TQ giành được kho báu từ Mỹ
Tại Kisanfu (Cộng hòa Dân chủ Congo), men dọc theo con đường đất đỏ, xuyên qua vùng cỏ dại mọc cao ngập sương, những chiếc máy ủi đất đang đào một hẻm núi to mới.
Trong hơn một thập kỷ qua, vùng đất hoang sơ rộng lớn này do một công ty Mỹ kiểm soát, tuy nhiên, giờ đây, một tập đoàn khai thác khoáng sản của Trung Quốc đã mua lại mảnh đất này và nóng lòng khai thác kho báu ẩn giấu dưới lòng đất: Hàng triệu tấn coban .
Ông Kyahile Mangi (73 tuổi) đã sống ở đây đủ lâu để có thể đưa ra dự đoán: Một khi vụ nổ bắt đầu, các bức tường của những ngôi nhà được xây dựng bằng gạch bùn sẽ bị nứt. Hóa chất sẽ ngấm xuống sông, nơi những người phụ nữ vừa giặt quần áo, rửa bát đĩa vừa cảnh giác bị hà mã tấn công. Ngay sau đó, một người quản lý tại mỏ khai thác sẽ thông báo rằng tất cả người dân cần phải dời đi.
Ông Mangi (mũ vàng) lo lắng sẽ phải dời đi khi công ty Trung Quốc đến. Ảnh: NYT
"Chúng tôi biết tài nguyên khoáng sản của vùng này rất phong phú", Mangi nói, là trưởng thôn, ông hoàn toàn biết rằng sự phong phú của khu mỏ này không liên quan gì đến những người dân sinh sống ở đây.
Vùng rừng núi rậm rạp khu vực phía Đông Nam CHDC Congo này được coi là một trong những nguồn dự trữ coban chưa khai thác lớn nhất, thuần chất nhất thế giới.
Kim loại màu xám này ngày nay càng được quan tâm do chúng được khai thác để sử dụng trong pin ô tô điện. Điều này giúp ô tô điện chạy lâu hơn mà không cần sạc nên nhu cầu toàn cầu về coban sẽ tăng vọt.
Giờ đây, với hơn 2/3 sản lượng coban của thế giới đến từ Congo, đã giúp quốc gia Trung Phi một lần nữa trở thành tâm điểm khi các nhà sản xuất ô tô lớn cam kết ứng phó với biến đổi khí hậu bằng cách chuyển đổi từ phương tiện chạy bằng xăng sang chạy bằng pin. Tuy nhiên, Mỹ hay Trung Đông giàu dầu mỏ lại không dồi dào về những loại khoáng sản để sản xuất pin ô tô.
Nhưng cũng chính từ đây, theo The New York Times (NYT-Mỹ), cuộc tranh giành coban ở Conggo đã rơi vào tình trạng tồi tệ.
Từ hơn 100 cuộc phỏng vấn và hàng nghìn trang tài liệu của NYT cho thấy, cuộc chiến giành coban đã gây ra cuộc tranh giành quyền lực ở Congo, kho chứa nguồn tài nguyên ngày càng được đánh giá cao và thu hút nguồn lực nước ngoài có ý định thống trị kỷ nguyên năng lượng toàn cầu tiếp theo.
Đặc biệt, sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ có thể tác động sâu rộng đến mục tiêu chung là bảo vệ trái đất. Ít nhất là ở Congo, cho đến nay, Trung Quốc đã giành ưu thế trong cuộc cạnh tranh này. NYT cho biết, trong 5 năm qua, một công ty được chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn đã mua lại hai mỏ coban lớn nhất ở Congo.
Khi tầm quan trọng của những giao dịch đó ngày càng trở nên rõ ràng hơn, Trung Quốc và Mỹ đã bước vào một "cuộc chơi lớn" mới. Hồi giữa tháng 11, trong chuyến thăm quảng bá xe điện tại nhà máy của General Motors ở Detroit, Tổng thống Joe Biden thừa nhận, Mỹ đã đánh mất một số lợi thế của mình. "Với tư cách là một quốc gia, chúng ta phải đối mặt với nguy cơ mất lợi thế của mình, và Trung Quốc cũng như phần còn lại của thế giới đang bắt kịp", ông nói. "Được thôi, chúng ta sẽ hoàn toàn đảo ngược tình thế".
Khu mỏ Kisanfu là một trong hai thương vụ lớn của Tập đoàn China Molybdenum đang phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây. Ảnh: NYT
Vào tháng 6 năm nay, chỉ sáu tháng sau khi mỏ coban đổi chủ, chính quyền Tổng thống Biden cảnh báo rằng Trung Quốc có thể lợi dụng sự kiểm soát ngày càng tăng của mình đối với mỏ coban để loại bỏ các nhà sản xuất Mỹ và làm gián đoạn sự phát triển xe điện ở Mỹ. Theo một quan chức an ninh quốc gia Mỹ, để đáp lại, Washington đang khẩn trương nhập khẩu coban từ các đồng minh bao gồm Úc và Canada.
Hiện tại, những căng thẳng xung quanh khoáng sản và kim loại đã khiến thị trường xe điện gặp khó khăn.
Việc các công ty Trung Quốc tăng cường khai thác và tinh chế quặng coban đã giúp đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và thúc đẩy nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, khi ngày càng có nhiều nhà sản xuất ô tô trên thế giới sản xuất nhiều xe điện hơn, dựa trên phân tích các mỏ coban hiện có và các mỏ coban đang được khai thác, Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự đoán thế giới sẽ thiếu coban vào năm 2030. Cũng có những cơ quan dự báo chỉ ra rằng tình trạng thiếu hụt có thể xuất hiện sớm nhất vào năm 2025 .
Theo NYT, sau khi tham khảo các tài liệu được đệ trình lên các cơ quan quản lý Trung Quốc, họ nhận thấy việc mua lại mỏ quặng ở Congo tuân theo một chiến lược rõ ràng. Bắc Kinh đã công bố chiến lược này một cách rầm rộ vào năm 2015, nhằm thống trị nền kinh tế năng lượng sạch mới nổi trên thế giới.
Tính đến năm ngoái, 15 trong số 19 mỏ coban ở Congo thuộc sở hữu hoặc tài trợ của các công ty Trung Quốc.
Mục tiêu của Trung Quốc là kiểm soát chuỗi cung ứng toàn cầu - từ kim loại dưới lòng đất đến pin, bất kể ô tô được sản xuất ở đâu. Cách tiếp cận này tương tự như việc Henry Ford đầu tư vào các đồn điền cao su của Amazon khi ngành công nghiệp ô tô chuyển sang sản xuất hàng loạt vào đầu thế kỷ 20.
Khu mỏ quặng có rừng bao phủ ở Kisanfu chỉ là một trong hai thương vụ lớn của China Molybdenum trong những năm gần đây. Lần đầu tiên là vào năm 2016, khi công ty mua lại Tenke Fungurume. Sản lượng coban của mỏ này cao gấp đôi so với bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới.
Tuy nhiên, theo các tài liệu do NYT thu thập và các cuộc phỏng vấn với các quan chức cấp cao hiện tại và trước đây của Mỹ, các công ty Trung Quốc đang gặp phải sự phản kháng mới từ chính phủ Congo.
NYT cho hay, dưới sự giúp đỡ tài chính từ Washington, giới chức Congo đang tiến hành đánh giá sâu rộng các hợp đồng khai thác trong quá khứ. Họ đang xem xét liệu các công ty có hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng hay không, bao gồm cả cam kết năm 2008 của Trung Quốc về việc cung cấp hàng tỷ USD để xây dựng đường bộ, cầu, nhà máy điện và các cơ sở hạ tầng khác.
Ngoài ra, dưới sự quản lý của công ty Trung Quốc, mức độ an toàn khai thác hầm mỏ giảm mạnh khiến số người bị thương gia tăng.
"Về vấn đề an toàn, tình hình đang trở nên tồi tệ hơn", Alfred Kiloko Makeba, Giám đốc an toàn khu mỏ nghỉ hưu vào năm ngoái cho biết.
Trong khi đó, người phát ngôn của China Molybdenum, Vincent Zhou, bác bỏ cáo buộc công ty lừa dối chính phủ Congo hoặc hạ thấp tiêu chuẩn an toàn và đặt câu hỏi liệu có những hành động có tổ chức để phá hoại nhằm vào công ty hay không.
Cuộc nói chuyện bên sảnh Thiên An Môn
Trong nhiều năm, các nước châu Phi đã tìm kiếm sự giúp đỡ của Trung Quốc trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng thông qua các khoản vay hoặc giao dịch liên quan đến tài nguyên thiên nhiên của họ - các giao dịch mà các nhà phân tích cảnh báo sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho Trung Quốc.
Cựu Tổng thống Congo Joseph Kabila đã trao quyền khai thác khoáng sản của nước này cho Trung Quốc để đổi lấy các dự án cơ sở hạ tầng. Ảnh: NYT
Hình thức giao dịch này, hiện đã trở nên phổ biến ở Châu Phi, được tiên phong bởi Joseph Kabila, người bước vào Đại lễ đường Nhân dân vào năm 2005.
Kabila, khi đó mới 33 tuổi, trở thành tân tổng thống mới Congo sau khi cha ông bị ám sát.
Trung Quốc là một đất nước quen thuộc với Kabila, ông đã từng ở đây cuối những năm 1990. Chuyến thăm của ông nhằm tìm kiếm sự giúp đỡ từ Chủ tịch Trung Quốc bấy giờ là Hồ Cẩm Đào nhằm cải thiện nền kinh tế Congo.
Ông Kabila đã liệt kê một loạt ý tưởng, nằm trong kế hoạch tái thiết kinh tế, ông muốn xây dựng những con đường, trường học và bệnh viện mới.
Đổi lại, ông sẵn sàng đánh đổi nguồn tài nguyên khoáng sản khổng lồ của đất nước mình, nơi có nguồn tài nguyên phong phú hàng đầu nhất thế giới.
Theo André Kapanga, cựu cố vấn của Kabila, tại sảnh lớn ở phía tây của Quảng trường Thiên An Môn, hai nhà lãnh đạo cao nhất đã vạch ra một thỏa thuận có thể thay đổi cán cân quyền lực ở Trung Phi.
Khi đó, ông Hồ Cẩm Đào giải thích với Kabila rằng rất nhiều người dân các tỉnh phía Tây Trung Quốc đang sống trong cảnh nghèo đói, phát triển khu vực này là nền tảng trong chính sách đối nội của ông. Trung Quốc cần khoáng sản và kim loại để mở rộng các ngành công nghiệp mới. Kabila cam kết với Hồ Cẩm Đào rằng Congo sẵn sàng giúp đỡ.
Trung Quốc bấy giờ đang mua nguyên liệu thô từ nước láng giềng của Congo, Angola, nơi họ cung cấp hỗ trợ tài chính hào phóng để đổi lấy dầu.
Nhưng thỏa thuận tiềm năng giữa Trung Quốc và Kabila có nhiều tham vọng hơn bất kỳ thỏa thuận nào khác. Trước khi thỏa thuận được ký kết, một sự kiện ngoại giao kịch tính đã diễn ra tại Cung điện Quốc gia bên bờ Kinshasa, thủ đô của Congo.
Bối cảnh là lễ nhậm chức của ông Kabila vào năm 2006. Trước đó, ông đã đắc cử Tổng thống thông qua một cuộc bầu cử chính thức. Tổng thống Mỹ khi đó là George Bush đã cử một phái đoàn do bà Elaine Chao, Bộ trưởng Lao động dẫn đầu đến tham dự buổi lễ.
Kabila thích mô tô. Khi Elaine Chao dùng bữa trưa với Kabila, bà đã tặng ông một mô hình xe Harley-Davidson. Chao ban đầu nghĩ rằng, đó là tất cả trao đổi giữa họ nhưng các thành viên trong phái đoàn đã thúc giục bà yêu cầu một cuộc gặp riêng, theo Laura Genero, Thứ trưởng Lao động có mặt trong chuyến đi. Điều khiến bà Chao ngạc nhiên là ông Kabila đồng ý tổ chức một cuộc gặp vào ngay ngày hôm sau.
Đương nhiên, cựu Bộ trưởng Mỹ hoàn toàn không chuẩn bị cho tình huống này nên bà phải mượn trang phục trang trọng khác từ cấp dưới.
Phái đoàn Mỹ đã chúc mừng Kabila giành chiến thắng trong cuộc bầu cử dân chủ và lắng nghe ý tưởng của ông về việc mở rộng điện khí hóa trên khắp đất nước. Một trợ lý của Kabila mô tả cuộc gặp chủ yếu là những lời thăm hỏi.
Một công ty Trung Quốc đang xây dựng những con đường gần mỏ Tenke Fungurume. Ảnh: NYT
Tuy nhiên, theo Kapanga, người biết câu chuyện bên trong của hai cuộc gặp, cuộc gặp tương tự giữa tân Tổng thống và các quan chức Trung Quốc lại đạt được những kết quả khác nhau.
Bắc Kinh đã tận dụng cơ hội đó để bắt đầu cuộc đàm phán chính thức với Kabila, và cuối cùng đã đạt được một thỏa thuận trị giá 6 tỷ USD. Trung Quốc sẽ cung cấp vốn cho các dự án xây dựng đường xá, bệnh viện, đường sắt, trường học và mở rộng khả năng sản xuất điện. Congo sẽ cho phép Trung Quốc khai thác 10 triệu tấn đồng và hơn 600.000 tấn coban để đổi lấy tất cả những điều này.
Các phương tiện truyền thông địa phương gọi thỏa thuận này là "Thỏa thuận thế kỷ." Kabila chúc mừng việc ký kết thỏa thuận nhưng giới tài chính toàn cầu phản ứng tương đối thận trọng, lo ngại rằng Congo đang gánh quá nhiều nợ.
Các quan chức Mỹ rất bất ngờ trước quy mô lịch sử của thỏa thuận này bởi Washington cho rằng, các khoản đầu tư trước đây của Trung Quốc vào Congo là "không chính thức và các công ty Trung Quốc liên quan thiếu tổ chức" và không đe dọa nghiêm trọng đến lợi ích của Mỹ.
Nhưng tình hình bây giờ tham vọng hơn nhiều so với trước đây: "Thỏa thuận cam kết xây dựng 3.200 km đường nối giữa tỉnh Oriental và tỉnh Katanga, 31 bệnh viện, 145 trung tâm y tế, hai trường đại học lớn và 5.000 đơn vị nhà ở của chính phủ", theo một bức điện năm 2008 từ Đại sứ quán Mỹ tại Kinshasa gửi các thành viên của Cơ quan Tình báo Trung ương, Ngoại trưởng và các quan chức khác.
"Đó không phải là tất cả," bức điện viết tiếp.
Xây tổ để thu hút phượng hoàng
Đến năm 2015, sự hiện diện của Trung Quốc ở Congo được thể hiện trong nhiều dự án cơ sở hạ tầng: Một sân bóng được xây dựng trên một bãi lầy, các con đường được mở rộng và các cơ sở xử lý nước thải được thi công.
Nhưng sự lũng đoạn của Trung Quốc trong việc độc chiếm thị trường coban không phải được đo bằng gạch và ngói. Vương Đồng Khánh, khi đó là Đại sứ Trung Quốc tại Congo, đã bắt đầu một chính sách ngoại giao chớp nhoáng kiểu Mỹ.
Trong một trận đấu bóng rổ của công ty Trung Quốc thu hút khán giả Congo năm đó, Vương đã ghi bàn thắng đầu tiên khi bắt đầu trận đấu.
Vương đã cấp học bổng cho sinh viên Congo sang Trung Quốc học tập, tham dự buổi lễ của một tổ chức Trung Quốc tặng vé máy bay cho chuyến lưu diễn Trung Quốc của dàn hợp xướng Congo, đồng thời viện trợ 1 triệu USD cho cuộc chiến chống lại virus Ebola của Congo .
Các hoạt động của Vương diễn ra cùng thời điểm Trung Quốc ban hành chính sách "Made in China 2025" vào năm 2015. Chính sách nêu rõ, Trung Quốc sẽ trở thành "cường quốc sản xuất" trong 10 lĩnh vực, bao gồm pin xe điện.
Trên một con đường lón ở Đông Nam Congo, coban được nghiền nát và định giá trong một nhà kho tạm thời. Ảnh: NYT
Gần như ngay lập tức, một làn sóng vốn do chính phủ hậu thuẫn đã đổ vào các công ty Trung Quốc ở Congo và nhiều nơi khác. Giao dịch nhanh chóng đạt được sau đó.
Cùng năm đó, Tập đoàn khai thác kim loại màu Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước cho biết, họ sẽ hợp tác với công ty khai thác quốc doanh Congo Gécamines để phát triển Deziwa, khi đó là một trong những khu vực khai thác đồng và coban lớn nhất ở Congo.
Vào năm 2017, Zijin Mining, một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc, đã tiến hành chào bán cổ phần tư nhân và huy động được gần 700 triệu USD để phát triển dự án mỏ đồng Kolwezi của mình.
NYT cho biết, 5 công ty lớn nhất của Trung Quốc hoạt động tại Congo đã nhận được hạn mức tín dụng ít nhất 124 tỷ USD cho các hoạt động toàn cầu của họ. Tất cả các công ty này đều thuộc sở hữu nhà nước hoặc do các cấp chính quyền Trung Quốc quản lý với cổ phần thiểu số đáng kể.
"Không giống như Mỹ, chính phủ Trung Quốc luôn hỗ trợ người Trung Quốc đầu tư vào châu Phi, đặc biệt là ở CHDC Congo", Kapanga, cựu cố vấn của Kabila cho biết.
Thỏa thuận lớn nhất đã đạt được vào tháng 4/2016. China Molybdenum đã đấu thầu 2,65 tỷ USD vào năm đó để mua lại mỏ Tenke Fungurume, thuộc sở hữu của người Mỹ. Khu vực khai thác của công ty nằm ở một trong những khu vực có trữ lượng coban lớn nhất thế giới . Cổ đông lớn nhất của China Molybdenum là một doanh nghiệp nhà nước và là một tỷ phú khá kín tiếng.
Trong vòng vài năm, họ đã dàn xếp giúp China Molybdenum mua lại Kisanfu, khu dự trữ coban khổng lồ chưa được khai thác, từ một công ty khai thác lớn mạnh của Mỹ. Hai thương vụ mua lại China Molybdenum đánh dấu sự thay đổi quyền sở hữu khoáng sản của Congo.
"CHDC Congo có lãnh thổ rộng lớn, tài nguyên thiên nhiên phong phú và tiềm năng đầu tư lớn", Vương Đồng Khánh phát biểu tại buổi lễ. "Trung Quốc có câu ngạn ngữ 'Xây tổ để thu hút phượng hoàng'"....
Coban của Congo sẽ cung cấp năng lượng cho các loại xe điện trong tương lai. Tuy nhiên, ở thủ đô Kinshasa, người dân vẫn phải dựa vào những chiếc xe buýt nhỏ cũ kỹ, còn được gọi là "Tử thần".
(Còn tiếp...)