
Chưa kể, các tài sản kỹ thuật số khác như NFT, game blockchain cũng nổi sóng. Gần đây, một mảnh đất ảo trong game Axie Infinity còn được bán với giá tương đương 2,3 triệu USD.
Tuy nhiên, thị trường tài sản số vẫn biến động rất thất thường, khi trong năm nay giá bitcoin đã cắm đầu ít nhất ba lần do các chính sách trấn áp của Trung Quốc, những màn khuấy động của tỷ phú Elon Musk hoặc do sự xuất hiện của biến chủng Omicron.
Tính chất bất ổn của tiền ảo khiến các chuyên gia đặt câu hỏi, liệu chúng có sẵn sàng trở thành một tài sản chính thống hay chỉ là một loại tài sản đầu cơ, một quả bong bóng chực chờ nổ tung.
Sang năm 2022, tiền ảo sẽ tiếp tục chịu áp lực từ các cơ quan tài chính toán cầu và có thể bị điều chỉnh mạnh nhất trong các loại tài sản đầu tư, theo một khảo sát hồi đầu tháng 12 của Natixis Investment Managers.
Sau một năm 2020 miệt mài tháo gỡ đòn bẩy tài chính, trong năm nay, Bắc Kinh đã bắt đầu theo đuổi chính sách "thịnh vượng chung" của Chủ tịch Tập Cận Bình, nhằm phân phát tài sản của người giàu cho người thu nhập thấp hơn.
Bắc Kinh cũng đã đạt được những bước tiến nhất định, bắt đầu từ việc siết chặt kiểm soát các lĩnh vực công nghệ, giáo dục, giải trí và bất động sản. Song, cách làm này lại khiến các doanh nghiệp lao đao, thiệt hại hàng trăm tỷ USD.
Đặc biệt, bất động sản - trụ cột của nền kinh tế tỷ dân bao năm nay, đã sa sút đáng kể. Ví dụ rõ nét nhất chính là "bom nợ" Evergrande, minh chứng cho tình trạng vay nợ quá đà tại Trung Quốc.
Doanh số bán đất, một nguồn thu quan trọng của chính quyền nhiều địa phương, cũng sụt giảm mạnh trong năm nay. Khoảng 65,5% đất đấu giá trên toàn quốc bị ế, tỷ lệ cao nhất từng được ghi nhận từ năm 2008, theo Kaiyuan Securities.
Mặc dù Bắc Kinh khẳng định các rủi ro tài chính tại Trung Quốc là kiểm soát được, giới chuyên gia vẫn e ngại về mầm mống khủng hoảng tài chính xuất phát từ nước này, đặc biệt là trong bối cảnh tăng trưởng hụt hơi, dân số già hóa và sức tiêu dùng giảm.
Trong đại dịch, chúng ta đã học được rằng nếu Trung Quốc hắt hơi, cả thế giới sẽ xổ mũi. Do đó, lo ngại là hoàn toàn có cơ sở.
Bắt nguồn từ một chuỗi cung ứng đứt đoạn và giá cả hàng hóa leo thang, lạm phát cũng tăng cao tại hầu hết nền kinh tế trên toàn cầu.
Ban đầu, Fed - NHTW quyền lực nhất thế giới, còn khẳng định xu hướng lạm phát chỉ là nhất thời. Song hiện tại Chủ tịch Jerome Powell và các đồng nghiệp đã thừa nhận lạm phát là mối lo hiện hữu của nền kinh tế. Điều này đã khiến một số nhà phân tích lên tiếng phê bình Fed.
Từ tháng 11, Fed đã bắt đầu giảm tốc độ bơm tiền vào hệ thống tài chính. Giới phân tích dự đoán, Fed có thể hoàn tất kế hoạch giảm bơm tiền vào khoảng tháng 3 năm sau. Và sau cuộc họp tháng 12, NHTW Mỹ cho biết họ có thể tăng lãi suất ít nhất ba lần trong năm 2022.
Để ứng phó với áp lực lạm phát, các NHTW khác như BoE, ECB cũng đã hoặc cân nhắc siết chặt chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, trở ngại lớn cho các NHTW là tăng trưởng kinh tế đang trì trệ, trong khi thị trường lao động chưa phục hồi về mức trước đại dịch.
Trong bối cảnh vĩ mô kém lạc quan, hành trình siết chặt chính sách của các NHTW toàn cầu sẽ gặp phải muôn vàn chông gai. Dù vậy, chúng ta vẫn có một số tia sáng le lói, khi chính phủ Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản cùng nhiều nước mới nổi như Việt Nam đã, đang và sắp ban hành các gói kích thích tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế.