Thời điểm tháng 12 này, nhiều người dân có nhu cầu mua xe mới khi được Chính Phủ đồng ý áp dụng giảm 50% thuế trước bạ, do đó khi mua xe người dân có thể tiết kiệm được một khoản chi phí nhờ chính sách này. Tuy nhiên, một số người dân lại “tiếc nuối” với biển số xe hiện tại mình đang sử dụng và muốn được tiếp tục sử dụng biển số cũ gắn lên xe mới.
Theo đó, một số bạn đọc đã gửi vấn đề này đến PLO với mong muốn được giải đáp thắc mắc: Liệu người dùng có được giữ biển số hiện có để áp dụng cho xe mới hay không?
Đề xuất người dân có thể giữ biển số xe để sử dụng cho nhiều loại xe thuộc quyền sở hữu của mình. Ảnh: TN
Liên hệ với Luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, hiện nay người mua xe hơi phải bỏ ra một khoản chi phí là 20 triệu đồng để đăng ký biển số. Theo quy định hiện hành, chủ xe bán xe cho người khác thì người mua xe chỉ có quyền được giữ biển số cũ nếu là người cùng tỉnh, thành. Còn người mua xe mới, đăng ký biển số xe lần đầu thì phải đăng ký bốc biển số mới tại đơn vị đăng ký xe.
Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề này, Luật sư Tuấn đặt vấn đề: Hiện nay tại khu vực TP.HCM và Hà Nội, người dân phải bỏ ra 20 triệu đồng để đăng ký biển số, hình thức này giống như một loại mua biển số xe. Theo đó, mua một biển số là sở hữu tài sản của cá nhân, khi chủ xe bán xe cho một người khác là bán xe chứ không bán biển số xe. Chiếu theo luật Dân sự, cá nhân chủ xe có thể giữ lại biển số đã đăng ký theo tên cá nhân của mình.
“Quyền sở hữu này thuộc sự điều chỉnh của luật Dân sự, vậy người sở hữu được quyền mua bán, chuyển nhượng, trao đổi tài sản của mình. Sau khi bán chiếc xe, người dân sẽ giữ lại biển số đó như một mã định danh của chính người đó. Nó giống như số điện thoại hiện nay, người dùng có thể đổi điện thoại mà giữ lại số sim”-vị luật sư cũng phân tích thêm.
Cũng theo Luật sư Tuấn, nếu người dân bán chiếc xe đang có biển số TP.HCM nhưng bán về Đồng Nai, hiện nay pháp luật không cho phép giữ biển số đó lại, trong trường hợp này có nên chăng pháp luật nên sửa đổi, đặt quyền lợi của người dân lên hàng đầu, xác lập quyền ở hữu của người dân.
“Bỏ số tiền 20 triệu ra để đăng ký biển số, nếu sau 6 tháng người này mua xe mới lại tiếp tục phải bỏ ra thêm 20 triệu nữa để đăng ký biển số mới, thế rất tốn kém chi phí cho người dân”- luật sư nói thêm.
Theo luật sư Tuấn, biển số xe có thể coi là tài sản, có thể mua bán, cho, tặng, thừa kế. Các quyền này cần phải được minh định trong Luật, bởi vì Nhà nước có quy định cần phải đấu giá các biển số xe đẹp, nếu người dân có nhu cầu, nghĩa là có mua bán? Việc này về mặt kinh tế thì Nhà nước thu lại số tiền khá lớn nếu tổ chức đấu giá, và chúng ta cần xem lại, tại sao cho phép đấu giá, cho phép sử dụng nhưng không cho phép quyền sở hữu? Do đó cần đảm bảo quyền sở hữu của người dân.
“Theo Quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì quyền mua bán biển số bị cấm, tức là không cho phép, do đó để thực hiện việc đấu giá thì phải sửa Luật hoặc Quốc hội ra Nghị quyết thì mới có thể triển khai việc đấu giá Biển số xe”- luật sư nói.
Theo luật sư, vừa qua Lãnh đạo Cục CSGT cũng có đưa ra một số phương án như sau:
Phương án 1, sẽ giữ nguyên theo luật hiện hành, cho phép đấu giá biển số, được phép sử dụng nhưng cấm mua bán, trao đổi.
Phương án 2, cho phép người dân được mua bán, cho tặng, trao đổi và cần quy định vào luật các quyền cụ thể.
"Nhưng các phương án trên đang nghiên cứu, cần phải điều chỉnh và luật hóa sớm để đi vào đời sống người dân, phù hợp với sự phát triển của xã hội hiện nay"- luật sư Tuấn nhấn mạnh.