Vụ việc bé trai 12 tuổi nhảy tầng 22 chung cư Goldmark City xuống đất tử vong do áp lực học tập đang khiến dư luận, đặc biệt là các bậc phụ huynh giật mình. Trên thực tế, không chỉ trẻ em mà ngay cả những CEO thành công bậc nhất cũng không thoát khỏi tự tử vì trầm cảm.
Cách đây 6 năm, tờ New York Post đưa tin, CEO của 3 dự án startup kiêm nhà phát triển iOS đã tuyệt vọng nhảy lầu tự sát từ một quán bar trên tầng thượng. Nạn nhân là Faigy Mayer, 30 tuổi, người sáng lập và CEO của Appton, một startup phát triển ứng dụng có trụ sở tại New York.
Mayer tốt nghiệp với bằng cử nhân kế toán từ Đại học Touro, nhận bằng thạc sĩ kế toán từ Đại học Brooklyn và mới nhận Chứng chỉ thuộc Chuyên môn Khoa học Dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins.
Theo thông tin trên trang LinkedIn của Mayer, cô đã phát triển một số ứng dụng iOS, bao gồm NYCTips giúp tính toán các khoản tip cho các nhà hàng ở New York, ứng dụng đậu xe có tên Carma và cuối cùng là ứng dụng quản lý chi tiêu ExpenseTracker.
Faigy Mayer, 30 tuổi, chủ của 3dự án startup, nạn nhân xấu số của vụ tự tử.
Những vụ tự tử của các chủ dự án startup điển hình như Mayer dường như chính là hậu quả của cuộc chiến âm thầm trong ngành công nghiệp công nghệ cao. Thay vì "làm thuê" cả đời cho một công ty lớn, nhiều người chấp nhận việc rời bỏ vòng an toàn, việc làm ổn định của mình để bắt đầu gây dựng sự nghiệp từ con số 0 với tham vọng thay đổi thế giới.
Điều này không thể tránh khỏi họ phải đối mặt với mặt tối của startup - căng thẳng kéo dài dẫn tới chứng trầm cảm ngày một trầm trọng và kết quả là việc tìm đến cái chết để giải thoát.
Một nghiên cứu do Tiến sĩ Michael Freeman, doanh nhân kiêm giáo sư lâm sàng tại UCSF, đã chứng minh được mối liên hệ giữa lĩnh vực kinh doanh với tỷ lệ ngày một tăng của các chứng bệnh liên quan tới sức khỏe tâm thần.
Từ 242 doanh nghiệp được tiến hành khảo sát, 49% cho biết họ đang mắc phải các chứng bệnh về sức khỏe tâm thần. Trong đó, trầm cảm là tình trạng bệnh thường gặp nhất khi chi phối tới 30% số doanh nhân được phỏng vấn. Ông cho biết: "Cứ 3 doanh nhân lại có một người phải chịu đựng trạng thái trầm cảm".
Tiếp theo đó là chứng rối loạn tăng động giảm chú ý ADHD (29%) và chứng rối loạn lo âu (27%). Những con số này như một hồi chuông cảnh báo cho tỷ lệ mắc bệnh về sức khỏe tâm thần khá cao ở Mỹ, nơi vốn được nhận định chỉ có khoảng 7% dân số mắc chứng trầm cảm.
Trầm cảm là tình trạng bệnh thường gặp nhất khi chi phối tới 30% số doanh nhân được khảo sát.
PGS. TS Trần Thu Hương, Khoa Tâm lý học, Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội từng bàn về vấn đề trầm cảm ở các doanh nhân, bà cho rằng: "Càng nổi tiếng, càng thành công, mức độ stress càng cao, trải nghiệm stress tiêu cực càng lớn và vì thế nguy cơ mắc trầm cảm càng gia tăng.
Rất để đưa ra lời khuyên cho tất cả bởi mỗi người, trong sâu thẳm tâm hồn, đều có những nỗi đau khổ riêng. Điều cần làm là tìm cách thấu hiểu bản thân, thấu hiểu sự đau khổ đó, soi chiếu bản thân một cách rõ ràng, để yêu thương bản thân mình.
Buông bỏ sự cố chấp là một trong nhiều cách thức giúp chúng ta cân bằng đời sống tinh thần, tự tháo gỡ từng lớp phòng vệ để sống thực với con người mình sẽ giúp cá nhân tránh được nhiều nguy cơ, bao gồm cả trầm cảm".